top of page
Tìm kiếm

One way ticket: Kỉ niệm tròn một năm ngày về Việt Nam làm việc


Sáng nay tôi thức dậy nhận được bức thư dài từ sếp, chúc mừng tôi trở về Việt Nam làm đại diện quỹ được tròn một năm. Đúng rồi, đúng ngày này một năm trước, ngày 30/09/2019 là ngày tôi đáp chuyến bay một chiều về Việt Nam sau hơn 8 năm học tập và làm việc ở Nhật Bản. Thời gian trôi qua nhanh mà chậm, chậm mà nhanh, bởi lẽ một năm qua đối với tôi có rất nhiều những trải nghiệm khác biệt, những bài học mới mẻ, có thăng, có trầm, tất cả đến đều có lý do và ý nghĩa rất riêng.


Lý do của sự trở về


Đã có rất nhiều người hỏi tôi: Tại sao lại về? Có vẻ mọi người có nhiều lý do cho mình để ở lại một đất nước nào đó, nơi có nền kinh tế phát triển, đời sống văn minh và chất lượng, phù hợp để ổn định lập gia đình và tạo điều kiện học tập tốt cho con cái,...Nhưng với tôi, tôi lại có nhiều lý do để trở về hơn. Mặc dù, hơn 8 năm ở một đất nước nổi tiếng của sự xanh-sạch-đẹp như Nhật thì đúng tôi cũng đã có một cuộc sống rất thoải mái, thanh bình, đến mức nhiều lúc tôi phải thốt lên, cuộc sống nhẹ nhàng, yên ả thế này liệu có phù hợp với một người còn trẻ như tôi. Nếu mong cầu một cuộc sống an nhàn, ổn định thì cuộc sống ở Nhật có thể là sự lựa chọn không tệ, nhưng tôi mong cầu là điều khác, đó là lý do thôi thúc tôi trở về.



(Nikkei Asian Review)


Những con "rùa biển" trở về quê hương


Đầu những năm 2000, ở Trung Quốc khi đó hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất non trẻ, khái niệm "rùa biển" được đặt cho Hoa Kiều (người Hoa ở nước ngoài) có cơ hội học tập và làm việc ở các nước tiên tiến trở về nước, rồi khởi nghiệp. Những "rùa biển" đó mang theo những kiến thức, trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ học hỏi được trở về, tạo ra những lợi thế vượt trội trong việc gây dựng sự nghiệp ở quê nhà. Gần đây khái niệm "rùa biển" này cũng thường xuyên được nhắc đến ở Đông Nam Á mình. Họ đã đi để trở về quê hương khởi tạo nên những doanh nghiệp startup tạo ảnh hưởng lớn tích cực tới cuộc sống của người dân ở đất nước của họ như Grab, Go-Jek, Tiki,... Thật ra, ở Việt Nam mình làn sóng "Rùa biển" đã có từ trước đó, thậm chí trước cả thế hệ du học sinh Đông Âu trở về cuối những năm 90, thành lập nên những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VinGroup, Masan, VietjetAir,...đó là từ những thế hệ du học sinh những năm 40 của thế kỷ trước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, trở về giúp Việt Nam kháng chiến và nhiều người đã lập được những thành tích to lớn như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ...


Mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có những lứa "rùa biển" trở về gây dựng đóng góp tích cực, tạo ra những tầm ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của đất nước.


Có thể tôi còn rất bé nhỏ, so với các tiền bối đi trước, tôi cũng chưa thể tự tin nói mình có thể đóng góp được bao nhiêu, nhưng tôi chọn trở về khi còn trẻ để công hiến được nhiều nhất có thể cho đất nước, muốn được là một phần nhỏ bé tham gia trực tiếp và chứng kiến quá trình phát triển đi lên của quê hương mình.


Hành trang trở về là tinh thần mong muốn cống hiến


Có rất nhiều hình thức của sự đóng góp được ghi nhận, tiêu biểu như: Thời gian, tiền bạc, trí tuệ, mối quan hệ,... Và cũng có rất nhiều công việc khác nhau có thể đóng góp tích cực, dựa trên các hình thức này. Tôi chọn cho mình công việc là nhà đầu tư khởi nghiệp ở quỹ Genesia Ventures, trụ sở Nhật Bản, có hoạt động trải rộng ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam mình. Vì tôi hiểu được rằng, thông qua công việc này, tôi có thể kết hợp được nhiều hình thức đóng góp kể trên. Đầu tiên là mang nguồn vốn dồi dào từ Nhật về hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập ở Việt Nam phát triển, cùng với đó là các kiến thức gây dựng công ty bền vững, những triết lý kinh doanh đáng học hỏi của người Nhật, cả mối quan hệ phát triển kinh doanh quốc tế Việt Nam-Nhật Bản mà quỹ tôi có thể là chiếc cầu nối đắc lực. Tất cả những điều này, tôi đều cố gắng chắt chiu, gây dựng để "đóng gói hành lý" mang trở về Việt Nam, thành lập nên văn phòng đại diện quỹ Genesia Ventures ở thành phố Hồ Chí Minh. Một doanh nghiệp non trẻ ngày nay nếu có tiềm năng phát triển thì có thể trở thành một trong những xương sống của nền kinh tế trong những thập niên tiếp theo, đóng góp to lớn trực tiếp cho sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy tôi tìm thấy rất nhiều ý nghĩa trong công việc của mình là đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng đó phát triển.



