top of page
Tìm kiếm

Post-investment: Xây dựng niềm tin và tối ưu hiệu quả giao tiếp thông qua Investor Report

Xin chào cả nhà!

Tuần trước tôi có tham gia một buổi họp chính thức với các nhà đầu tư nội và ngoại, sau khi cùng hoàn thành đầu tư chung vào một startup tại Việt Nam. Buổi họp cũng có sự tham gia của nhà sáng lập startup đó. Anh ấy đã cùng team của mình dành nhiều tâm huyết và công sức trước đó nhiều ngày để chuẩn bị tài liệu thuyết trình cập nhật tình hình kinh doanh, .. và luyện tập để thuyết trình bằng tiếng Anh - ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, nay lại càng khó khăn hơn với người thuần làm kỹ thuật như anh ấy. Buổi họp diễn ra trong khoảng 1 tiếng rưỡi, dưới bầu không khí cũng không hẳn dễ thở cho anh ấy. Rất tiếc, rõ ràng ngoại ngữ là rào cản khiến anh ấy trở nên lúng túng, mất tự tin (khác hẳn với phong thái tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Việt bình thường), từ đó làm giảm đi hiệu quả truyền đạt trong câu trả lời của mình đối với các câu hỏi dồn dập đến từ phía nhà đầu tư. Tôi hoàn toàn đồng cảm với nhà sáng lập đó. Cuối buổi họp, tôi đã chủ động đề xuất với mọi người về chuyển hình thức báo cáo tình hình kinh doanh startup từ họp trực tiếp, sang gửi báo cáo bằng văn bản qua email mỗi tháng cho nhà đầu tư, và trong trường hợp có việc quan trọng cần ra quyết định, hay tham vấn ý kiến nhà đầu tư thì sẽ tổ chức bằng hình thức họp. Vì tôi hiểu một điều, nhà sáng lập vốn đã rất bận rộn, với nhiều sự ưu tiên khác nhau, họ cần ưu tiên tập trung vào sản phẩm, khách hàng và nhân viên của mình, nên hơn bao giờ hết, những hoạt động Investor Report (Báo cáo tinh hình kinh doanh startup cho nhà đầu tư) cần phải được làm một cách tối ưu nhất về thời gian và hiệu quả thực hiện.


Gần đây, tôi luôn đau đáu một vấn đề mang tên là Asymmetric information - Thông tin bất cân xứng, đây được coi là một trong những vấn đề lớn nhất của thị trường tài chính, trong đó bao gồm cả đầu tư mạo hiểm (Venture Capital). Thông tin bất cân xứng sẽ xảy ra khi một trong các bên giao dịch không biết các thông tin cần thiết, một cách chính xác và đẩy đủ về bên kia để đưa ra những quyết định đúng đắn trong giao dịch tài chính mua-bán. Có 3 đặc điểm cơ bản của vấn đề này: Thứ nhất, thông tin giữa các bên giao dịch có sự khác biệt, sai lệch; Thứ hai, có nhiều trở ngại, rào cản trong việc trao đổi thông tin hiệu quả chính xác giữa các bên; Thứ ba, một trong hai bên có thông tin đầy đủ chính xác hơn, còn bên kia thì không. Vấn đề này sẽ tạo ra một khoảng cách về thông tin và từ đó là khoảng cách về niềm tin giữa các bên, mà trong ngành tài chính nói chung, và ngành đầu tư mạo hiểm nói riêng, niềm tin của những thành phần tham gia đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều này đã giải thích vì sao, theo CBInsights, mối quan hệ thiếu tin tưởng, bất hoà với nhà đầu tư, lại là lý do đứng thứ 10 trong 12 lý do cho sự thất bại của startup.


Tôi đã tìm đọc rất nhiều nghiên cứu khác nhau về cách giải quyết vấn đề Thông tin bất cân xứng này cho ngành đầu tư mạo hiểm, trước và sau đầu tư. Có một đặc điểm cơ bản trong ngành này đó là, các công ty startup đều là các công ty Private - công ty tư nhân chưa được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt là các công ty ở giai đoạn sớm, thông tin về công ty đó rất khan hiếm, không có sẵn để dễ dàng tìm thấy và xác nhận. Đó là lý do vì sao, trước khi ra quyết định đầu tư, các quỹ sẽ phải thực hiện Due Diligence (DD)- Thẩm định doanh nghiệp, hay sau đầu tư, các quỹ sẽ phải Monitor- Giám sát hoạt động kinh doanh của các startup mình đầu tư, và đảm bảo các quỹ được bảo vệ trước pháp luật bởi các điều khoản trong hợp đồng đầu tư với startup. Tuy nhiên, những cách giải quyết này vẫn là không đủ để giải quyết triệt đề vấn đề bất cân xứng thông tin giữa nhà đầu tư và startup, vốn đã tồn tại hơn nửa thế kỷ hình thành tới nay của ngành đầu tư mạo hiểm trên thế giới. Trong bài nghiên cứu chuyên sâu với đề tài “Entrepreneurial experiences from venture capital funding: exploring two-sided information asymmetry” của Sarah Glücksman, với nhiều cuộc phỏng chuyên sâu với các nhà sáng lập có kinh nghiệm, tác giả có đề cập tới một trong 4 cơ chế quan trọng để giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng, mà tôi hoàn toàn đồng ý, đó là xây dựng niềm tin (Trust-building) giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư, thông qua giao tiếp trung thực và hiệu quả.

