Trong bài viết mở đầu chuỗi series về Bài toán Đồng sáng lập, tôi có chia sẻ về cách tiếp cận để chọn được đồng sáng lập phù hợp với startup. Tiếp nối bài viết trong series này, tôi muốn chia sẻ về nuôi dưỡng mối quan hệ đồng sáng lập tin tưởng bền vững cùng đưa công ty phát triển, để khiến sự lựa chọn đúng ban đầu, sẽ thực sự luôn đúng về sau.
Trong mọi mối quan hệ thường thấy, là đều cần đến sự chăm sóc, duy trì và bồi dưỡng phát triển. Tôi muốn hỏi những đồng sáng lập startup - những người đang đọc bài viết này của tôi rằng: Có phải là đã rất lâu rồi bạn chưa có một buổi nói chuyện 1-on-1 với đồng sáng lập của mình? Nếu bạn vừa kết thúc công việc ra khỏi công ty thì bắt gặp đồng sáng lập của mình, bạn có đi tới chào hỏi hay là sẽ thay đổi hướng đi của mình để tránh họ? Bạn có đang hạn chế sự tương tác, giao tiếp ở mức tối thiểu cần thiết dành cho đồng sáng lập của mình không? Nếu các câu trả lời là Có, thì có thể bạn đang có mối quan hệ không được lành mạnh, rất “nhạy cảm" với bất kỳ mâu thuẫn hay xung đột nào giữa các đồng sáng lập.
Do đó, các đồng sáng lập cần ưu tiên dành thêm thời gian với những đồng sáng lập khác, thường xuyên đi ăn hay đi uống, tương tác trực tiếp để duy trì mối quan hệ gắn bó với nhau. Luôn cởi mở, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đối phương đồng thời cố gắng luôn minh bạch chia sẻ thông tin kịp thời bằng sự giao tiếp hiệu quả. Nếu có đồng sáng lập nào không đồng ý về điều gì đó, thì đừng rời khỏi phòng họp với họ cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng, với những giải pháp thuyết phục và hành động cụ thể tiếp theo. Nếu thời gian trong tuần quá bận rộn không đủ có những sự tương tác và cuộc đối thoại hiệu quả với nhau, thì các đồng sáng lập có thể hẹn nhau cuối tuần tham gia các hoạt động thể thao chung như đi bơi, chạy bộ, leo núi…
Trong bài chia sẻ vô cùng tuyệt vời của Brian Chesky - Co-founder CEO Airbnb, tại trường Stanford vừa qua, đã khiến tôi vô cùng ấn tượng đặc biệt khi anh chia sẻ về cách anh và 2 đồng sáng lập của mình nuôi dưỡng mối quan hệ bền vững hơn thập kỉ xây dựng Airbnb. Đó là từ những năm 2009, các đồng sáng lập đã hẹn với nhau rằng, vào Chủ nhật mỗi tuần, dù họ có bận tới đâu, họ đều sẽ có buổi gặp mặt với nhau. Vì họ tin nằng, mối quan hệ đồng sáng lập của mình chỉ có thể bền lâu, thì cần dựa trên sự liên kết và giao tiếp liên tục. Và giữa họ cũng có một nguyên tắc là, cho dù họ có tranh luận với nhau mỗi này về các quyết định quan trọng trong công ty, thì “Winning in an argument is never important than preserving the relationship” (Chiến thắng trong một cuộc tranh luận không bao giờ quan trọng hơn việc giữ gìn mối quan hệ). Vì họ tin rằng việc một mình chiến thắng trong tranh luận không bao giờ có thể cùng thắng để đi xa được.
Bên cạnh đó, trên thực tế các đồng sáng lập cũng cần dành thời gian trước đó để cùng thiết lập các chu trình ra quyết định hiệu quả trong các tranh luận ra quyết định quan trọng giữa họ càng sớm càng tốt. Các đồng sáng lập cần viết rõ những chu trình đó ra và đảm bảo rằng khi vấn đề xuất hiện, bạn có thể nhanh chóng và hiệu quả sử dụng “sách hướng dẫn đó” để giải quyết vấn đề dựa trên sự tôn trọng và đồng thuận trước đó của nhau.
Anh Võ Hoàng Nam - Đồng sáng lập & CTO của Fundiin, có chia sẻ với tôi về cách anh và anh Nguyễn Ảnh Cường - Đồng sáng lập & CEO của mình, xây dựng “playbook” với những chu trình xử lý bài bản theo từng bước khi có vấn đề xuất hiện như sau:
Khi có một vấn đề cần được đưa ra để thảo luận, cả hai anh - anh Cường và anh Nam sẽ luôn cần giải thích quan điểm của mình tại sao cần thực hiện hay không cần thực hiện điều đó.
Sau khi đã chia sẻ để giúp đối phương hiểu vấn đề, thì việc tiếp theo sẽ là những câu hỏi phản biện và những góc nhìn khác nhau của mỗi anh, được đặt ra để trả lời xem thật sự đã thoả mãn cho bản chất của việc đó chưa? Thậm chí khi cần thiết, sẽ cùng đưa ra nhiều hướng thay thế khác nhau, để thảo luận tìm ra cách tốt hơn cả.
Nếu một trong hai người giải thích và trả lời, thuyết phục được đối phương thì cả hai sẽ đồng thuận và cùng thực hiện.
Còn nếu một trong hai vẫn chưa thoả mãn và đồng ý với một hướng đề xuất, thì hai anh sẽ hướng tới việc là cần ưu tiên giải quyết vấn đề đó, bằng việc khám phá theo nhiều cách khác nhau. Hai anh sẽ đồng thuận là thực hiện thử các cách khác nhau được cho là khả thi, để thực sự kiểm chứng xem cách nào là hiệu quả hơn cả. Rồi cả hai sẽ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện với mục tiêu chung cuối cùng, là đem lại kết quả tốt nhất để giải quyết vấn đề đó.
“Điểm mấu chốt ở đây tôi gọi là hệ quy chiếu. Có nghĩa mỗi người sẽ có 1 hệ quy chiếu nhìn nhận riêng. Nếu 1 trong 2 có góc nhìn khác nhau về một vấn đề thì sẽ cố gắng tìm hệ quy chiếu chung chính là bản chất của vấn đề đó, để cả hai hiểu rõ và đồng thuận” - Võ Hoàng Nam, Đồng sáng lập & CTO của Fundiin
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về bài toán vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ tin tưởng, tôn trọng bền vững giữa các đồng sáng lập tại bất kì startup nào. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi startup mỗi cảnh”, vì đó mỗi startup lại đối diện với những thách thức mang tên đồng sáng lập rất khác nhau. Sẽ không có một cách cụ thể nào có thể áp dụng hết cho mọi startup được, nhưng sẽ có những nguyên tắc chung để nuôi dưỡng mối quan hệ này. Đó là dựa trên sự giao tiếp liên tục, nuôi dưỡng sự tin tưởng, minh bạch và tôn trọng lẫn nhau. Hi vọng các đồng sáng lập sẽ luôn “Keep fighting!” vì những điều quan trọng này nhé!!!