Các nhà sáng lập chắc hẳn thường xuyên được nghe cụm từ “Founder-Friendly” từ các quỹ đầu tư, khi nói về tinh thần thân thiện với các founder của họ? Là một nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi luôn tìm thấy mình trong “thế” của một “Founder-Friendly” VC, tuy nhiên cũng có những “thế khó” của nó, khiến tôi luôn phải đau đáu, chiêm nghiệm lại về tinh thần này, để vừa giữ được mối quan hệ win-win bền vững với các nhà sáng lập lập, đồng thời đảm bảo ưu tiên sự phát triển của startup.
Đúng vậy, trong một thị trường mà càng có nhiều bên tham gia, trong một bữa tiệc mà các quỹ VC đông hơn cả các nhà sáng lập startup, thì sẽ tạo ra sự “cạnh tranh”, đặt ra nhiều áp lực cho các quỹ là phải tốt hơn, thân thiện hơn để được các nhà sáng lập startup chọn mình. Do đó, có thể nói vào thời kỳ đỉnh cao gọi vốn năm 2021, cụm từ “Founder-Friendly” VC xuất hiện thường xuyên nổi bật tới mức, nó không còn lợi thế cạnh tranh nổi bật của VC nữa, mà đã trở thành điều hiển nhiên cần có ở mỗi VC. Tinh thần này đòi hỏi các quỹ VC phải thực hiện đầu tư nhanh nhất có thể để tiết kiệm thời gian cho các nhà sáng lập startup. Đòi hỏi họ phải đưa ra các điều khoản đầu tư dễ dàng hơn cho startup. Nó cũng đòi hỏi các quỹ tham gia đồng hành thụ động hơn, ít can thiệp và ít chia sẻ tiếng nói của mình hơn. Thế khó của VC khi đó là ở thế “được chọn” hơn là “đi chọn” các nhà sáng lập startup nổi bật có nhiều sức hút với các nhà đầu tư.
Thật ra VC thường có một “nỗi sợ” - đó là FODS - Fear of Disappointing Stakeholders (Sợ khiến các bên liên quan thất vọng). Đặc biệt là đối với các nhà sáng lập, là người mà họ sợ làm thất vọng và phật lòng nhất. Thực tế, khi các nhà sáng lập đứng trước sự lựa chọn VC đồng hành, họ cũng sẽ “reference check” các quỹ, bằng việc đi hỏi ý kiến nhận xét về quỹ đầu tư, từ chính các nhà sáng lập đã từng làm việc với quỹ trước đó. Tôi đã có lần từng chia sẻ về cái “thế khó” này của VC với nhà sáng lập startup, mà tôi hay gọi vui là “thế 6T” - Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Đúng vậy, nhiều lúc VC sẽ rơi vào thế phải giữ mình là một VC thân thiện nhất, không dám nói thẳng, thật, đắng và đau vì sợ làm mất lòng các nhà sáng lập. Dù có thể những điều nên nói đó là tốt cho startup xét về cục diện chung. Tôi vẫn còn nhớ, vào thời kỳ toàn hệ sinh thái startup Việt Nam đang “say men thành công” của nhiều thương vụ gọi vốn lớn, thì quan điểm “gọi vốn khủng không phải là thành công” trong bài viết Chúng ta ĐỌC được gì từ những tin startup gọi vốn “thành công”? của tôi khi đó, vô tình trở thành đối tượng bị nhận ý kiến trái chiều từ các nhà sáng lập.
Vượt lên cái thế khó này của một VC “thân thiện với nhà sáng lập” của mình, tôi tin rằng mình luôn cần có tinh thần thống nhất chung quan trọng hơn cả, giữa các nhà sáng lập startup và VC khi lựa chọn đồng hành với nhau. Đó là, tinh thần “For Startup” - tất cả vì sự phát triển của startup. Vượt lên sự sợ làm mất lòng giữa các cá nhân, cần có một tinh thần chung là ưu tiên sự phát triển của startup lên trước. Với tiền đề của tinh thần “For Startup” đã được thống nhất này, cả nhà sáng lập và VC có thể cởi mở thẳng thắn hơn, đối diện với mọi cuộc nói chuyện dù là trong lúc khó khăn nhất, để giúp nhau nhìn ra vấn đề của mình, để giảm đi các sai lầm không cần thiết làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của startup. Thực tế, tôi cũng từng được nhìn thấy sự tham gia tích cực của nhiều VC trong việc nhìn ra vấn đề trong tổ chức của startup. Từ đó, không chỉ đơn giản là chỉ ra vấn đề, mà VC còn có thể tích cực cùng đi tìm giải pháp hỗ trợ giải quyết vấn đề đó, cùng với các nhà sáng lập của mình. Tôi cũng cực kỳ ngưỡng mộ bản lĩnh của VC, khi mà họ có thể nhìn ra trước và dám nói lên những thách thức phía trước của startup, dù khi đó mọi người bao gồm cả nhà sáng lập còn đang vui mừng với chiến thắng trên đỉnh cao hiện tại của startup.
Soichi Tajima - nhà sáng lập và giám đốc điều hành quỹ chúng tôi, là người tôi vô cùng ngưỡng mộ ở bản lĩnh này của anh. Anh là người khẳng khái, hào sảng, rõ ràng trong suy nghĩ, lời nói và hành động một cách nhất quán. Anh luôn xây dựng và duy trì mối quan hệ phải nói là hàng thập kỷ với các nhà sáng lập startup tại Nhật Bản. Ạnh chia sẻ với chúng tôi rằng, lúc khó khăn thì cần bên cạnh động viên nhà sáng lập, còn lúc mọi thứ có vẻ tốt thì cần nhạy bén nhìn ra trước vấn đề, từ đó là thẳng thắn chia sẻ quan điểm để nhà sáng lập kịp thời nhận ra. Rằng, chỉ có mối quan hệ win-win, cùng tiến và cùng thắng, dựa trên tinh thần tất cả vì sự phát triển của startup, mới thực sự bền vững. Anh là chính là nguồn cảm hứng giúp tôi muốn “định nghĩa” lại tinh thần “Founder-Friendly” bao lâu nay của VC chúng tôi.
Các nhà sáng lập startup lần đầu gặp tôi có thể sẽ bất ngờ, nhưng bạn sẽ tìm thấy ở tôi là một người thẳng tính, rõ ràng, có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không ngại chia sẻ quan điểm của mình, tất cả với tinh thần chung là muốn có ích cho startup. Tôi có một tầm nhìn tâm huyết và dài hạn với nghề VC này, đó là có thể hỗ trợ được nhiều startup thành công nhất có thể. Do đó, đây cũng chính là tinh thần “For Startup” mà tôi muốn nuôi dưỡng cùng chạy bền trong nghề này của mình. Yeah, keep fighting!!