Xin chào các bạn! Tôi rất vui mừng, trong hành trình bền bỉ của mình, được kết nối với rất nhiều nhà sáng lập, đồng hành với Zunzunstartups, vừa chăm đọc, và cũng chăm viết chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của mình. Với tất cả sự trân trọng những đóng góp ý nghĩa đó, tôi mong muốn được chia sẻ lại những bài viết của các nhà sáng lập trên nền tảng này. Do đó, tôi xin phép được bắt đầu chuỗi series, bằng những bài viết của nhà sáng lập CEO Trường Bomi của Rootopia - là những chắt lọc tinh tuý từ kinh nghiệm xây dựng và vận hành nhiều startup tới nay của anh. P/s: Xin cám ơn anh đã cho phép em đăng lại bài viết của anh trên Zunzunstartup nhé!
Xin mời mọi người đọc bài viết nguyên gốc của anh được anh chia sẻ vào ngày 20/06/2021 trên Facebook của mình dưới đây.
>>>
Ai cũng có thể biết Amazon, biết đây là đế chế Thương mại điện tử của Mỹ với chân rết khắp toàn cầu, và thậm chí biết họ có Amazon Web Service. Tuy nhiên, ít người biết được dưới góc độ chiến lược họ làm thế nào để sau 25 năm dưới tay Jeff Bazos huyền thoại, họ đã có giá trị vốn hóa gần 2 nghìn tỷ đô la, gấp 7 lần GDP Việt Nam 2020. Và chắc càng ít người biết điểm chung nào khiến các công ty rất khác với Amazon – như Uber, Airbnb, Grab, AhaMove, MoMo, Zalo,… - tạo lập thị trường từ con số 0 và tăng trưởng đột phá năm này qua năm khác? Vậy bí mật đó là gì? Từ góc nhìn cá nhân, đó chính là Flywheel (bánh đà). Vậy, BÁNH ĐÀ LÀ GÌ?
Trong thuật ngữ công nghệ cơ khí, bánh đà là một bánh xe nặng trong một cỗ máy, cần nhiều lực tác động ban đầu để quay quanh trục của nó. Khi bánh xe quay, nó bảo tồn một lượng lớn động năng mà sau này sử dụng để cung cấp năng lượng để cỗ máy không ngừng tăng tốc mặc dù không tác động lực từ bên ngoài. Thuật ngữ về chiến lược kinh doanh dựa trên Flywheel này được khơi mào từ một trong những thinker lỗi lạc, cha đẻ của những cuốn sách bán chạy xuyên suốt thời gian – Good to Great (từ tốt tới vĩ đại), Build to Last (xây dựng để trường tồn), Great by Choice (vĩ đại do lựa chọn),…- Jim Collins. Nhịp trong kinh doanh cũng như việc khiến bánh đà quay trong chuyển động cơ khí. Ban đầu, mọi thứ vô cùng chậm chạp để quay được 1 vòng, 2 vòng, 3 vòng,…bánh đà. Mặc dù vậy, bằng các nỗ lực tổng lực, nhất quán, và bền bỉ, bánh đà sẽ dần tăng tốc lên, tăng tốc lên, tăng tốc lên. Tới một điểm bùng phát, khối lượng dường như nặng nề tích lũy thành động lượng, tự ném bánh đà về phía trước khiến động cơ quay nhanh hơn một cách tự nhiên giúp tốc độ gia tăng nhiều lần với cùng một công sức bỏ vào.
Tới đây ta cũng dễ dàng trả lời được TẠI SAO LẠI CẦN LAO LỰC ĐỂ KHIẾN BÁNH ĐÀ TĂNG TRƯỞNG QUAY, dù vô cùng chậm chạp và mệt mỏi? Đơn giản vì nó sẽ tự làm việc cho ta, khiến tốc độ tăng tốc nhiều lần so với giai đoạn khởi phát, mà chỉ với cùng một nỗ lực đổ vào. Đó là khi, Tổ chức tạo nên một hiệu ứng trong cơ chế của bánh đà là: Hiệu ứng mạng lưới (Network Effect). Nơi đó, dựa vào nguồn “động năng” mất bao công sức lịch sử tích lũy, mọi chuyển động tiếp theo diễn ra một cách tự nhiên, tạo nên giá trị lớn lao (và khiến đối thủ hụt hơi để đuổi theo). Các công ty theo mô hình kinh doanh đột phá đều (phải) hiểu sâu sắc nguyên lý Bánh đà này nếu muốn trường tồn.
Nhờ xuất phát tập trung tạo lập Trải nghiệm khách hàng khác biệt (từ triết lý Customer First), Amazon tạo lập được nguồn người dùng khổng lồ. Lượng người dùng khổng lồ khiến càng nhiều người bán tham gia; từ đó tạo nên rất nhiều lựa chọn mặt hàng (chứ không chỉ có sách như những ngày khởi thủy). Mặt khác, tăng trưởng này cho phép Amazon tối ưu được kho bãi, vận chuyển và chi phí một món hàng nhờ sức cung cấp lớn; và kết cục giảm được giá bán xuống, khiến khách hàng vô cùng thỏa mãn.
