Xin chào các bạn! Vừa qua trong một buổi họp hội đồng đầu tư, bảo vệ một thương vụ đầu tư tại Việt Nam, tôi nhận được câu hỏi của GP Soichi Tajima của quỹ về tính 再現性 - Reproducibility của startup đó. Có thể nói đây là yếu tố rất được yêu thích trong hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản nói chung và cũng như là yếu tố được nhắc đến thường xuyên tại quỹ đầu tư chúng tôi nói riêng. Tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời và trải nghiệm với startup, tôi lại có những lớp suy nghĩ mới về yếu tố này. Do đó, tôi xin phép được chia sẻ những suy nghĩ này của mình trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
再現性 - Reproducibility, trực dịch ra tiếng Việt mình có nghĩa là khả năng tái lập và mở rộng. Cụ thể đó là khả năng tiếp tục lặp lại quy trình với kết quả đồng nhất, và khả năng nhân rộng quy trình đó ở quy mô lớn hơn. Công thức dễ hiểu nhất của khái niệm này sẽ là: Reproducibility = Repeatability + Scalability. Theo đúng thứ tự trước sau trong phép cộng này: Repeatability trước rồi Scalability tới sau. Tôi thường xuyên bắt gặp khái niệm này tại Nhật Bản trong những bối cảnh sau:
Đối tác đầu tư (Limited Partner: LP) của các quỹ đầu tư mạo hiểm VC như chúng tôi, luôn đặc biệt mong muốn nhìn thấy yếu tố này ở các quỹ mình lựa chọn đầu tư. Các LP đều mong muốn các VC có khả năng tái lập lại được những thương vụ đầu tư thành công, mang lại lợi nhuận đầu tư về cho quỹ và các đối tác đầu tư của mình. Không ai muốn đầu tư vào một quỹ mà chỉ tạo ra được một lần “ghi bàn”, mà không có công thức để tiếp tục “ghi bàn” bền vững được cả.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm VC luôn mong muốn có thể nhìn thấy yếu tố này tại các startup. VC muốn các startup mình lựa chọn đầu tư có khả năng tái lập, trong việc tìm thấy được PMF, xây dựng và đóng gói được quy trình playbook chuẩn hoá, từ đó là có thể nhân rộng ở quy mô lớn hơn khi tận dụng lợi thế của Network Effect - hiệu ứng mạng và tính Economy of Scale - tính kinh tế theo quy mô. Đây là yếu tố giúp startup có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng theo cấp số nhân với chi phí cận biên giảm dần. Từ đó cho phép các công ty mở rộng quy mô nhanh hơn, hiệu quả hơn trong khi vẫn đảm bảo phát triển lợi nhuận bền vững cần có một công ty phát triển.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn nhìn thấy yếu tố này ở các nhân viên của mình. Ở đó, các nhân viên từ những ngày đầu tiên, sẽ cần hiểu và thực hiện được quy trình công việc, từ mức cơ bản nhất. Từ đó có khả năng lặp lại một cách nhuần nhuyễn, tối ưu những công việc đó một cách độc lập. Sau đó, là khả năng mở rộng dần scope (phạm vi) và độ khó của công việc mình mà vẫn đảm bảo được chất lượng và hiệu suất đồng nhất trong mỗi công việc thực hiện.
Trong cuộc sống cá nhân cũng vậy. Cuộc sống là một dòng chảy liên tục với những vòng lặp quay đều và mở rộng, thúc đẩy sự phát triển đưa chúng ta tiến về phía trước. Để bước đi những bước tiếp theo, chúng ta cần bước vững được những bước đầu tiên một cách chuẩn chỉnh và đồng bộ. Không có con đường tắt hay bước nhảy vọt nào mà không khiến chúng ta phải trả giá cả. Mọi thứ đều cần có tính tiếp nối, tích luỹ để có thể có được từng bước đi mở rộng bền vững.
Do đó, mỗi khi ra quyết định làm một việc gì đó quan trọng, tôi sẽ thường hỏi bản thân rằng, liệu đó có phải là việc mà mình có thể yêu thích, tâm huyết, bền bỉ gắn bó thực sự trong một khoảng thời gian đủ lâu, là tiền đề tạo ra tính Repeatability, với sự nhất quán bền bỉ, để tích luỹ và tạo giá trị liên tục, và lâu dài từ đó không. Tiếp theo, khi tạo ra được tính Repeatability đó rồi, tôi luôn cố gắng tìm cách mở rộng giúp giá trị trên mỗi việc mình làm được lan toả hơn nữa, dựa trên nguyên lý Scalability.
Đơn giản như việc tôi viết blog mỗi ngày cũng vậy. Để có thể tạo ra được tính Repeatability, tôi phải có một sự tâm huyết, bền bỉ, mong muốn mãnh liệt học hỏi, chia sẻ trải nghiệm và những bài học có giá trị nhất tới mọi người mỗi ngày. Đồng thời, tôi cũng tin rằng, những bài viết của mình sẽ có giá trị tích luỹ trong không chỉ hôm nay, ngày mai, năm sau, mà còn có thể được lưu lại trong thập kỷ tới. Từ mỗi bài viết của mình, với những thông điệp tích cực đi cùng với những bài học, sẽ được tiếp tục lan toả hơn nữa, khi được những độc giả là những nhà sáng lập chia sẻ lại trong cộng đồng startup và được các quý báo lên bài chia sẻ. Đó là lý do vì sao tôi tôi luôn theo đuổi tinh thần “Shareable - Repeatable - Scalable” cho mỗi bài viết của mình từ những ngày đầu.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về tính 再現性 - Reproducibility trong mỗi hành động của cá nhân và tổ chức để tạo ra - tích luỹ - lan toả giá trị một cách bền vững theo thời gian. Hi vọng bài viết này sẽ là gợi ý nho nhỏ gửi tới mọi người, những ai đang trăn trở về những quyết định của mình trong cuộc sống cũng như trong công việc để tiến tới sự phát triển bền vững nhé! Yeah, just keep fighting!!