top of page

Vietcetera: “Chọn đồng hành cùng những người trở về”




Hoàng Thị Kim Dung là Nhà đầu tư đến từ quỹ Genesia Ventures Việt Nam - quỹ đầu tư có trụ sở tại Nhật Bản, tập trung góp vốn cho các startup công nghệ trong giai đoạn đầu phát triển tại Nhật Bản và Đông Nam Á.

Đồng hành cùng Vietcetera từ tháng 2/2020, chị không chỉ hỗ trợ Vietcetera về kinh nghiệm, tài chính, mà còn là một trong những cây bút năng nổ đóng góp những bài viết chất lượng về chủ đề khởi nghiệp.

Chị còn sở hữu ZUNZUNSTARTUPS, trang blog chia sẻ kinh nghiệm về startup và đầu tư mạo hiểm.


Khoảnh khắc nào chị quyết định trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm?

Có 2 cột mốc quan trọng khiến tôi bắt đầu công việc này.


Năm thứ 3 tại khoa Kinh tế ở Đại học Osaka, Nhật Bản, một trong những môn học của tôi là khởi tạo dự án khởi nghiệp, sau đó phát triển thành quy mô của một ý tưởng khởi nghiệp. Trải nghiệm này hình thành trong tôi tư duy tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Nó cũng thôi thúc tôi dấn thân vào tìm giải pháp, ý tưởng khởi nghiệp.


Cột mốc thứ hai là khi tôi trở thành người Việt duy nhất trong phái đoàn của thành phố Kobe đến tham qua Silicon Valley để học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Câu nói của nhà sáng lập Nike in tại sân trường đại học Stanford  đã tác động rất lớn tới tôi:

“Khi đối diện với những điều chưa biết, một số người quay lại với những gì họ đã biết. Số khác chọn đi tiếp, dù không chắc điều gì đợi mình phía trước. Tôi không thể nói bạn biết cái nào đúng, nhưng tôi biết cái nào thú vị hơn.”

Đứng trước lựa chọn tiếp tục làm việc cho một tập đoàn lớn hay dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp, câu hói này đã truyền cảm hứng để tôi đưa ra quyết định.


Tôi muốn được bắt tay làm việc mà mình đã nung nấu từ lâu - những việc đem lại cho mình niềm vui và háo hức làm nó mỗi ngày. Rất khó để biết được quyết định của mình là đúng hay sai, nhưng nếu quyết tâm đủ thì mình sẽ biến nó thành đúng.


Chị thường chia sẻ điều gì với các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp?


Điều đầu tiên là, khởi nghiệp phải được chắp cánh dựa trên kiến thức.

Khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người. Để khởi nghiệp và làm được đến nơi đến chốn, cần rất nhiều nguồn lực về kiến thức, kinh nghiệm, tài chính… Đây là lựa chọn rủi ro và mạo hiểm, do đó những người sáng lập, lãnh đạo phải có kiến thức vững chắc và có lực lượng hậu thuẫn để giảm rủi ro đó.


Tinh thần khởi nghiệp không phải là cổ vũ các bạn phải khởi nghiệp ngay, cũng không phải là sau 1 hay 10 năm bạn phải thành lập được công ty riêng. Tinh thần khởi nghiệp thực chất rất đơn giản: Mỗi ngày, đứng trước một vấn đề trong cuộc sống, mình phải có tư duy để giải quyết nó.


Xuất phát từ tư duy  giải quyết vấn đề - chứ không phải từ kiếm tiền- mới là cốt lõi của khởi nghiệp.

Ý tưởng dù chỉ là vi mô và nhưng có ích trong cộng đồng nhỏ, cũng sẽ cho mình kiến thức và kinh nghiệm để nuôi những dự định lớn hơn sau này.


Chị miêu tả phong cách đầu tư của mình như thế nào?


Xuyên suốt những gì đã làm, tôi hy vọng mọi người nhìn thấy mình ở hình ảnh bền bỉ. Tôi lựa chọn nhà sáng lập cũng dựa trên tinh thần bền bỉ đó.

Sự bền bỉ thể hiện ở thái độ kiên nhẫn, không vội vã với quá trình phát triển của công ty khởi nghiệp. Sự phát triển bền vững của startup đến từ nền tảng đam mê, gắn kết chặt chẽ với sản phẩm và dịch vụ, cùng những cải thiện không ngừng về chất lượng sản phẩm, và năng lực vận hành. Tất cả đều cần thời gian để xây dựng nội lực, không có đường tắt, cũng không thể dùng tiền đốt cháy giai đoạn bằng mọi giá.

Từ góc nhìn của quỹ đầu tư, sự thành công của quỹ đầu tư được đo bằng sự thành công thực sự của các công ty khởi nghiệp mà họ đầu tư vào, chứ không phải độ nổi tiếng trên truyền thông. Chỉ có cách bền bỉ hỗ trợ họ thành công thì mình mới thành công.

Tôi cũng tin rằng, người bền bỉ sẽ thu hút được những người như mình, tạo nên một tập thể bền bỉ. Tôi muốn ủng hộ những tập thể như vậy.


Khi quyết định đầu tư vào một startup, chị đề cao những yếu tố nào?


Đơn giản là, hãy nhìn vào nhà sáng lập.

