top of page

Hậu Layoff: Những điều quan trọng nhà sáng lập cần làm đối với những người ở lại startup

Chắc hẳn, là nhà sáng lập startup, các bạn đã từng trải qua ít nhất một lần cảm giác đau đớn khi phải sa thải những nhân viên yêu quý của mình? Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để tồn tại được tiếp, startup phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn, là cắt giảm nhân sự. Đây không phải là vấn đề đuổi việc người không đủ năng lực làm việc, mà là việc cắt giảm nhân viên dù tốt do công ty không đủ nguồn lực để duy trì. Tôi hiểu được cảm giác đau đớn và thất vọng của các nhà sáng lập cũng như bầu không khí căng thẳng trong mỗi văn phòng startup hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng hi vọng mọi người sẽ mạnh mẽ, nhanh chóng đứng dậy, hành động những điều quan trọng dưới đây.


Đã có rất nhiều bài viết chia sẻ về gợi ý quy trình tiền hành cắt giảm nhân sự dành cho startup, nhưng tôi nhận thấy còn rất ít sự quan tâm đầy đủ dành cho cả nhà sáng lập và các nhân viên ở lại hậu cắt giảm nhân sự. Cắt giảm nhân sự trong hoàn cảnh hiện nay, thực sự là một việc không hề vui vẻ với bất kỳ ai, gồm cả người ra đi và người ở lại. Người ở lại cũng sẽ rơi vào cảm giác buồn bã vì phải chia tay đồng nghiệp thân thiết của mình, sẽ lo lắng và mất niềm tin vào công ty. Họ sẽ cảm nhận được tín hiệu từ việc sa thải này rằng công ty không đủ nguồn lực, gặp nhiều khó khăn, rằng có thể một ngày nào đó, nếu cứ tiếp diễn thế này mình cũng sẽ bị công ty sa thải, dù có cố gắng làm việc thế nào. Chính những cảm xúc tiêu cực này, khiến tinh thần cố gắng cũng như năng suất làm việc của họ dễ bị giảm đi. Giáo sư Teresa Amabile của Harvard Business School đã có một bài nghiên cứu một doanh nghiệp trong nhóm Fortune 500 sau khi cắt giảm 15% nhân sự, số lượng phát minh cải tiến của công ty này đã giảm 24% sau đó.


Do đó, đòi hỏi các nhà sáng lập cần nhận ra hậu quả này, rằng tinh thần lao động sáng tạo sa sút hậu cắt giảm nhân sự có thể diễn ra đối với những nhân sự ở lại của mình. Từ nhận thức được được rủi ro này, các nhà sáng lập sẽ không chỉ cần khích lệ chính bản thần mình, mà quan trọng nữa là cần tập trung khích lệ những nhân viên của mình. Các bạn sẽ cần thường xuyên tổ chức các buổi họp team quản lý, họp toàn bộ nhân viên hơn để tăng kết nối, tăng cơ hội để thấu hiểu và chia sẻ. Đặc biệt giai đoạn này, các nhân viên ở lại luôn muốn được cập nhật thông tin một cách minh bạch, rõ ràng và trực tiếp nhất từ nhà sáng lập. Họ quan tâm về kế hoạch tồn tại và phát triển sắp tới của công ty để thêm niềm tin về tương lai của mình tại đây. Hơn bao giờ hết, họ cần cảm nhận được giá trị tồn tại, được trân trọng và ủng hộ từ nhà sáng lập. Họ cần được truyền cảm hứng, động lực tiếp tục chiến đấu “keep fighting!” mạnh mẽ hơn nữa từ các nhà sáng lập của mình. Bên cạnh đó, các nhà sáng lập cũng cần chủ động quan tâm hỏi han các nhân viên ở lại. Có thể những câu hỏi “Anh/chị biết rằng em có nhiều lo lắng và căng thẳng hiện nay, có gì vướng mắc em cứ thẳng thắn chia sẻ với anh/chị nhé!”, “Anh/chị có thể giúp được gì cho em để hoàn thành nhiệm vụ này, dù em phải lead team với số lượng thành viên ít hơn trước?”.


Tôi vẫn nhớ mình đã từng có cảm giác sởn da gà như thế nào khi đọc hết bức tâm thư của nhà sáng lập CEO Brian Chesky của Airbnb vào tháng 5 năm 2020, khi công ty này đối mặt với khó khăn ấp tới từ Covid-19, khi phải cắt giảm 25% nhân sự cùng một lúc. Đặc biệt, điều tôi cảm thấy cảm động nhất khi đọc được 2 phần cuối cùng này trong bức tâm thư đó. Brian trân trọng cả người ra đi và người ở lại, anh liên tục xin lỗi và cám ơn tới họ. Trong đó với những người ở lại, anh trấn an, động viên khích lệ họ cùng tiếp tục cố gắng, và trân quý giữ gìn những di sản mà người ra đi đã cùng xây dựng nên Airbnb. Anh cũng gợi nhắc mọi người về sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của công ty, để mọi người tiếp tục tập trung và quyết tâm với những điều quan trọng đó.


Trên đây là những suy nghĩ đau đáu của tôi về những điều quan trọng hậu cắt giảm nhân sự mà các startup đang phải trải qua hiện nay. Tuần vừa qua, tôi cũng được một vài nhà sáng lập thân thiết chia sẻ về những khó khăn, căng thẳng họ đang đối mặt với việc này. Tôi tin rằng, chính lúc này, họ cần được nhận và trao đi nhất là “một điểm tựa” khích lệ bản thân họ và những người ở lại tiếp tục cố gắng. Vì chỉ có tiếp tục cố gắng hơn nữa, công ty mới tiếp tục tồn tại và từ đó là cơ hội phát triển bứt phá. Khi đó, họ mới khiến những người ra đi cảm thấy tự hào vì mình đã từng là một phần đã cống hiến cho công ty, và những người ở lại sẽ cảm thấy biết ơn trân quý cơ hội được tiếp tục cố gắng cùng chung tay xây dựng công ty lớn mạnh. Tôi cũng rất hi vọng bài viết nho nhỏ này sẽ là có thể là “một điểm tựa” tinh thần nho nhỏ gửi tới các nhà sáng lập startup! Yeah, mình cùng just keep fighting nhé!

bottom of page