top of page

Group Think: Suy nghĩ về vấn đề tư duy nhóm trong hoạt động đầu tư startup

Xin chào các bạn! Trong hành trình làm nghề đầu tư startup ở giai đoạn sớm, tôi luôn suy nghĩ về những thách thức tác động tới mục tiêu thành công trong nghề này. Từ đó là đau đáu suy nghĩ, ngôn ngữ hoá đó ra một cách rõ ràng nhất có thể, những nguyên nhân và cách vượt qua những trở ngại đó. Hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ về một trong những vấn đề đó, mang tên Tư duy nhóm. Đây là vấn đề không chỉ dễ dàng tìm thấy trong hoạt động đầu tư nói chung, mà đặc biệt thường xuyên xuất hiện trong thế giới đầu tư mạo hiểm với rất ít thông tin và sự chắc chắn về startup.


Con người nói chung thường sẽ được gọi là người có trí tuệ khi có hiểu biết sâu sắc. Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động đầu tư khởi nghiệp, với ít dữ liệu thông tin, khi các ẩn số vẫn còn ở phía trước, thì hiếm có ai thực sự có thể tự tin với “sự hiểu biết” của mình. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi luôn cảm thấy mình biết chưa đủ, chưa bao giờ đủ hiểu biết cả. Tôi luôn trong trạng thái “khát” thông tin. Tôi luôn muốn mình phải học hỏi, trải nghiệm để trở nên thông tuệ hơn.


Cá nhân tôi luôn cảm thấy may mắn khi được hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp, làm việc cùng với những cộng sự VC và các nhà sáng lập startup vô cùng thông minh, bản lĩnh và tự tin. Mặt khác, hoạt động trong một thế giới hạn chế thông tin có thể tiếp cận được, các nhà đầu tư thường có xu hướng trao đổi thông tin qua lại để được tiếp cận và kiểm chứng thông tin với nhau. Các thông tin từ đó mà cũng quay vòng đều tới mỗi VC. Cũng chỉ ngần đó thông tin, không đủ nhiều để đa dạng hoá góc nhìn. Từ đây, tôi cũng nhận ra một vấn đề là chúng tôi dễ bị rơi vào vấn đề tư duy nhóm trong nội bộ quỹ, và giữa các quỹ với nhau - tư duy dễ bị ảnh hưởng đồng nhất, với xu hướng đưa ra suy nghĩ giống nhau trong những thông tin bị hạn chế.


Hơn nữa, hoạt động trong một thế giới mạo hiểm với nhiều sự không chắc chắn, không ai thực sự tự tin biết kết quả tương lai, thì chúng ta có xu hướng bám víu vào những “điểm tựa”. Đó có thể là ý kiến của những người khác được cho là hơn mình. Hoạt động trao đổi những ý kiến này, sẽ hình thành nên những suy nghĩ theo nhóm, tạo ảnh hưởng rất nhiều tới việc ra quyết định đầu tư startup trong nội bộ và giữa các quỹ đầu tư. Cụ thể, trong nội bộ quỹ đầu tư, thì những ý kiến tạo ảnh hưởng vẫn thường thuộc về những cá nhân nhà đầu tư hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và thành tích đầu tư tích cực trước đó. Còn giữa các quỹ thì thường sẽ là những quỹ có nhiều thành tích, danh tiếng nổi bật sẽ có thể tạo ảnh hưởng kéo những quỹ đầu tư khác theo mình.


Tôi luôn có sự ngưỡng mộ rất lớn với “huyền thoại” Doug Leone - Managing Partner của quỹ đầu tư Sequoia. Nhưng, tôi đặc biệt ấn tượng nhất là khi ông đã từng khiêm tốn chia sẻ rằng, yếu tố may mắn - đúng nơi đúng lúc - đóng vai trò to lớn hơn cả năng lực trí tuệ, đã giúp ông đầu tư thành công. Ông hiểu được rằng, bên cạnh những thương vụ đầu tư thành công rất lớn, ông cũng có nhiều thương vụ đầu tư thất bại trong sự nghiệp của mình. Ông cho thấy sự khiêm tốn, thông tuệ khi nhận thức được những thách thức là những biến số không ai có thể chắc chắn thắng - bại trong các thương vụ đầu tư startup.


Cũng vì lẽ này, mà tôi hiểu ra được rằng, các nhà đầu tư, dù là huyền thoại dạn dày kinh nghiệm, cũng không có ai có thể tự tin biết trước và biết hết về khả năng thành công hay thất bại của startup. Do đó, việc đi theo ý kiến của người khác hơn mình, cũng không đảm bảo cho sự thành công trong đầu tư startup. Trong rất nhiều biến số, khó nắm bắt và khó kiểm soát trong hoạt động đầu tư startup, điều duy nhất chúng ta có thể làm được, là tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát. Đầu tiên, đó là có cho mình chính kiến. Cụ thể tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình, phải luôn cố gắng trau dồi kiến thức, chịu khó đào sâu tìm hiểu về bản chất, yếu tố mang tính nền tảng của các startup mình cân nhắc đầu tư. Từ đó đặt những câu hỏi quan trọng nhất, để tìm kiếm câu trả lời, và hình dung về tiềm năng trong tương lai của startup đó. Tiếp theo, là có cho mình niềm tin - đặc biệt là niềm tin ở nhà sáng lập mình lựa chọn, có năng lực phù hợp, có bản lĩnh lớn và không ngừng “tiến hoá” tốt hơn để đưa startup phát triển. Cuối cùng, là sự sát cánh đồng hành, cả những lúc thăng và trầm của startup, để đưa startup mình lựa chọn đầu tư, có thể thành công thực sự trong tương lai.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về thách thức Tư duy nhóm trong hoạt động đầu tư startup, từ đó là cách vượt qua bằng việc tập trung vào những điều bản thân có thể kiểm soát được. Thực sự bài viết này là những đau đáu chiêm nghiệm của tôi khi làm nghề, mong muốn nhắn nhủ, gợi nhắc tới chính bản thân mình sau này, các cộng sự yêu quý của mình, để có thể tăng được cơ hội thành công bền vững hơn trong nghề này. Đồng thời, tôi hi vọng bài viết này cũng gửi gắm nhiều gợi ý quan trọng tới các nhà sáng lập trong cách giao tiếp, xây dựng uy tín hiệu quả, tránh để mình vào thế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Tuy duy nhóm khi tiếp cận với các quỹ đầu tư. Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!

bottom of page