(Khung cảnh thành phố Hồ Chí Minh từ cửa sổ văn phòng đại diện quỹ Genesia Ventures)


Một năm về Việt Nam - Những trải nghiệm không quên


Một năm 12 tháng qua, con "Thiên nga đen" mang tên Covid-19 tới cũng chiếm mất khoảng 8 tháng trong đó. Dẫu vậy, tôi cũng cố gắng hoà nhập nhanh chóng với cuộc sống mới ở Việt Nam và việc sống chung với dịch trong thời gian qua.


Tôi vẫn nhớ những đầu về Việt Nam, trong những ngày thời tiết sáng nắng chiều mưa ở Sài Gòn, tôi rong ruổi khắp các con phố, ghé vào các cửa hàng thuốc, chợ thuốc sỉ nói chuyện với người bán hàng, rồi hỏi chuyện với các nhân viên nhà kho bãi hàng để tìm hiểu những khó khăn của từng thị trường dược phẩm. Lúc đó là lúc chúng tôi cân nhắc đầu tư vào công ty startup BuyMed (thuocsi.vn- nền tảng online phân phối thuốc tới các nhà thuốc) ở Việt Nam.


Và rồi những ngày đầu đó dưới thời tiết khác biệt, cơ thể chưa kịp thích nghi, tôi nhanh chóng bị ốm. Khi thấy mình không khoẻ, tôi cũng ghé vào một hiệu thuốc nhỏ bên đường mua thuốc cảm cúm, và rồi tôi uống hoài gần 1 tuần không thấy đỡ hơn. Chợt nhớ ra, mình đã khảo sát thị trường dược phẩm ở Việt Nam, khoảng 30% thuốc được bán trên thị trường bị làm giả, do đó không ngoại trừ khả năng thuốc tôi uống đó là giả, không có công năng chữa khỏi bệnh. Cũng từ đây, tôi kì vọng hơn vào việc BuyMed sẽ giải quyết triệt để vấn đề nan giải này của thị trường dược phẩm, bằng một nền tảng phân phối trung thực, minh bạch và hiệu quả hơn, để mỗi người Việt Nam có thể tiếp cận được thuốc thật, chất lượng cao để duy trì được cuộc sống khoẻ mạnh hơn. Do đó, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào BuyMed chỉ sau khoảng một tháng tôi trở về Việt Nam.


Rồi Covid-19 đến mang theo nhiều khó khăn chung cho mọi người, và cả các doanh nghiệp startup của chúng tôi. Tôi thấy mừng vì tôi được ở Việt Nam trong giai đoạn Covid-19 này, được ở gần bên các startup, hỗ trợ động viên và khích lệ tinh thần chiến đấu của họ, khi họ cần chúng tôi nhất. Đồng thời, được tham gia và chứng kiến tinh thần toàn quốc đồng lòng chống dịch, có lẽ với thế hệ trẻ như tôi không phải là thế hệ đã đi qua chiến tranh ở thế kỉ trước, khó mà có thể chứng kiến trực tiếp được. Thực sự tinh thần đó sục sôi rất mạnh mẽ ở mọi "mặt trận"- từ nhà, ra phố, cả ở ngoài thực và cả ở trên thế giới mạng. Covid-19 đến, tôi nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài và chỉ ở nhà làm việc. Với một người tính cách hướng ngoại như tôi, thì thật khó tưởng tượng tôi có thể ở nhà liên tục mấy ngày trời không ra ngoài gặp gỡ ai được. Những ngày đầu đương nhiên rất khó khăn cho tôi để làm quen với điều đó, nhưng tôi cũng phải học cách "sống chung" với dịch. Tôi chọn lối sống lành mạnh tích cực, giữ tinh thần lạc quan, và bắt đầu những thói quen mới thay thế cho những thói quen cũ. Một trong số đó là viết blog chia sẻ kiến thức startup, kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp của tôi, qua chính trang blog này: zunzunstartup.com. Tôi cũng rất vui khi những nội dung tôi chia sẻ cũng được một số trang báo như Vietcetera, Cafebiz đăng bài viết.


