Xin chào các bạn! Hôm nay tôi và đồng nghiệp của mình đã có buổi thảo luận sâu sắc về Virality - hiệu ứng lan truyền dành cho startup. Chúng ta đang sống trong một thế giới bộn bề với quá nhiều thông tin đến rồi đi, với sự gia tăng cạnh tranh khốc liệt để dành lấy sự tập trung của mọi người, bị rút ngắn thời gian cho sự những sự tập trung đó. Có lẽ vì vậy, dù sản phẩm của chúng ta có tốt, nhưng một thực tế tàn nhẫn là vẫn khó thu thút, thuyết phục mọi người sử dụng và ủng hộ. Do đó, startup thường có xu hướng tìm mọi cách để hack tăng trưởng, trong đó có việc tạo ra hiệu ứng lan truyền trong nguồn lực hạn chế của chúng ta. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về hiệu ứng này trong bài Daily Blog hôm nay nhé!
Khái niệm Virality - hiệu ứng lan truyền được lần đầu sử dụng vào thập niên 90 của thế kỉ trước, khi con người có thể bắt đầu truy cập vào internet để tìm kiếm và tiếp cận nhiều thông tin hơn. Mọi người thường nghĩ là việc tạo ra hiệu ứng lan truyền để hack tăng trưởng thường đến từ hoạt động Marketing tiếp thị, nhưng thực tế là nó nằm ở bên trong sản phẩm được thiết kế để kích hoạt hiệu ứng này. Cụ thể đó là:
Hiệu ứng lan truyền cần thiết (Necessary virality): Là khi người dùng phải mời thêm nhiều người để sản phẩm mang lại giá trị cao hơn.
Hiệu ứng lan truyền kế thừa (Inheritance virality): Là khi người dùng sau khi sử dụng, giới thiệu sản phẩm cho bạn bè của họ sử dụng luôn.
Hiệu ứng lan truyền qua truyền miệng (Word-of-mouth virality): Là khi người dùng chia sẻ về trải nghiệm sử dụng sản phẩm của mình với bạn bè của mình.
Để có thể tạo ra được một trong những hiệu ứng lan truyền kể trên, về cơ bản sẽ đòi hỏi chúng ta cần thiết kế sản phẩm, dịch vụ một cách chiến lược tuân theo các nguyên tắc dưới đây:
Bản thân sản phẩm phải tốt, ấn tượng để người dùng hào hứng chia sẻ với bạn bè của mình.
Sản phầm cần có tính kết nối cảm xúc, truyền cảm hứng, để tạo hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, kích hoạt được hành động cụ thể, khi được người dùng chia sẻ tới người khác.
Cần có phần thưởng cụ thể dành cho người dùng để họ chia sẻ giới thiệu tới bạn bè của mình.
Tôi tin rằng hiệu ứng lan truyền của một sản phẩm nào đó, không phải nằm ở các chỉ số phù phiếm “top-line” như là lượt truy cập, tiếp cận, lượng like hay shares, mà thực sự nằm ở việc sản phẩm tiếp tục có được thêm những khách hàng mới tiếp theo được chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm thực tế, thúc đẩy đà phát triển cho startup. Do đó, startup thay vì tập trung vào việc chạy chiến dịch truyền thông hoành tráng, chia sẻ những nội dung vô thưởng vô phạt chỉ để thu hút chú ý không cần thiết, startup sẽ cần xây dựng một cách chiến lược các hiệu ứng lan truyền thực chất nhất, đi lên từ chính sản phẩm của mình, truyền thông điệp để tiếp cận đúng tập khách hàng mục tiêu của mình.
Hôm nay tôi nhận được tin nhắn liên lạc từ một nhà sáng lập startup rằng anh hay âm thầm đọc các bài viết Zunzun Daily Blog của tôi. Đồng thời, các lãnh đạo trong startup của anh cũng vậy, nhiều lúc họ đọc xong rồi chia sẻ cho các lãnh đạo khác, hay giới thiệu trực tiếp bài viết cho nhà sáng lập đó tiếp tục đọc. Tôi cảm thấy rất vui vì điều này. Bài viết này tôi viết gửi tới các nhà sáng lập nhưng đồng thời cũng là lời động viên tôi gửi tới chính bản thân tôi, rằng phải không ngừng cố gắng làm tốt hơn nữa, tập trung vào giá trị, từ đó là có tầm nhìn chiến lược trong việc tạo hiệu ứng lan truyền tự nhiên và hiệu quả cho sản phẩm của mình. Yeah, chúng ta cùng Keep fighting vì điều này nhé!!