

Xin chào các bạn! Là nhà đầu tư khởi nghiệp VC, tôi có may mắn được đồng hành phát triển cùng với nhiều startup tại Việt Nam. Trên hành trình phát triển đó, tôi liên tục chiêm nghiệm, tìm thấy nhiều bài học quan trọng cho mình để hoàn thiện, để chạy bền thành công với nghề VC. Gần đây, nhờ một buổi họp BOD tại một startup quỹ chúng tôi đầu tư đồng hành, mà tôi tìm thấy một bài học quan trọng đó, không chỉ áp dụng trong hoạt động hỗ trợ startup, mà còn ảnh hưởng tới tư duy phong cách quản lý và xây dựng đội ngũ của tôi. Đó là bài học về nguyên tắc “Focus on What, not How”. Tôi xin phép được chia sẻ một vài chiêm nghiệm của mình về ý nghĩa của nguyên tắc này trong bài viết Zunzun Catchup hôm nay nhé!
Nguyên tắc “Focus on What, not How”, được hiểu một cách đơn giản là cần tập trung vào cái gì (What) hơn là tập trung vào cụ thể làm việc đó như thế nào (How). Khi đặt nguyên tắc này trong bối cảnh của buổi họp BOD tại startup, có nghĩa là các thành viên hội đồng quản trị sẽ tập trung thảo luận vào What - là định hướng phát triển, chiến lược, kế hoạch mục tiêu của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế tại các buổi họp BOD này, mọi người có thể dễ dàng bị sa đà, lan man thảo luận chi tiết trên mức cần thiết về How - cần phải làm đó cụ thể như nào. Thật ra với startup, một khi đã hiểu What - cần hướng tới và đạt được cái gì một cách rõ ràng rồi, thì nhà sáng lập và đội ngũ của mình sẽ cần tự biết cách đi tìm thấy How - làm như thế nào để đạt được What đó. Vì vậy, những câu hỏi thảo luận như: “Sao startup không thử làm X để đạt được Y?” là không cần thiết? Vì để đạt được Y, chắc hẳn startup sẽ phải có một loạt các kế hoạch thực thi X1, X2, X3,… để tìm ra trong đó cách làm tốt nhất rồi. Việc tập trung lan man thảo luận về How như vậy quá nhiều, sẽ làm suy yếu đi khả năng và động lực thực thi của chính startup. Thay vào đó, startup nên được tin tưởng, ủng hộ trao quyền chủ động trong việc thực thi cụ thể How. Việc này về lâu dài, startup sẽ chủ động trong việc ra quyết định thực thi nhanh chóng hiệu quả hơn, có được đội ngũ có năng lực thực thi mạnh mẽ hơn, từ đó giúp startup tiến tới phát triển mở rộng tốt hơn.
Trong thế giới các công cụ AI ngày càng phổ biến như hiện nay, việc tìm kiếm đề suất một loạt How - các cách làm cụ thể chi tiết ngày càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ví dụ cụ thể, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các đề suất lên kế hoạch thực thi cụ thể cho chiến dịch marketing, cụ thể tới mức được, nội dung được đề suất chia nhỏ theo giờ, theo ngày trong tháng để tiến hành triển khai. Cũng vì đó, mà điều thực sự quan trọng trong cuộc sống chung với AI ngày nay, tôi tin đó là nằm ở việc hiểu rõ What - điều mình làm, từ đó là trau dồi khả năng đặt ra đúng câu hỏi, và đủ các “Lực” (bao gồm: Động lực + Nguồn lực + Năng lực) để thực thi các How hiệu quả tới cùng để đạt được What đó.
Cũng gần đây, trong một buổi họp Offsite của International Team quỹ Genesia Ventures chúng tôi diễn ra tại Indonesia, mọi người đã cùng nhau chia sẻ về kế hoạch mục tiêu OKR theo quý của từng thị trường hoạt động đầu tư chính của chúng tôi. Tôi nhận ra một điều thú vị là, buổi họp này đã được khéo léo thiết kế theo đúng nguyên tắc “Focus on What, not How”. Đặc biệt, GP Takahiro Suzuki có một câu nói khiến tôi vô cùng ấn tượng, ghi nhớ sâu sắc, đó là: “Anh tin mọi người đều đủ thông minh và quyết tâm để biết mình cần làm gì để đạt được mục tiêu của mình”. Có thể nói, nguyên tắc này đã tác động rất lớn, làm thay đổi tư duy của tôi trong cả việc quản lý và phát triển đội ngũ của mình tại Việt Nam. Đó là, tập trung làm rõ mục tiêu What, và sau đó trao quyền ủng hộ đội ngũ của mình chủ động thực thi How. Tôi hiểu được rằng, để có thể khiến nguyên tắc này phát huy tính hiệu quả trên tế, thì sẽ cần các yếu tố của “Lực” (= Động Lực + Nguồn Lực + Năng Lực). Đặc biệt trong đó, có thể nói điều quan trọng nhất, đặt trong bối cảnh quản trị nhân sự này, sẽ là các nhân viên cần có đủ Động Lực - mong muốn mạnh mẽ, để đạt được What - mục tiêu đề ra của mình. Vì đơn giản, “Where there is a will, where there is a way”. Hay nói cách khác, đơn giản thường thấy hơn trong tiếng Việt thì sẽ là: “Một khi muốn thì tìm sẽ tìm cách, còn không muốn thì sẽ tìm cớ”. Để có được yếu tố Động lực mạnh mẽ này, đầu tiền cần xuất phát từ chính các cá nhân trong đội ngũ đó, trong việc Align - kết nối được sâu sắc với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chung trong tổ chức, tiếp theo là hiểu rõ What - mục tiêu OKR cần đạt của mình là gì, có vài trò ý nghĩa quan trọng như thế nào. Tiếp theo điều quan trọng không kém, đó là duy trì môi trường làm việc tích cực, tin tưởng lẫn nhau, trao quyền cho nhân viên được thử thách, thực thi, học hỏi và phát triển trên hành trình tiến tới việc đạt mục tiêu đã đề ra của mình.
Trên đây là một vài chiêm nghiệm của tôi về ý nghĩa của nguyên tắc “Focus on What, not How” trong việc định hình phong cách đồng hành của tôi với các startup, cũng như phong cách quản lý phát triển đội ngũ của mình. Hi vọng đây là những dòng chia sẻ có ý nghĩa với các nhà sáng lập trong việc thiết kế ra buổi họp BOD hiệu quả, nhìn rộng ra hơn là lên chiến lược giao tiếp hiệu quả với nhà đầu tư của startup mình. Đồng thời, hi vọng đây cũng là những gợi ý quan trọng gửi tới các bạn, những ai đang trăn trở về thách thức quản lý đội ngũ của mình, để có thể phát triển tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Yeah, chúng ta cùng nhau Just Keep Fighting vì điều này nhé!!
P/s: Các nhà sáng lập quan tâm về đề tài này xin hãy Book Meeting dưới đây, để chúng ta cùng nhau thảo luận thêm nhé! Xin cám ơn rất nhiều!