Cũng là một ví dụ mang chức năng chuyển tiền không cần giao dịch tiền mặt như nhiều ví, song Momo đã tạo sự khác biệt thông qua triết lý: Fun & Socialable Experience. Đó chính là khiến việc chuyển tiền trở lên không chỉ dễ dàng hơn (chuyển tiền, chia tiền, đòi tiền,…) mà còn vui hơn (như hồi 2019 Trường và team đã làm thiệp chuyển tiền rất vui nhộn, tạo viral effect). Đó cũng là việc khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà từ thiện với Heo Đất MoMo, thấy được mình là người tốt dù chưa giàu có; chăm heo ảo đôi lúc cũng thật vui. Hay Đi Bộ Cùng MoMo giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt cho dân văn phòng; trong khi lại có thể kết nối cùng nhau,… Tất cả những yếu tố đó khiến người dùng thấy được ý nghĩa mỗi ngày nơi MoMo, và họ tiếp tục khám phá các dịch vụ hữu ích khác MoMo mang lại. Mua vé xem phim chưa bao giờ dễ dàng hơn; trả tiền điện nước trong một nút bấm; đi ra quán CircleK hay quán nước đầu đường mua đồ ăn uống không cần mang tiền; thậm chí mua vé số Vietlott chỉ trong một tích tắc. Đó là khi MoMo không cần bỏ tiền vẫn có được khách hàng, và họ lại còn giới thiệu nhiều khách hàng mới vì thấy MoMo không chỉ là công cụ thay thế tiền mặt chán ngấy mà là một nơi gắn kết cộng đồng và tích hợp siêu tiện ích cho họ và bạn bè.
Kiến tạo một platform như AhaMove, hay Uber là siêu thách thức, và nó phải bắt đầu với nguồn cung tài xế. Đó là điểm kích hoạt động năng của Bánh đà mà Trường trực tiếp cùng team đã chọn xuất phát từ những ngày tạo lập. Có được lượng tài xế lớn dần, độ phủ địa lý về tài xế tăng lên, khiến trải nghiệm nhận đơn hàng ship tăng mạnh mẽ (về Tỷ lệ nhận đơn – Acceptance Rate & Tốc độ nhận đơn – Tốc độ giao hàng). Từ đó, vệt dầu loang số đơn hàng tăng theo tự nhiên; và với mỗi tác động (thông qua truyền thông, giảm giá dịch vụ,…) chỉ khiến số đơn hàng tiếp tục tăng cao nữa. Từ số đơn hàng và lượng người cần giao hàng gia tăng, Aha lại thiết kế thêm được dịch vụ mới làm tăng thỏa mãn khách hàng; từ đó, tài xế giao hàng lại có thêm thu nhập, và họ càng trung thành với Aha mà không cần nhiều chính sách thưởng hỗ trợ nữa. Đó là khi Network effects biểu hiện mạnh mẽ, giúp Aha đạt tới điểm hòa vốn (break-even point) bền vững.
Một quan sát cuối cùng từ Grab rất thú vị. Khi Grab định vị mình là Super-app, họ mở thêm dịch vụ cho khách hàng. Một khách hàng đặt Grabbike buổi sáng tới công sở, thì trưa có thể không phải ra ngoài quán nóng nực và chật chội mà đặt luôn bữa trưa qua GrabFood. Chủ quán trước đây chỉ lo kéo khách tới quán, giờ đây lên nền tảng GrabFood để có thêm nhiều khách hàng từ cách họ tới 5-7 km, mà trước đây họ không từng nghĩ tới xa hơn phạm vi khách hàng trong bán kính 1km. Thú vị hơn, chủ quán giờ đây cũng có thể mua nguyên liệu ngay khi sắp bị hết trên Grab mà không phải đi chợ nữa, tiết kiệm thời gian không nhỏ, tạo thành một khu chợ ảo rất nhộn nhịp. Chợ càng đông, nhu cầu vận chuyển hàng càng lớn, và tài xế GrabExpress lại có đơn hàng để kiếm thêm thu nhập. Và rồi, một ngày mỗi tài xế làm tới 3 việc tự do: chở khách, chở đồ ăn, và ship hàng. Họ vui vẻ sống với nghề - mà đã từng là tạm qua ngày tháng đoạn - cả ngày dài từ sáng tới đêm, bất kỳ ngày nào họ thấy muốn ra đường từ thứ Hai tới Chủ Nhật.
>>>
Trên đây là những chia sẻ ý nghĩa của anh Trường Bomi - Founder & CEO của Rootopia - cũng là startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư và đồng hành phát triển tại Việt Nam. Hi vọng, bài viết này của anh có thể mang lại những gợi ý quan trọng tới các nhà sáng lập startup trong hành trình xây dựng Flywheel - bánh đà thông qua Hiệu ứng mạng để giúp doanh nghiệp phát triển bứt phá bền vững nhé! Yeah, just keep fighting!!