Tôi thường đặt rất nhiều câu hỏi cho nhá sáng lậpstartup: “Tại sao bạn chọn khởi nghiệp? Điều gì đã kết nối bạn với ý tưởng, giải pháp này? ”. Sẽ không thể có sự dễ dãi trong lý do bạn khởi nghiệp. Nhà sáng lập cần có kết nối sâu sắc với sản phẩm của mình, có những lý do cụ thể dẫn tới quyết định khởi nghiệp. Lý do càng sâu sắc thì họ càng khó từ bỏ trước những khó khăn.


Điều gì trong pitch deck của Vietcetera để lại ấn tượng cho chị và Genesia?


Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên cho đến lúc chúng tôi về một nhà chỉ kéo dài chưa đến 2 tháng. Khi gặp Hảo - CEO của Vietcetera vào tháng 12/2019, tôi cũng vừa trở về từ Nhật Bản sau 8 năm. Với tôi, về Việt Nam khi đó là “tấm vé một chiều” - không hẹn ngày quay trở lại Nhật. Ở Hảo và anh Guy, tôi tìm thấy những giá trị tương đồng: tư duy của những người con trở về, mong mỏi cống hiến, mang điều tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới và mang nhiều bạn bè thế giới đến với Việt Nam hơn.

Tôi muốn ủng hộ Vietcetera thực hiện được sứ mệnh và tầm nhìn này. Tôi muốn nhiều người đọc được những nội dung chất lượng hơn, từ đó định hình suy nghĩ, nhân sinh quan, cho ra những hành động tốt hơn, và từ đó là một cuộc đời tươi đẹp hơn. Thị trường đang cần những điều như vậy, và chúng tôi tin vào nhà sáng lập Vietcetera là những người mạnh mẽ, kiên trì theo đuổi sứ mệnh đó.


Đầu tư vào một startup trong ngành truyền thông như Vietcetera có gì đặc biệt?


Với đặc thù là tạo ra nội dung, startup truyền thông sẽ không thể áp dụng những cách tặng thưởng, hay “đốt tiền” để có thêm người dùng. Đó là những cách thường thấy để một startup tạo ra những con số ấn tượng về người dùng ban đầu. Với truyền thông, duy nhất chỉ có một cách là làm nội dung thật tốt. Nội dung tạo ra giá trị hữu hình với người đọc. Do đó, nội dung và người làm nội dung chính là linh hồn của startup truyền thông.

Đó là giá trị không thể mua được, cho dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa.


Điều gì khiến chị nghĩ người làm nội dung chính là linh hồn của startup?

Vì bản thân tôi cũng viết. Viết là một việc đòi hỏi sự cam kết và kỷ luật. Tôi nhận ra điều này khi bắt đầu blog cá nhân và sau này là gần 20 bài viết cho Vietcetera.


Viết cho Vietcetera, tôi hiểu độc giả hơn. Dù chỉ là 5 phút đọc ngắn ngủi, tôi cũng muốn mang đến cho họ những điều có ý nghĩa. Để viết được 2.000 chữ, tôi dành 5-6 tiếng để nghiên cứu, lên dàn ý, chắt lọc các chi tiết sẽ đưa vào bài, và vận dụng những kiến thức đã học trong rất nhiều năm trước đó.


Tôi không nghĩ mình là người viết hay, nhưng chắc chắn là một người viết nghiêm túc. Đặc biệt, sau mỗi thương vụ đầu tư vào một công ty startup mới, tôi sẽ  viết về lý do tôi chọn đầu tư để nhắc nhở bản thân lý do mình bắt đầu và gắn bó cùng các công ty khởi nghiệp của mình. Tôi cũng viết cho nhà sáng lập của mình, để khi mệt mỏi, bế tắc, họ được gợi nhắc về niềm tin mà tôi và những người xung quanh đã đặt lên họ, từ đó có động lực để cùng bước tiếp.


Tôi cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn qua việc viết. Những trải nghiệm của tôi với nghề, những bài học rút ra sẽ là lãng phí nếu không được lưu lại và chia sẻ với người khác. Nhìn lại chặng đường viết cùng Vietcetera, tôi nhìn thấy sự trưởng thành của chính mình. Startup trưởng thành, bản thân nhà đầu tư cũng cần trưởng thành cùng.


Kể từ năm thứ 6, chị muốn thấy Vietcetera chuyển mình như thế nào?


Hầu hết các startup trong lĩnh vực truyền thông sẽ gặp thách thức về vấn đề tăng trưởng quy mô. Con người không phải là một phần mềm hay ứng dụng, không thể nhân bản. Họ cần thời gian để trau dồi, bổ sung kiến thức, góc nhìn để tiếp tục duy trì nội dung chất lượng.

Cũng chính vì rào cản này nên không nhiều nhà đầu tư và cả startup quá mặn mà với lĩnh vực này. Nhưng đây cũng chính là cơ hội rất lớn cho Vietcetera để chinh phục và chiến thắng, nếu các bạn tiếp tục cam kết làm nội dung chỉn chu chất lượng cao, gia tăng và gắn kết độc giả, thu hút và giữ chân được những cây bút chất lượng, xây dựng đội ngũ mạnh từ t những cá nhân xuất sắc, kỉ luật và bền bỉ.


Yeah, just keep fighting Vietcetera!!!




bottom of page