Nói về xây dựng niềm tin, có lẽ Fundiin là một trong những startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, đã và đang làm rất tốt điều đó. Cụ thể, trong những tháng lockdown căng thẳng nhất của Sài Gòn vào năm ngoái, chúng tôi vẫn có thể giao tiếp, xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau chỉ qua môi trường trực tuyến, để rồi từ đó chúng tôi có thể thực hiện được một thương vụ đầu tư quyết liệt - hoàn thành trong đúng 1 tháng. Đặc biệt, sau đầu tư, nhà sáng lập của Fundiin - anh Nguyễn Ảnh Cường, luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tin tưởng với những nhà đầu tư chúng tôi, thông qua việc anh đều đặn gửi Monthly Investor Report (Báo cáo hàng tháng) của Fundiin qua email một cách vô cùng chỉn chu.


Có lẽ vẫn có nhiều nhà sáng lập nghĩ, sau đầu tư, việc gửi báo cáo hàng tháng cho các nhà đầu tư của họ, là hành động một chiều từ phía startup, tốn thời gian, mà không thực sự mang lại hiệu quả, nên có cảm giác bị bắt buộc phải làm chỉ vì có ràng buộc bởi điều khoản Management and Financial Information Right trong hợp đồng đầu tư? Để cho thấy những suy nghĩ này không còn phù hợp, tôi xin được phép chia sẻ về việc Fundiin đã tối ưu hoá thời gian làm báo cáo thế nào và đã đổi lại được những hiệu quả như thế nào nhé!


Anh Cường có chia sẻ, trong quá trình tổng hợp làm báo cáo hằng tháng cho các nhà đầu tư của Fundiin, do phần lớn số liệu cần thiết trong báo cáo cần thời gian để được chiết xuất từ hệ thống quản lý nội bộ. Những số liệu này, bao gồm số liệu từ đối tác, số liệu kế toán thường sẽ có đủ vào ngày 15 hàng tháng. Từ những dữ liệu này để viết ra report gửi nhà đầu tư thì mất khoảng 1 buổi (1/2 ngày, giai đoạn đầu thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để thiết kế template- mẫu báo cáo, công thức tính,..). Để tối ưu hoá thời gian hơn nữa, anh Cường chủ động phân bổ từng mục trong báo cáo cho các phòng ban liên quan thực hiện định kỳ, sau đó anh chỉ cần kiểm tra lần cuối và bổ sung thêm các thông tin quan trọng. Với việc thực hiện như vậy, thời gian có thể giảm xuống còn vài giờ thay vì 1 buổi dành cho các nhà sáng lập và đội ngũ của mình.


Đó là hiệu quả về mặt tối ưu hoá thời gian, còn dưới đây là những hiệu quả bất ngờ về mặt tối ưu hoá việc xây dựng niềm tin và sự hỗ trợ từ nhà đầu tư dành cho startup, nhờ hoạt động báo cáo định kì dành cho nhà đầu tư.

  • Đầu tiên, nhà đầu tư được cập nhật càng thường xuyên họ càng nắm được tình hình đúng nhất của công ty, họ có thể giới thiệu kết nối với đúng người, đúng thời điểm. Ví dụ như là các nhà đầu tư tiềm năng hay các đối tác kinh doanh tiềm năng cho startup của bạn. Thực tế, mỗi khi đọc báo cáo cập nhật hằng tháng của Fundiin, tôi biết rõ tình hình của công ty cần hỗ trợ gì để phát triển. Tôi thậm chí còn lên danh sách To-do list của tôi, ghi rõ vào thời điểm nào sẽ hỗ trợ gì, sẽ kết nối đối tác nào cho Fundiin là phù hợp nhất, từ đó có thể hỗ trợ Fundiin một cách hiệu quả nhất.


  • Nhà đầu tư không muốn chỉ nhìn thấy những ý tưởng kinh doanh, mà họ còn muốn nhìn thấy các kế hoạch, hành động hiệu quả tiến đến mục tiêu thực hiện ý tưởng đó. Trong báo cáo gửi nhà đầu tư, sẽ luôn cần có những thông tin cập nhật về các kế hoạch, chiến lược, các mục tiêu tài chính KPI. Qua đó các nhà đầu tư sẽ hiểu được startup đã, đang và sắp làm gì để biến ý tưởng, tầm nhìn thành hiện thực. Việc nhà đầu tư càng hiểu rõ được quá trình phát triển đó của startup, họ sẽ càng có nhiều niềm tin, tin tưởng vào khả năng thực thi của đội ngũ startup, qua đó gia tăng thêm cơ hội họ sẽ tiếp tục đầu tư ở các vòng gọi vốn tiếp theo trong tương lai.