Từ những trải nghiệm trên, tôi nhận ra rằng, có thể trong cuộc sống có nhiều vấn đề, nhiều điều bất ngờ ập đến, nhưng việc đối diện với những điều đó với thái độ tích cực, luôn đi tìm những giải pháp và những cơ hội từ đó là rất quan trọng. Trở về Việt Nam, tôi hiểu rằng, trong quá trình phát triển của một nền kinh tế sẽ có thể nảy sinh ra nhiều vấn đề như xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm,.. nhưng đi kèm với đó luôn là những cơ hội lớn nếu bạn tìm ra các giải pháp khắc phục các vấn đề.




Tại sao lại là "vé một chiều", mà không phải là "vé khứ hồi"?


Vâng, tôi trở về Việt Nam với một chiếc vé một chiều, và không hẹn ngày quay trở lại Nhật Bản. Vì tôi quyết tâm với sự lựa chọn trở về. Dù cuộc sống mới có nhiều thách thức, nhưng tôi tự hứa sẽ kiên định đến cùng, không tạo cho trước mình một đường lùi nào cả.


Nói tới đây, làm tôi cũng nhớ đến câu chuyện của Peter Nguyễn- Founder &CEO của BuyMed. Anh ấy có chia sẻ trong buổi nói chuyện trong Series Podcast- Startup Coffee Catchup của tôi, là mặc dù tất cả người thân gia đình đang sống ở Mỹ, nhưng anh vẫn quyết định về Việt nam lập nghiệp. Anh ấy cũng đã mua một chiếc vé một chiều trở về Việt Nam cách đây 7 năm, và tự hứa là phải thành công đóng góp cho mảnh đất này. Từ đó tới nay, anh ấy vẫn bền bỉ với đội ngũ của mình, làm việc ngày đêm để xây dựng BuyMed phát triển, vận chuyển thật nhiều dược phẩm chất lượng cao phân phối tới hơn 4000 nhà thuốc lớn nhỏ ở khắp miền Nam Việt Nam.


Một năm qua, tôi vẫn ở đây, ở Việt Nam làm việc chăm chỉ, nỗ lực không ngừng để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các startup của chúng tôi, và đồng thời đóng góp vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Taka Suzuki- người sếp trực tiếp của tôi cũng có chia sẻ qua một tin nhắn, động viên tôi nhân dịp tròn 1 năm ngày trở về Việt Nam làm việc, với nội dung như sau:


「みんな勘違いするんだよね。スキップする方法とか劇的の早く成長する方法とかを欲する。けど、そんなものはなくて日々の積み重ねが出来ている人だけが成長を加速することが出来るんだよ。なので、毎日を大切に、充実させて、そして何より楽しみながら頑張っていきましょう。」

(Dịch: Mọi người thường hay nhầm tưởng và mong muốn các con đường tắt nhanh chóng dẫn đến thành công. Nhưng thực ra, không phải vậy, mà chỉ có những người nỗ lực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và đóng góp từng ngày mới thành công. Vì vậy, hãy trân trọng, tận hưởng niềm vui trong công việc và cuộc sống, đồng thời tiếp tục cố gắng mỗi ngày nhé!)


Vì vậy, tôi sẽ không dừng tại đây, tất nhiên cũng sẽ không đặt mua chiếc vé quay lại Nhật Bản, tôi vẫn sẽ tiếp tục ở Việt Nam, tiếp tục làm việc chăm chỉ làm việc, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, chia sẻ đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng startup.


(ずんずん、努力を継続に!)


Trong bức thư dài sáng nay của bác Soichi Tajima- nhà sáng lập của quỹ Genesia Ventures gửi tôi, có dòng cuối gửi gắm nhiều niềm tin và động lực cho tôi. Bác ấy hiểu được rằng tôi luôn muốn trở thành nhà đầu tư khởi nghiệp được lựa chọn đầu tiên bởi những nhà sáng lập ưu tú, và bác ấy mong tôi hãy luôn cố gắng để trở thành nhà đầu tư như vậy. Thật ra việc thành công của một nhà đầu tư khởi nghiệp không phải là những thương vụ đầu tư, càng không phải là có tên trong những tít báo đầu tư vào startup nào đó, mà là "sự ghi nhận" khi có đóng góp thực sự vào việc đưa startup đó thành công để từ đó "được lựa chọn" bởi những nhà sáng lập ưu tú tiếp theo để đầu tư và hỗ trợ họ thành công. Và tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm việc chăm chỉ, cống hiến để đạt được mục tiêu đó, ở Việt Nam.





bottom of page