top of page

Hiệu ứng Dunning-Kruger: Bạn và startup đang ở đâu trong đường cong nhận thức của mình?

Xin chào các bạn! Là một VC, tôi được sống và làm việc trong một thế giới mà ở đó mọi người đều cố gắng cho thấy sự hiểu biết và sự tự tin trong công việc và hoạt động kinh doanh của mình. Thực tế, tôi nhận ra rằng mỗi chúng ta đều có thể đang ở một vị trí nào đó trong đường cong nhận thức của mình, theo hiệu ứng Dunning Kruger. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức sâu sắc được vị trí của mình, để không bị “ảo tưởng sức mạnh” bởi những tung hô, tập trung vào những điều quan trọng nhất, khiêm tốn học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm hơn nữa, để có thể tối ưu được hành trình phát triển của mình.




Hiệu ứng Dunning–Kruger cho chúng ta thấy mối tương quan giữa kinh nghiệm cùng sự hiểu biết của một người về một lĩnh vực và mức độ tự tin của họ trong lĩnh vực đó. Cụ thể:


  • Khi không có kinh nghiệm gì về lĩnh vực nào đó, sự tự tin của một người bằng 0.

  • Khi bắt đầu có một chút kinh nghiệm, sự tự tin của họ tăng lên đáng kể. Đỉnh cao của giai đoạn này được gọi là Peak of Mount Stupid (tạm dịch: đỉnh cao thiếu hiểu biết)

  • Khi bắt đầu có kinh nghiệm chuyên sâu hơn nữa, họ lại mất đi sự tự tin. Điểm đáy của giai đoạn này là Valley of Despair (tạm dịch: thung lũng thất vọng).

  • Nếu họ vẫn tiếp tục tích luỹ kinh nghiệm, sự hiểu biết và tự tin của họ sẽ dần tăng trở lại.

  • Khi trở thành người có nhiều kinh nghiệm và am hiểu lĩnh vực đó, sự tự tin của họ sẽ tăng đến mức độ ổn định. Tuy nhiên, mức độ tự tin này cũng sẽ không cao được như thời đỉnh cao của thiếu hiểu biết, vì chính kinh nghiệm khiến chúng ta trở nên khiêm tốn hơn.


Tôi nhận ra được sự dịch chuyển của đường cong nhận thức này của mình xuyên suốt hành trình làm nghề VC gần 5 năm của mình tới nay. Càng lăn xả trải nghiệm, chứng kiến nhiều thăng trầm của startup, tôi đi từ sự tự tin cao ngất ngưởng, tới việc nhận ra mình đã quá tự tin và ngu ngốc thế nào, rồi nhiều lúc cũng rơi vào trạng thái mất đi tự tin và nghi ngờ khả năng của mình. Rồi lại tiếp tục kiên kì cố gắng tích luỹ thêm kinh nghiệm, theo thời gian tôi lấy lại từng chút sự tự tin. Hành trình này giúp tôi hiểu ra được vị trí của mình và điều mình muốn hướng tới, để luôn cố gắng cân bằng được sự tự tin và sự khiêm tốn cần thiết để tiếp tục học hỏi và hoàn thiện.


Do đó, trong thế giới startup - VC nói riêng, thật ra tôi nhận ra mỗi cá nhân chúng ta ai cũng có thể là “nạn nhân” của thiên kiến nhận thức khi mà kinh nghiệm chưa “tới”. Cụ thể với những biểu hiện như: Đánh giá quá cao kỹ năng, năng lực của mình; Tự tin thái quá về bản thân, và không thể nhận ra sự thiếu sót của mình.

Không chỉ dừng lại với các cá nhân, bản thân các startup cũng vậy. Ở giai đoạn đầu của một công ty khởi nghiệp, hay đơn giản là khi mới bắt đầu một dự án nào đó, khi chưa có nhiều “dữ liệu kinh nghiệm” tích luỹ để có sự hiểu biết đầy đủ, startup thường có xu hướng rất tự tin, đôi khi là tự tin thái quá, khiến chúng ta dễ đánh giá sai tình hình, đưa ra quyết định thiếu sáng suốt. Tôi đã từng chứng kiến có nhiều startup theo đuổi những dự án tiềm năng. Khi mới chỉ bắt đầu, ai cũng tự tin và kì vọng vào dự án đó sẽ thành công nhanh chóng. Nhưng càng đi sâu vào thực thi, mọi người mới nhận ra nó khó hơn tưởng rất nhiều. Tệ hơn nữa, khi startup với “nguồn lực thì có hạn, nhưng sự tự tin thì có thừa” đã vội vàng đánh giá ra quyết định sai, sa đà đổ rất nhiều nguồn lực và thời gian của mình vào dự án nào đó, nhưng cuối cùng startup đã không thể hoàn thành được như kì vọng. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình phát triển của startup đó.


Hơn nữa, tôi tin rằng mỗi cá nhân hay startup ở giai đoạn sớm trong hành trình của mình, khi sự tự tin đó bị đẩy lên quá cao, lại kết hợp với sự tung hô lớn từ phía bên ngoài, trong khi năng lực thực tế lại không bằng, thì đó là điều cự kì nguy hiểm. Nó sẽ khiến chúng ta dễ bị “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩ mình là giỏi nhất những người khác thì không bằng, ngạo mạn, hài lòng với “đỉnh cao trí tuệ” đó của mình mà không tiếp tục trau dồi hoàn thiện hơn nữa. Do đó, chúng ta phải cự kỳ tỉnh táo, nhanh chóng biết mình đang ở đâu trong đường cong nhận thức từ hiệu ứng Dunning–Kruger, để không bị “cám dỗ” bởi những tung hô, tập trung vào những điều quan trọng nhất, khiêm tốn học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm hơn nữa, để có thể tối ưu được hành trình phát triển của mình. Yeah, chúng ta cùng nhau keep fighting vì điều này nhé!

bottom of page