top of page

Chia sẻ về tình hình gọi vốn của các startup trong bối cảnh hiện nay

Vừa qua trong buổi trao đổi với một chị phóng viên của một trang báo kinh tế, tôi nhận được một vài câu hỏi quan trọng về đánh giá tình hình gọi vốn của các startup trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhận thấy đây cũng là câu hỏi tôi thường xuyên được nhận gần đây, từ nhiều anh chị em nhà sáng lập cũng như nhà báo, do đó, tôi xin phép dành trọn bài Daily Catchup hôm nay để chia sẻ tới mọi người một vài suy nghĩ của mình về đề tài này, một cách hiệu quả nhất nhé!


Tình hình gọi vốn của startup trong thời gian này, có thể tóm gọn lại là, không thể và không nên lạc quan. Như các bạn cũng biết không chỉ riêng Việt Nam, mà trên quy mô toàn cầu, các nước đang ra sức kìm chế lạm phát bằng việc nâng lãi suất, thắt chặt tín dụng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính, khiến nhiều ngân hàng trên thế giới gặp khủng hoảng, điển hình là trường hợp của ngân hàng SVB và Credit Suisse phải bán mình gần đây. Đến những các tập đoàn tài chính lớn tưởng chừng như “too big to fail” như vậy cũng gặp khó khăn, nên chắc chắn startup không tránh khỏi những ảnh hưởng này.


Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp nhất, đó là dòng vốn đổ vào các công ty startup. Do lãi suất tăng cao, nên sự lựa chọn kênh tiếp cận vốn của startup vốn đã hạn chế, nay lại càng ít hơn và trở nên đắt đỏ hơn. Startup từ những giai đoạn sớm, thường có những kênh tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (Angel), các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), và vốn cho vay mạo hiểm (Venture Debt). Tới giai đoạn trưởng thành hơn nữa, startup có thể tiếp cận gọn vốn từ với các quỹ PE, hay các khoản vay qua ngân hàng với tài sản đảm bảo. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay, thì có thể nói tất cả các kênh tiếp cận vốn kể trên, đều trở nên thận trọng và “kỷ luật” hơn trong hoạt động đầu tư hoặc cho vay startup của mình.


VC chúng tôi nói chung cũng vậy. Mỗi quỹ VC có thời điểm bắt đầu vòng đời của của quỹ khác nhau (có quỹ đang trong quá trình gọi vốn mới, có quỹ mới hoàn tất gọi vốn, và cũng có quỹ sắp hết vòng đời của quỹ), nên mỗi quỹ VC luôn có kế hoạch đầu tư và năng lực đầu tư là số vốn giải ngân nhất định của riêng mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần được nhấn mạnh là khẩu vị rủi ro của VC đã có sự thay đổi dẫn đến việc họ phải thận trọng đầu tư hơn. Khác với giai đoạn đỉnh cao của vốn mạo hiểm hơn 2 năm về trước, các VC giờ đây muốn đầu tư vào các startup tập trung giải quyết bài toán nhu cầu thật lớn và rõ ràng tại thị trường, ở đó dịch vụ sản phẩm cung cấp phải là “Must-Have” (bắt buộc phải có) đến mức khách hàng dù trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” sẵn sàng trả tiền để sử dụng. Đó có thể là các sản phẩm, dịch vụ nằm trong các mảng “không thể thiếu” dù trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế xã hội nào, ví dụ chăm sóc sức khoẻ, mảng giáo dục, nhà ở, ăn uống. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn kinh tế nói chung khiến các khách hàng từ cá nhân tới doanh nghiệp, đều gặp thách thức về dòng tiền. Do đó, các sản phẩm dịch vụ có thể hỗ trợ họ “Tăng thu - Giảm chi” bằng việc gia tăng thêm thu nhập, tối ưu hiệu suất giảm chi phí thì có thể được những khách hàng chào đón sử dụng.


Bên cạnh đó, các VC muốn đầu tư vào đội ngũ sáng lập mang tới giải pháp “Must-Have” này, với tư duy, năng lực và chiến lược rõ ràng cụ thể cho thấy họ có thể đạt được PMF (Product Market Fit - Sản phẩm phù hợp với thị trường) cho tới vòng gọi vốn tiếp theo. Trong bối cảnh khó khăn tiếp cận vốn hiện nay, có thể nói chỉ có công ty đạt được PMF hoặc cho thấy những dấu hiệu ban đầu có thể đạt được PMF, mới có thể tiếp tục thuyết phục được nhà đầu tư để được nhận vốn. Do đó, với các công ty startup mới hoàn tất 1 vòng gọi vốn tới nay, thì họ đang cần phải tập trung vào sản phẩm và khách hàng, để đảm bảo startup có thể đạt được PMF, để có thể tiếp tục có được vòng gọi vốn tiếp theo. Còn với các công ty startup đã đạt được PMF một cách thuyết phục trên từng phân khúc khách hàng của mình, đang có lợi thế rất lớn. Đầu tiên là lợi thế thu hút sự quan tâm đầu tư của các quỹ đầu tư. Những startup này trở nên vô cùng nổi bật, được ví như là “điểm sáng” trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn hiện nay. Tiếp theo, từ nguồn vốn họ huy động được, thì đây cũng là thời điểm thuận lợi họ có thể mở rộng chiếm lĩnh thị trường, trong khi các đối thủ của mình đang gặp khó khăn. Đây cũng chính là lúc, các nhà sáng lập và đội ngũ của các startup đã đạt được PMF này, phải biết ơn vì những quyết định sáng suốt, giữ mình kỉ luật, tập trung vào đạt PMF trong chính thời kỳ dòng tiền “dễ dãi” vừa qua. Vì giai đoạn đó giúp họ có được những lợi thế và sự sẵn sàng cần thiết để bứt phá trong giai đoạn hầu như mọi người đều đang phòng thủ như hiện nay.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi, cũng là những chiêm nghiệm về những thay đổi cần thiết trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp, cũng như thách thức và cơ hội của các startup ở các giai đoạn khác nhau dù trong giai đoạn thị trường nhiều khó khăn của hiện tại. Tôi luôn tin các nhà sáng lập thành công luôn có tư duy tối ưu hiệu suất trên từng cơ hội, do đó sẽ không để những khủng hoảng như hiện nay trôi qua một cách lãng phí. Là nhà đầu tư VC, tôi cũng vậy! Tôi vẫn đi tìm và tích cực đầu tư vào những nhà sáng lập như vậy. Yeah, keep fighting nhé!!

bottom of page