  • Việc phải update những thông tin không tích cực như tăng trưởng chậm lại không như kì vọng, các vấn đề nội bộ phát sinh trong quá trình vận hành, hay phát triển kinh doanh đối tác,.. với nhà đầu tư hoàn toàn không sao, họ hiểu thăng - trầm là tất yếu trong quá mọi trình “phá kén” phát triển của startup. Thậm chí, nếu nhà sáng lập chia sẻ rõ lý do của việc đó và kế hoạch PDCA cải thiện sắp tới, một cách rõ ràng thuyết phục thì bạn sẽ ghi điểm hơn rất nhiều trong mắt nhà đầu tư. Qua đó lại càng làm tăng thêm sự tin tưởng của nhà đầu tư vào bản lĩnh của nhà sáng lập và đội ngũ của startup.

Dưới đây là một vài gợi ý của tôi giúp nhà sáng lập giao tiếp hiệu quả với nhà đầu tư của mình:


Đầu tiên, nhà sáng lập cần thống nhất trước với nhà đầu tư về những chỉ số quan trọng cần có trong báo cáo của mình, hình thức báo cáo (gửi qua email, qua công cụ quản lý KPI chung, hay họp trực tiếp), và thời gian ngày giờ báo cáo cụ thể. Như câu chuyện tôi kể ở phần đầu bài viết, với những nhà sáng lập không có lợi thế với ngoại ngữ (tiếng Anh), khi giao tiếp với nhà đầu tư ngoại, tôi vẫn luôn khuyến khích nhà sáng lập ở Việt Nam, tận dụng hình thức báo cáo hàng tháng bằng văn bản, hơn là bằng buổi họp nói chuyện trực tiếp, để đảm bảo biểu đạt đầy đủ chi tiết và chính xác nhất, là cách vượt qua rào cản ngoại ngữ để tối ưu hiệu quả giao tiếp. (Bên cạnh báo cáo văn bản hàng tháng, nhà sáng lập và các nhà đầu tư có thể tăng cường giao tiếp thông qua trao đổi nhắn tin, casual catchup qua những buổi ăn trưa hay cafe,.. Trong trường hợp có những quyết định quan trọng cần tham vấn ý kiến nhà đầu tư thì startup có thể tổ chức các buổi họp trực tiếp với nhà đầu tư)


Tiếp theo, nhà sáng lập có thể chuẩn hoá format mẫu báo cáo của mình, để đảm bảo tài liệu báo cáo có đầy đủ những thông tin quan trọng được cập nhật tới nhà đầu tư, một cách chính xác, nhất quán và dễ theo dõi. Tôi có tìm thấy format mẫu báo cáo cơ bản của YC ở đây, các bạn có thể tham khảo thêm nhé! Bên cạnh đó, tôi xin được chia sẻ thêm những mục quan trọng sau, mà tôi luôn mong muốn được nhìn thấy trong báo cáo từ các startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư, để tôi có thể tham gia hỗ trợ đắc lực nhất cho startup của mình.

  • Key Highlights (Những điều tích cực đã đạt được)

  • Key Lowlights Including Improvement Plan (Những điều hạn chế hay chưa đạt được, kèm theo kế hoạch cải thiện)

  • Current top 2-3 priorities (2~3 điều đang ưu tiên tập trung lúc này)

  • Metrics: Revenue (Doanh thu), Expenses (Chi phí), Cash-in-hand (Số tiền hiện có), Burn Rate (Tốc độ đốt tiền), Runway (Thời gian còn lại cho tới khi startup hết tiền), 1-3 key KPIs (1~3 chỉ số KPI chính)

  • Key Hires (Cập nhật tuyển dụng nhân sự cốt cán)

  • Challenges + Ask for help (Những thách thức của startup hiện nay cùng với yêu cầu hỗ trợ từ nhà đầu tư)

Hi vọng những chia sẻ mang tính chất xây dựng trên đây của tôi, sẽ là những gợi ý có ích tới các nhà sáng lập, để cùng với các nhà đầu tư khởi nghiệp, chúng ta cùng có thể xây dựng và duy trì mối quan hệ tin tưởng đồng hành hỗ trợ lâu dài, vượt qua mọi rào cản về ngoại ngữ, về khoảng cách vật lý, khắc phục về vấn đề thông tin bất cân xứng, để cùng nhau đưa startup “cất cánh” thực sự từ Việt Nam chúng ta nhé!

bottom of page