top of page

Suy nghĩ về MOAT trong nghề VC

Hôm nay tôi có một buổi lunch meeting rất ý nghĩa với một trong các đồng sáng lập của startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư ở Việt Nam. Điều ý nghĩa làm tôi ấn tượng nhất là khi chúng tôi thảo luận về MOAT - Lợi thế cạnh tranh bền vững của nghề VC, trong bối cảnh thị trường trầm lắng phải chứng kiến nhiều sự ra đi lặng lẽ của các VC trên thế giới, cũng như chúng kiến một làn sóng các nhà sáng lập startup sau exit đã tham gia nghề VC. Câu chuyện sâu sắc khiến tôi suy nghĩ suốt cả chặng đường về, và tôi rất muốn chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về đề tài ý nghĩa này trong bài Daily Blog ngày hôm nay.


Có thể nói nghề VC là nghề có tính cạnh tranh và tính đào thải cao. Trong một hệ sinh thái startup phát triển cả về chất và lượng, thì VC sẽ không phải là bên được đi chọn startup, mà sẽ luôn ở trong thế làm sao để được chọn cho mình đầu tư bởi những nhà sáng lập ưu tú nhất của những công ty startup tiềm năng nhất. Để làm được như vậy, thì VC luôn phải có cho mình những lợi thế cạnh tranh nhất định. Mặc khác, VC cũng là nghề phải “chạy bền” ít nhất là cần đi hết gần vòng đời phát triển của một startup, một vòng đời của 1 fund trong quỹ để biết được mình đầu tư có thực sự thành công hay không, quỹ có thể mang lại lợi nhuận đầu tư cho LP - đối tác đầu tư của mình hay không. Do đó, đòi hỏi VC phải có lợi thế cạnh tranh, không phải trong nhất thời, ngắn hạn, mà phải luôn được duy trì và tích luỹ trong dài hạn. Tương tự bất kỳ startup nào cũng cần phải có, tôi tin rằng MOAT - là lợi thế cạnh tranh bền vững, cũng vô cùng quan trọng với nghề VC. Vậy làm sao để xây dựng được MOAT này? - Đây là câu hỏi mà tôi tin chắc những ai làm nghề VC nghiêm túc luôn đau đáu suy nghĩ. Và tôi tin những chia sẻ ngày hôm nay có thể chưa phải là câu trả lời cuối cùng, vì tôi vẫn luôn tiếp tục suy nghĩ về MOAT trên hành trình chạy bền với nghề VC của mình.


Có nhiều người đã từng nói rằng MOAT trong nghề VC là tiền, là kiến thức chuyên môn, là brand - thương hiệu của quỹ, là network. Tôi tin rằng đây là câu trả lời rất đúng, nhưng chưa đủ. Lý do là vì những lợi thế này hoàn toàn có thể cạnh tranh và thay thế được. Nếu VC có thể may mắn huy động được nhiều tiền về cho quỹ, họ có thể tuyển dụng được nhiều nhân tài giỏi có chuyên môn về đầu quân, họ có thể làm truyền thông mạnh mẽ để xây dựng hình ảnh, họ có thể tổ chức hoặc tham gia nhiều sự kiện, hoạt động để xây dựng network. Các nhà sáng lập đọc tới đây, chắc chắn có thể hiểu và đồng cảm được vì việc này hoàn toàn tương tự như startup. Đúng vậy, đặc biệt khi chứng kiến startup gọi được nhiều vốn đầu tư cũng không bảo chứng cho thành công, và có nhiều VC cũng vậy, không thể tiếp tục hoạt động đầu tư vì không thể huy động thêm những fund tiếp theo cho quỹ. Do đó, cần phải có những lợi thế cạnh tranh khác bền vững hơn trong nghề VC ngoài những điều trên.

Để đi tìm câu trả lời cho mình, tôi đã tìm thấy một case study đặc biệt để phân tích. Đó chính là GP - Soichi Tajima, nhà sáng lập của quỹ Genesia Ventures của chúng tôi. Cũng tình cờ trong bài phỏng vấn độc quyền của anh với báo Asahi sáng nay, tôi cũng tìm thấy những giả thiết nhất quán của mình về điều quan trọng trong việc xây dựng MOAT của VC. Anh đã chạy bền với nghề VC được 17 năm tới nay. Anh bắt đầu xây dựng quỹ VC từ năm 2006. Thời đó tới nay, vẫn luôn có một luật áp lên nghề VC - đó là The Power Law - nói lên tỷ lệ thành công và thất bại trong đầu tư startup một cách cực đoan, trong 10 công ty startup được lựa chọn đầu tư chỉ có 1 công ty có thể thành công lớn. Tuy nhiên, trong quỹ VC ban đầu anh Soichi Tajima thành lập đó, trong tổng số 29 công ty anh đầu tư, thì có tới 9 công ty thực tế đã IPO, với tỉ lệ hơn 30%. Tức là trong 3 công ty anh đầu tư, sẽ có 1 công ty có thể IPO.




Làm sao có thể được như vậy? - là câu hỏi tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời trong mỗi lần tương tác thảo luận với anh. Điều đầu tiên và quan trọng nhất, anh là người sống có lý tưởng rõ ràng, có tâm huyết và tầm nhìn lớn với nghề đầu tư VC này. Tiếp theo, anh đầu tư có trách nhiệm. Thực tế, anh luôn lăn xả mọi lúc mọi nơi đồng hành với startup mình đầu tư, cả trong những lúc khó khăn nhất của startup. Anh thẳng thắn, giao tiếp hiệu quả với các nhà sáng lập, để hai bên có thể duy trì được mối quan hệ tin tưởng đồng hành lâu dài. Anh lắng nghe các nhà sáng lập và các nhà sáng lập cũng lắng nghe anh, luôn tìm ra được tiếng nói chung để đồng lòng đưa công ty phát triển. “Thuyền lên thì nước cũng lên” - Các nhà sáng lập thành công, thì anh cũng thành công. Các nhà sáng lập đồng hành với anh yêu quý, nể trọng anh, họ tiếp tục giới thiệu anh với những người bạn - là những nhà sáng lập ưu tú khác trong network của mình để anh có thể tiếp tục đầu tư vào những công ty startup tiềm năng. Cứ thế Flywheel - bánh đà VC của anh cứ quay đều và tích luỹ MOAT cho anh trong 17 năm tới nay. Anh thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong hành trình “chạy bền” với nghề VC của tôi. Từ xuất phát điểm nhỏ bé nhất, không nhiều tiền, không nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ, nhưng có một tầm nhìn lớn và mục tiêu rõ ràng, cùng với tinh thần lăn xả để cùng phát triển với startup mình đồng hành, tôi tin rằng mình có thể xây dựng dần được MOAT của mình trong nghề VC theo thời gian một cách bền vững nhất.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về MOAT - lợi thế cạnh tranh bền vững trong nghề VC. Tôi thực sự rất vui khi mình có thể từng bước xây dựng được mối quan hệ tin tưởng với các nhà sáng lập của mình để có được những buổi thảo luận sâu sắc về đề tài quan trọng này. Tôi sẽ “Keep Fighting” hơn nữa, để từng bước xây dựng được MOAT được compound một cách bền vững và ý nghĩa nhất theo gian. Tôi tin các nhà sáng lập thông minh cũng vậy! Yeah, chúng ta cùng Keep Fighting nha!!

bottom of page