top of page

Thinking Process: Chiêm nghiệm về chất lượng trong quá trình tư duy của nhà sáng lập

Các bạn có biết rằng vấn đề thông tin bất đối xứng trong đầu tư khởi nghiệp, khiến nghề đầu tư này vốn đã nhiều rủi ro lại càng mạo hiểm hơn? Có quá nhiều điều các nhà đầu tư không thể nắm bắt được đúng và đủ để ra được quyết định sáng suốt. Không chỉ là việc thiếu dữ liệu thông tin của quá khứ và hiện tại của doanh nghiệp, mà thực sự điều còn khó nắm bắt hơn cả, đó là biến số xảy ra trong tương lai. Mà biến số lớn nhất thật ra không phải nằm ở thị trường, đối thủ, mô hình kinh doanh,… mà là con người - nhà sáng lập. Là một nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi luôn đau đáu suy nghĩ làm sao có thể nắm bắt được biến số quan trọng nhất này. Tôi đã tìm thấy một lát cắt quan trọng để nắm bắt biến số này, xin phép được chia sẻ trong bài viết hôm nay.


Vừa qua tôi có dịp được ngồi trò chuyện với một nhà đầu tư kì cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển tại Việt Nam. Trong quá trình trò chuyện, tôi được quan sát học hỏi cách anh tiếp cận đánh giá tiềm năng ở một nhà sáng lập. Điều thú vị là anh đặt điểm nhìn của mình vào những chi tiết, tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé, thường bị bỏ qua. Chúng ta hãy cùng thử tưởng tượng một bối cảnh là trong một buổi họp pitching thông thường giữa nhà sáng lập startup và nhà đầu tư như chúng tôi. Thật ra có khá nhiều rào cản khiến chúng ta dễ bỏ qua những chi tiết, nhỏ bé mà quan trọng. Trong buổi pitching đó, các nhà sáng lập thường tới với một tâm thế phải rất tự tin, có xu hướng sẽ nói những điều vĩ đại to tát, đó sẽ là quy mô rộng lớn của thị trường, của tầm nhìn và sứ mệnh, của mục tiêu dài hạn của startup, khiến mọi người dễ bị cuốn vào đó, mà có thể sẽ bỏ qua những chi tiết quan trọng để đánh giá được năng lực thực sự của nhà sáng lập. Đó là còn chưa đề cập tới, thách thức trong giao tiếp đơn thuần như là rào cản ngoại ngữ, hoặc thách thức phải chứng tỏ mình là người hiểu biết bằng việc tập trung vào điều mình đang và sẽ nói, hơn là thực sự 100% tập trung vào điều đối phương đang chia sẻ, khiến chúng ta dễ bỏ qua những chi tiết, để nhìn ra được một điều quan trọng. Đó là Thinking Process - quá trình tư duy của nhà sáng lập.


Tại sao điều này lại quan trọng tới vậy? Đầu tư vào startup nói chung, đặc biệt đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm, với các ý tưởng và mô hình kinh doanh còn đang trong quá trình phải thử nghiệm để kiểm chứng, cùng với đó tất nhiên là có khả năng phải pivot - thay đổi sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh sau đó. Do đó, thực sự, về bản chất việc đánh giá đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm, không phải nằm ở ý tưởng mô hình kinh doanh ban đầu tiềm năm hấp dẫn hay thuyết phục ra sao, mà nằm ở nhà sáng lập, cụ thể là, chất lượng của quá trình tư duy để có thể đưa ra các suy nghĩ, quyết định, và hành động chất lượng cao tới mức nào của nhà sáng lập đó. Quá trình này càng được thực hiện một cách xuất sắc, chất lượng cao ưu việt, thì dù xuất phát điểm với sản phẩm và mô hình kinh doanh chưa thực sự tốt cũng như trong một thị trường dù có khó khăn, thì nhà sáng lập hoàn toàn vẫn có khả năng xoay chuyển những thách thức, điểm hạn chế đó, đưa doanh nghiệp bứt phá tốt hơn theo thời gian. Còn ngược lại, nếu quá trình tư duy dẫn tới hành động không sắc sảo, thiếu chất lượng, thì dù ý tưởng ban đầu của startup có vẻ rất tuyệt vời, thì nhà sáng lập đó cũng không thể thực hiện tới cùng được ý tưởng đó một cách xuất sắc, thậm chí theo thời gian, còn dễ bị tắc, sa đà không tới đâu khiến startup ngày càng bị sa sút.


Do đó, trong quá trình tiếp xúc với các nhà sáng lập tại các buổi họp pitching, tôi sẽ cố gắng đưa mình vào chế độ tập trung lắng nghe sâu hoàn toàn, để hiểu được quá trình tư duy thực sự của nhà sáng lập. Để từ từ đi vào được từng tầng tư duy đó, thực sự đòi chúng ta phải thực sự kiên nhẫn, nắm bắt các ý từ, đồng thời phải đặt đúng câu hỏi. Các câu hỏi sẽ cần phải đào sâu với Why - tại sao lại là sản phẩm này, với mô hình kinh doanh này, tại sao lại là vào thời điểm này. Tiếp theo, đào sâu hơn nữa, liên tục hỏi Why cho những câu trả lời sau đó của nhà sáng lập, để hiểu được quy trình tư duy để lựa chọn và ra các quyết định của mình. Thậm chí có những chi tiết rất nhỏ trong câu trả lời của nhà sáng lập thôi những lại có thể cho thấy rất nhiều về quá trình, năng lực tư duy, đồng thời cả tính cách, bản lĩnh, xu hướng hành vi trong tương lai của họ. Đây là những điều mà không dễ gì bị che lấp bởi sự hoạt ngôn hay tự tin của nhà sáng lập. Mà nó là chiều sâu của tư duy, cho thấy sự sắc sảo và chất lượng, từ đó cho thấy được am hiểu, kinh nghiệm, sự tâm huyết đã dành nhiều thời gian thực sự để suy nghĩ về một điều gì đó quan trọng. Ngược lại, mọi sự hời hợt, vòng vo, không rõ ràng, bay bổng, lan man không cần thiết, cho thấy sự thiếu hụt chất lượng trong quá trình tư duy của nhà sáng lập.


Trên đây, là những chia sẻ đau đáu nhiều chiêm nghiệm trong quá trình tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập startup, để nắm bắt được biến số lớn nhất mà khó nắm bắt này, để có thể tìm ra được nhà sáng lập phù hợp nhất để đầu tư và đồng hành. Tôi tin rằng, chúng ta nói chung, không chỉ riêng các nhà sáng lập, dù trong công việc và cuộc sống của mình, sẽ luôn cần liên tục hoàn thiện, nâng cấp chất lượng trong quá trình tư duy của mình, để có thể đưa ra được những sự lựa chọn tốt và quyết định có chất lượng cao, là tiền đề thúc đẩy sự phát triển. Hi vọng, bài viết này sẽ là những gợi ý nho nhỏ gửi tới các bạn đọc, về một điểm nhìn dễ bị bỏ qua, nhưng lại vô cùng quan trọng với tôi trong hành trình đi tìm những startup có tiềm năng trở thành “winner” trong tương lai để đầu tư! Yeah, just keep fighting với tôi vì điều này nhé!

bottom of page