top of page

Suy nghĩ về vai trò của bộ câu hỏi: “Tại sao có sự lựa chọn đó? Liệu còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn không?”

Xin chào các bạn!! Gần đây tôi có những trải nghiệm ý nghĩa xung quanh một bộ câu hỏi quan trọng. Bộ câu hỏi này, giúp tôi không bị đóng đinh trong một sự lựa chọn duy nhất, giúp tôi có được sự linh hoạt và sáng tạo cần thiết. Đặc biệt, với startup khi luôn bị đặt trong thế giới hạn về nguồn lực và sự lựa chọn, câu hỏi này lại càng quan trọng, giúp tôi và các nhà sáng lập của mình có thể ra quyết định một cách hiệu quả hơn. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình vai trò của bộ câu hỏi này, trong bài Daily Catchup ngày hôm nay nhé!


Với các startup, đặc biệt là startup ở giai đoạn sớm, luôn phải đối mặt với rất nhiều hạn chế. Trong đó nổi bật nhất vẫn là vấn đề hạn chế về nguồn lực với vị trí nhỏ bé, khó có thể đạt được vị thế đủ tốt để thương lượng, dẫn đến bị hạn chế về sự lựa chọn. Vấn đề này “mãn tính” tới mức, có nhiều người sẽ có xu hướng “auto” nghĩ luôn rằng chỉ có thể chọn được A. Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết trước đây của mình về 8 cái bẫy thường gặp khi ra quyết định, trong đó startup sẽ thường dễ bị rơi vào tình trạng “cái khó bó cái khôn” bằng việc rơi vào 3 cái bẫy điển hình:


Bẫy nguyên trạng (statusquo trap) khiến chúng ta luôn muốn duy trì thái hiện tại, ngại thay đổi, ngay cả khi xuất hiện những phương án thay thế tốt hơn.

Bẫy củng cố chứng cứ (confirming evidence trap) khiến chúng ta chỉ tìm kiếm thông tin ủng hộ cho một quan điểm hiện tại và xem nhẹ thông tin có quan điểm trái chiều.

Bẫy đóng khung tâm lý (framing trap) khiến chúng ta bị đóng khung tâm lý, ra quyết định dựa trên cách thông tin được trình bày.


Đặc biệt hơn nữa, nếu như nhà sáng lập hay đội ngũ tham vấn cho nhà sáng lập startup đó, lại bị rơi vào cái bẫy tiếp theo là Bẫy tự tin thái quá (overconfidence trap - là bẫy khiến chúng ta đánh giá quá cao độ chính xác và khả năng phán đoán từ các thông tin mình có được), sẽ lại càng là “full combo” trọn vẹn cho việc ra quyết định thiếu hiệu quả.

Thấu hiểu được xu hướng rơi vào 4 “cái bẫy” trên của startup, tôi có cách tiếp cận khác, đơn giản với bộ câu hỏi của mình:

  • Đầu tiên, đi sâu vào việc liên tục đặt các câu hỏi Why đào sâu, để hiểu được lý do sâu sắc của việc tại sao lại đưa ra sự lựa chọn A. Câu trả lời càng rõ ràng chi tiết thuyết phục cho từng tầng câu hỏi Why, thì càng cho thấy sự suy nghĩ nghiêm túc, đủ sâu và thấu đáo khi cân nhắc đưa ra sự lựa chọn đó. Còn nếu không, thì bản thân các câu trả lời, sẽ bộc lộ hết những dấu hiệu bạn đã sa vào những “cái bẫy” kể trên. Câu trả lời kinh điển cuối cùng chốt lại thường đơn giản sẽ là, “Chúng ta chỉ có sự lựa chọn đó lúc này thôi”.

  • Từ đây, tiếp theo, tôi sẽ liên tục đặt câu hỏi, vậy ngoài sự lựa chọn A đó, startup đã từng cân nhắc những sự lựa chọn nào khác nữa rồi? Dựa trên câu trả lời nhận được, sau đó, tôi sẽ cùng với các nhà sáng lập cùng “brainstorm” suy nghĩ và thảo luận, xem liệu còn những lựa chọn nào mà startup chưa từng nghĩ tới không? Đây chính là lúc tinh thần AQ, sự sáng tạo và linh hoạt của chúng tôi cần được phát huy mạnh mẽ nhất, để tìm ra được những Phương án thay thế tốt nhất (BATNA) cho startup. Đây là cách tiếp cận kinh điển trong đàm phán, với cách tiếp cận là ban đầu phải nghĩ ra càng nhiều phương án thay thế càng tốt với nhiều kịch bản khác nhau có thể xảy ra. Sau đó là sắp xếp chiến lược những phương án thay thế đó theo thứ tự ưu tiên của tính khả thi và sự kì vọng của startup. Rồi sử dụng chúng, có trước có sau, một cách linh hoạt và chiến lược khi startup thương lượng với đối phương, hoặc cân nhắc trong nội bộ. Để cuối cùng, kết quả lựa chọn sẽ phải tốt và phù hợp hơn so sự lựa chọn “auto” A ban đầu.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về bản lĩnh không để “Cái khó cái khôn”, mà khuyến khích “Cái khó cái khôn” thực sự của startup bằng bộ câu hỏi trên của mình khi thảo luận với các nhà sáng lập startup. Đặc biệt, là nhà đầu tư VC, trong vài trò tham vấn cho các nhà sáng lập startup, tôi luôn thận trọng với “cái bẫy” mang tên, Bẫy tự tin thái quá. Con người chúng ta không thể nào đã biết hết mọi thứ trên đời, có nhiều thứ chúng ta không biết, và thậm chí chúng ta còn không biết những điều chúng ta không biết. Do đó, tôi luôn nhắc nhở chính bản thân mình, cố gắng giữ mình khiêm nhường, đặt ra những câu hỏi quan trọng, và lắng nghe chia sẻ từ người có kiến thức và kinh nghiệm hơn mình trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, là luôn cần liên tục chủ động đi tìm kiếm thông tin ở nhiều nguồn, trên nhiều hình thức. Để từ đó, dựa trên những thông tin mình đã biết và vừa có được, tôi cố gắng hình thành thói quen tìm kiếm ít nhất 3 sự lựa chọn khác nhau, để cân nhắc chọn ra điều tốt nhất cho mỗi quyết định quan trọng của mình. Hi vọng bài viết này sẽ là những gợi ý hữu ích cho các nhà sáng lập startup vượt lên trên mọi hạn chế, để tìm thấy cho mình nhiều sự lựa chọn tốt hơn nhé. Yeah, chúng ta cùng Just keep fighting cho điều này nhé!

bottom of page