top of page

Suy nghĩ về tinh thần Teamwork và tư duy Cùng Thắng giữa nhà sáng lập Startup và VC

Vừa qua, tôi có tham gia một buổi họp vô cùng ý nghĩa với nhóm nhà sáng lập một startup mà quỹ chúng tôi đầu tư và đồng hành tại Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ thẳng thắn những cơ hội cùng với những khó khăn thách thức của startup và từ đó là tìm ra hướng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ startup đó của tôi. Lúc sắp kết thúc buổi họp, nhà sáng lập chủ động hỏi lại tôi: “Liệu chúng tôi có thể giúp lại được gì cho em từ sau buổi họp này?”. Thực sự tôi đã vô cùng bất ngờ với câu hỏi này, tới mức tôi phải thốt lên: “Sao các anh có thể thông minh và tinh tế như vậy được chứ?”. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi này từ các nhà sáng lập.


Từ trước tới nay, trong mối quan hệ hợp tác đầu tư với nhà sáng lập, tôi luôn nỗ lực hết mình hỗ trợ các nhà sáng lập startup, mà không màng vụ lợi và mong cầu được nhận lại bất kỳ một sự giúp đỡ ngược lại từ họ. Điều duy nhất tôi mong muốn là, các nhà sáng lập và đội ngũ của họ tại các startup chúng tôi đầu tư, THÀNH CÔNG. Vì chỉ khi họ hành công, thì những nhà đầu tư như chúng tôi mới thực sự thành công được. Và đây là quá trình GIVE - TAKE, mà ở đó, cần cả thập kỉ để GIVE rồi mới có thể TAKE được, nếu công ty đó thành công. Có lẽ chính vì những đặc tính này, mà có rất nhiều người thường hay ví von mối quan hệ Founder - VC như là (hoặc hơn cả) một cuộc hôn nhân. Cơ mà, theo tôi nếu nhìn về đặc tính gia đình tại Việt Nam nói riêng, thì tôi chỉ có thể hình dung ra hình ảnh người phụ nữ tần tảo hi sinh hỗ trợ cho sự phát triển sự nghiệp của người chồng. Mặt khác, tôi cũng thường xuyên được nghe từ Leverage - đòn bẩy trong mối quan hệ giữa startup founder và VC. Ở đó, các nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, mối quan hệ về nhân tài và network đối tác phát triển kinh doanh từ VC được coi là đòn bẩy, cần được sử dụng triệt để đưa startup phát triển hơn. Đây là hình ảnh minh hoạ dễ hiểu cho cơ chế đòn bẩy này.




Hai sự so sánh mối quan hệ giữa startup và VC kể ở trên, thật ra không sai. Nhưng phải tới khi tôi nhận được câu hỏi này từ nhà sáng lập “Liệu chúng tôi có thể giúp lại được gì cho em từ sau buổi họp này?”, khiến tôi nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của mối quan hệ Teamwork giữa chúng tôi. Đây chính là sự nâng tầm trong mối quan hệ cộng sinh, hợp tác, CÙNG PHẢI THẮNG - ở đó vòng lặp GIVE - TAKE sẽ diễn ra nhanh và đều đặn hơn khiến cả hai bên đều nỗ lực GIVE nhiều giá trị lớn hơn cho nhau. Tư duy cùng thắng, “Nước lên - Thuyền lên” này là tư duy vô cùng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp.


Tôi vẫn nhớ một trong những bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng, mà tôi được học trong khoá tập huấn kinh doanh tại IBM Nhật Bản khi tôi mới tốt nghiệp đại học, chập chững đi làm của mình. Đó là nỗ lực phát triển mối quan hệ bền vững dài hạn bằng tư duy CÙNG THẮNG này với khách hàng của mình. Con người chúng ta nói chung thường có xu hướng bán hàng bằng cách, chủ động nói nhiều, nói hay về sản phẩm, tìm cách đẩy sản phẩm về phía khách hàng, bán hàng xong, nhận xong tiền thì đứng dậy ra về. Nhưng đây là cách chỉ giúp bạn bán sản phẩm được một lần duy nhất. Đỉnh cao bán hàng, là phát triển mối quan hệ Teamwork - cùng thắng với khách hàng của mình. Xây dựng mối quan hệ này nên bắt đầu bằng việc, giao tiếp hiệu quả (nói ít đi, lắng nghe và hành động nhiều hơn) tạo lập niềm tin, để thấu hiểu mong muốn, khó khăn của khách hàng, coi mục tiêu của khách hàng là mục tiêu của mình. Từ đó là tìm cách hỗ trợ khách hàng, tận tâm theo tinh thần đồng đội để cùng hướng tới mục tiêu chung đó. Vấn đề của khách hàng được giải quyết, giúp họ phát triển tốt hơn, họ có thể mua sản phẩm của bạn nhiều hơn, bạn có doanh thu tốt hơn, được tái đầu tư vào phát triển sản phẩm tốt hơn, khách hàng lại được dùng sản phẩm tốt hơn, giúp họ phát triển hơn nữa. Đây chính là Flywheel- bánh đà liên tục tạo ra giá trị gia tăng cho các bên.


Trên đây, là một bài suy nghĩ tâm huyết của tôi trong việc phát triển mối quan hệ Teamwork được phát triển trên tư duy CÙNG THẮNG, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mối quan hệ bền vững phát triển giữa founder và VC nói riêng, bên cạnh đó, còn có thể được áp dụng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, tới các hoạt động kinh doanh nói chung. Hi vọng bài viết này sẽ là gợi ý nho nhỏ tới các bạn độc giả của Zunzunstartups trong việc tái thiết lại mối quan hệ bền chặt, có chiều sâu về giá trị của mình nhé! Yeah, keep fighting!!!

bottom of page