Trong quá trình tiếp xúc với nhiều startup ở giai đoạn sớm, tôi nhận ra luôn có một khoảng cách lớn về nhận thức và kỳ vọng giữa các nhà sáng lập và các nhà đầu tư về khả năng mở rộng (Scalability) cùng với quy mô thị trường (Market size) của startup. Chính những khoảng cách này đã tạo ra những áp lực không cần thiết, khiến startup vội vàng mở rộng ra nhiều phân khúc khách hàng một cách không hiệu quả trong khi nguồn lực vẫn còn hạn chế, và chưa có nền tảng vững chắc ở giai đoạn đầu. Để tránh bị rơi vào thực trạng đáng tiếc này, tôi xin phép được chia sẻ về tư duy xây dựng Atomic Network cho startup ở giai đoạn đầu, và cách M Village áp dụng tư duy này để mở rộng hiệu quả trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Atomic Network là khái niệm lần đầu được Andrew Chen - General Partner của a16z chính thức chia sẻ trong cuốn sách The Cold Start Problem của mình. Tuy nhiên, khái niệm này về cơ bản là không mới, với tiền đề khá quen thuộc với nhiều nhà sáng lập, đó là “Go Niche, Start Small”. Cụ thể, Atomic Network là network tập khách hàng ở quy mô nhỏ nhất có sự yêu thích sản phẩm, sử dụng ổn định và tương tác tích cực, giúp cho bản thân network đó có thể tự duy trì và phát triển được. Nguyên tắc cơ bản của Atomic Network này là tập trung vào chất, thay vì lượng, vì càng có nhiều khách hàng cùng một lúc, càng khó để tạo ra Atomic Network có ý nghĩa và hiệu quả ở giai đoạn đầu của startup. Startup có thể tạm quên đi khái niệm chung chung của quy mô thị trường (Market size) với TAM - SAM- SOM. Thay vào đó, startup sẽ cần xác định rõ ràng nhóm khách hàng nhỏ mục tiêu ban đầu của mình, hiểu rõ đúng mục đích sử dụng, trong hoàn cảnh và điều kiện thời gian cụ thể nhất có thể. Từ đó là làm mọi cách, kể cả là cách tưởng chừng như khó scale nhất để làm hài lòng tập khách hàng đó, khiến họ sử dụng và gắn bó sâu sắc với sản phẩm của bạn.
Một khi startup có thể thành công xây dựng được Atomic Network ban đầu của mình, startup có thể xây dựng được Atomic Network thứ 2, thứ 3,… thứ 100+. Những Atomic Network tiếp theo sẽ là những tập khách hàng cận biên của tập khách hàng trong Atomic Network trước đó. Quá trình mở rộng các Atomic Network có thể giúp startup theo thời gian mở rộng được tập khách hàng lớn hơn, tạo ra Network Effect ở quy mô lớn, từng bước chiếm lĩnh thị trường rộng lớn của mình. Do đó, ở giai đoạn đầu của startup, nếu chúng ta nhìn thấy startup chỉ phục vụ một phân khúc khách hàng niche nhỏ bé, và đang làm những điều khó scale trong Atomic Network này, thì cũng đừng vội đánh giá về tiềm năng của startup, vì biết đâu sau đó chỉ một vài năm thôi, startup đã có thể mở rộng hiệu quả tới nhiều phân khúc khách hàng khác nữa, từng bước gia tăng thị trường mục tiêu của mình.
Có lẽ M Village là case không thể phù hợp hơn cho thấy vai trò ý nghĩa của việc xây dựng Atomic Network cho startup này ở giai đoạn sớm. M Village chỉ bắt đầu với một chi nhánh nhỏ ở trong hẻm Võ Thị Sáu, với chỉ 65 phòng, phục vụ cho các cư dân ở quy mô nhỏ của mình. Họ chính là Atomic Network nhỏ đầu tiên M Village tập trung vào để hoàn thiện dịch vụ của mình. Tôi đã từng có dịp được nói chuyện với các cư dân ở đó. Họ đều là những người trẻ trong độ tuổi từ 25 tới 30, mưu cầu theo đuổi chất lượng sống cao và giá trị cộng đồng văn minh có sự gắn bó ý nghĩa. Họ là những người năng động, tư duy cởi mở, có tài năng, đang khởi nghiệp, hoặc đang làm chức vụ quản lý ở các doanh nghiệp vừa và lớn. Ở giai đoạn đầu của startup, M Village đã vô cùng kiên nhẫn, tập trung hoàn toàn vào việc lắng nghe feedback của các cư dân, để không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ, từ đó gia tăng sự yêu thích gắn bó với dịch vụ lưu trú tại cơ sở đầu tiên này. Kết quả là, M Village đã có công suất cho thuê luôn đạt trên mức 90%. Đây là con số vô cùng ấn tượng, so với mặt bằng chung trên thị trường với công suất cho thuê trung bình là chỉ khoảng 60%, trong trong bối cảnh vừa qua dịch bệnh tại thời điểm ban đầu hơn 1 năm về trước. Ngoài ra, có hơn 80% cư dân tiếp tục ở lại sử dụng dịch vụ, bằng việc gia hạn thêm hợp đồng thuê nhà sau đó, cũng đã cho thấy hiệu quả của việc tập trung tuyệt đối vào Atomic Network ban đầu của M Village. Từ Atomic Network này, M Village hiện nay đã tiếp tục mở rộng ra tới Atomic Network thứ 20, với tổng cộng 20 cơ sở hoạt động với công suất cho thuê luôn cao ổn định cho cả hai mảng dịch vụ lưu trú dài hạn và ngắn hạn, cùng quy trình quản lý được tối ưu bằng công nghệ, đảm bảo mở rộng hiệu quả. M Village đã từng bước cho thấy sự lựa chọn thông minh, sự kiên nhẫn và tập trung một cách chiến lược vào chỉ một Atomic Network chất lượng cao ban đầu, bản lĩnh vượt qua những định kiến là startup cần phải mở rộng nhanh chóng và phục vụ phân khúc khách hàng lớn, trong một thị trường lớn ngay từ ban đầu. Những Atomic Network đạt được này, chính là tiền đề quan trọng để M Village có thể xây dựng được Network Effect trong dài hạn một cách bền vững cho mình trong thời gian sắp tới.
Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về vai trò vô cùng ý nghĩa của việc tập trung chinh phục vào một Atomic Network ở quy mô nhỏ nhất của startup ở giai đoạn sớm, để từng bước có thể thực sự mở rộng hiệu quả và bền vững theo thời gian. Hi vọng những chia sẻ về cách M Village áp dụng tư duy xây dựng Atomic Network từ những ngày đầu tiên của mình, cũng có giá trị tham khảo cho mọi người khi đọc bài viết này. Yeah, chúng ta cùng keep fighting trong việc tạo ra những Atomic Network hiệu quả cho mình nhé!!