top of page

Suy nghĩ về tư duy “Do Things That Don’t Scale” của startup ở giai đoạn sớm nhìn từ case của BuyMed và Wareflex

Hôm nay, tôi được mời tham gia Wareflex Connect Workshop. Cả khán phòng chật kín với khoảng 100 người tham gia là các đại điện đến từ các công ty trong lĩnh vực kho vận, với bầu không khí tương tác cao, khi mọi người tích cực chia sẻ thông tin thị trường kho vận, khó khăn và cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập tới nay, Wareflex đã tổ chức rất nhiều buổi Workshop như thế này từ Bắc tới Nam khắp Việt Nam. Là nhà đầu tư vào Wareflex, thực sự từ những ngày đầu tiên tôi luôn ủng hộ startup có cách tiếp cận như thế này, bởi vì chúng tôi có chung một tư duy với “Do Things That Don’t Scale”. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về tư duy này trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Startup công nghệ được sinh ra với mong muốn chung tất yếu, là áp dụng công nghệ để giải quyết một bài toán nào đó một cách hiệu quả ở quy mô lớn. Tuy nhiên, Paul Graham - đồng sáng lập của Y Combinator lại có lời khuyên bất hủ rằng, startup ở giai đoạn sớm cần phải “Do Things That Don’t Scale” - tức là, làm những điều mà không mở rộng được. Mỗi lần đọc lại bài viết về đề tài này của ông, tôi thấm thía từng câu từng chữ, và không thể đồng tình hơn với quan điểm vô cùng ý nghĩa về việc để startup mở rộng hiệu quả được sau này thì đầu tiên, cần phải bắt đầu từ những việc làm không scale được. Cụ thể, việc phổ biến đầu tiên không scale mà nhà sáng lập cần làm được ở những ngày đầu tiên, đó là cần thu hút khách hàng của mình một cách thủ công. Startup không thể chờ khách hàng tìm đến với mình, mà thay vào đó, các nhà sáng lập cần phải là người đầu tiên nhạy bén tìm ra những khách hàng tiềm năng ban đầu, trực tiếp chủ động tiếp cận và bán hàng cho họ.


Nhà sáng lập & CEO Hoàng của BuyMed đã từng hồi tưởng chia sẻ lại với tôi rằng, từ những ngày đầu tiên thành lập công ty, anh đã lên mạng tìm ra các thông tin có thể thu thập được của tất cả các nhà thuốc - tập khách hàng mục tiêu của nền tảng phân phối dược phẩm thuocsi.vn do BuyMed cung cấp. Từ đó, anh Hoàng đã đều đặn mỗi ngày chủ động gửi 100 tin nhắn cold message tới chủ các nhà thuốc. Đồng thời, anh cũng lặn lội tới gõ cửa từng cửa hàng thuốc, trực tiếp nói chuyện hỏi thăm các chủ nhà thuốc, để tìm hiểu nhu cầu thực sự của họ. Để từ đó quay về tập trung vào phát triển và hoàn thiện sản phẩm để đưa tới tay những khách hàng đó sử dụng.


Wareflex, tập trung cung cấp nền tảng cho thuê kho bãi theo yêu cầu, bằng kết nối các chủ cho thuê kho bãi với các chủ doanh nghiệp đi tìm kho bãi linh hoạt để đặt hàng hoá của mình. Với Wareflex, do tính chất đặc thù phức tạp từ các yêu cầu kết nối kho vận của các đối tác, từ những ngày đầu tiên, các đối tác khách hàng là các chủ kho vận và doanh nghiệp đi tìm kho vận, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Do đó, Wareflex không vội vàng trong việc kết nối bằng mọi giá để có được giao dịch, mà startup này lựa chọn cách tiếp cận "Do Things That Don’t Scale” - tạo ra thật nhiều “điểm chạm” thông qua các hội thảo để mọi người xây dựng niềm tin, chia sẻ thông tin, góp ý để cùng nhau học hỏi và hoàn thiện. Từ những Workshop này, Wareflex có thể nhận được nhiều sự ủng hộ đồng hành, góp ý hoàn thiện sản phẩm từ các đối tác tham gia. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để nhà sáng lập và đội ngũ của mình, có thể trực tiếp chăm sóc, lắng nghe những mong muốn của khách hàng để khiến họ tin tưởng và hài lòng hơn khi sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi Wareflex.


Tôi tin rằng, startup để có thể mở rộng hiệu quả phụ vụ được 1,000 rồi tới 10,000 khách hàng của mình, thì luôn phải bắt đầu bằng những vị khách đầu tiên rồi tới thứ 10, 100 bằng việc thấu hiểu một cách sâu sắc nhu cầu, mong muốn của họ. Không vội vàng trong việc có được nhiều khách hàng nhanh nhất có thể, mà luôn cần kiên nhẫn trong việc thu hút, thuyết phục và làm hài lòng những vị khách hàng đầu tiên bằng nỗ lực “Do Things That Don’t Scale” ở giai đoạn sớm của startup. Quá trình này sẽ giúp startup có được những insight- thông tin, feedback từ khách hàng, từ đó giúp startup có thời gian hoàn thiện sản phẩm và nhận ra được cách làm hiệu quả thực sự, để từ đó chuyển hoá dần dần các quy trình “chạy bằng cơm” thủ công sang được tối ưu bằng áp dụng công nghệ.


Thấu hiểu được vai trò của “Do Things That Don’t Scale” đó đối với các startup ở giai đoạn sớm, nên với tư cách là nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi luôn cố gắng đánh giá một cách khách quan về các lý do và những insight startup có được từ những ngày đầu khi làm những việc chưa Scale được. Để từ đó xây dựng những giả thiết cho tôi khi cân nhắc cơ hội đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm, rằng những việc làm không scales đó, nếu được thực thi một cách đúng đắn và sắc sảo, thì startup có thể mở rộng được hiệu quả tới đâu tiếp theo. Hi vọng bài chia sẻ ngày hôm nay sẽ có ý nghĩa tham khảo tích cực cho các nhà sáng lập startup ở giai đoạn sớm, rằng hãy kiên nhẫn và tập trung vào những điều quan trọng cốt lõi, dù chưa thể scale được ban đầu, để làm tiền đề giúp mình có thể scale được hiệu quả trong tương lai. Yeah, chúng ta cùng keep fighting với điều quan trọng này nhé!!

bottom of page