top of page

Bài toán Core Values #2: Chia sẻ về 6 bước xây dựng giá trị cốt lõi của startup

Xin chào các bạn! Đến hẹn lại lên, nối tiếp bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết về bài toán Core Values, hôm nay tôi xin được phép chia sẻ về các bước đi tìm giá trị cốt lõi của startup nhé! Các bạn còn nhớ “bài tập về nhà” ở phần cuối bài viết trước chứ? Hãy chắc chắn mình đã suy nghĩ về những câu hỏi đó, trước khi bắt đầu đọc bài viết Daily Catchup ngày hôm nay nhé!


Đầu tiên, là bước chọn người tham gia và chia nhóm thảo luận. Với startup ở giai đoạn sớm (Early-stage startup), với các đồng sáng lập, các thành viên cốt cán tổng cộng khoảng trên dưới 10 người, thì tất cả mọi người có thể cùng tham gia vào hành trình xây dựng giá trị cốt lõi của startup mình. Với các startup ở giai đoạn muộn hơn (Later-stage startup), như tôi có đề cập một trong 6 nguyên tắc trong bài viết trước, thì sẽ cần “cập nhật” giá trị cốt lõi của startup theo từng giai đoạn “tiến hoá” phát triển cả về lượng và chất của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, ở các giai đoạn đó thì các startup cũng đã đều đạt khoảng trên dưới 100 nhân sự, khó có thể điều phối tất cả mọi người cùng tham gia được. Do đó, startup có thể chia nhóm người tham gia theo chức vụ (nhóm sáng lập, nhóm nhân sự cấp cao, nhóm quản lý,…) hoặc theo team phòng ban bộ phận ( team Product, team Marketing, team Sales, team HR,..).


Bước thứ hai, là tổ chức các buổi thảo luận mở trong các nhóm hoặc người được chọn tham gia. Mục tiêu của buổi thảo luận mở này là để mọi người cùng “brainstorm” tìm ra các giá trị quan trọng mình mong muốn có trong tổ chức. Dưới đây tôi xin phép được chia sẻ 5 câu hỏi định hướng quan trọng, giúp mọi người tập trung thảo luận hiệu quả, tránh đi lan man, để từ đó là tìm thấy những core values phù hợp nhất:

  • Tầm nhìn và mục tiêu của startup mình là gì?

  • Điểm mạnh của startup chúng ta nằm ở đâu?

  • Các khách hàng, đối tác tin tưởng và kỳ vọng chúng ta ở những điều gì?

  • Đâu là 3 điều quan trọng nhất bạn kỳ vọng có ở mỗi người chúng ta trong startup?

  • Đâu là những giá trị và hành động cần được thực hiện một cách nhất quán tại công ty, cho dù có được ghi nhận khen thưởng hay không, cho dù lúc công ty gặp thuận lợi hay khó khăn?

Từ đây chúng ta sẽ có 1 master list - là danh sách tổng hợp tất cả các câu trả lời của mọi người, để tiến tới bước thứ ba tiếp theo.


Ở bước thứ ba này chúng ta sẽ phân loại sắp xếp các giá trị đó theo nhóm, dựa trên các điểm chung về đặc tính và ý nghĩa. Nếu buổi thảo luận mở ở bước một diễn ra hiệu quả thì có thể bạn sẽ có một danh sách khoảng 50 câu trả lời trong tổ chức có 10 người tham gia. Còn với tổ chức với số lượng người tham gia lớn hơn, thì số câu trả lời có thể tới 100, thậm chí còn nhiều hơn. Do đó, danh sách master list này cần được phân loại hiệu quả nhất.


Bước tiếp theo, là tập trung ưu tiên lựa chọn ra trong đó 5~10 giá trị quan trọng nhất với tổ chức của mình. Hãy đảm bảo rằng, những giá trị đó đều tuyệt đối cần thiết cho việc định hình nên hành vi của mọi người trong tổ chức, và theo thời gian là định hình văn hoá, thế mạnh đặc trưng nhận diện doanh nghiệp của bạn.


Bước thứ 5 là chuyển hoá những giá trị cốt lõi đó bằng những cụm từ dễ nhớ, ấn tượng và truyền cảm hứng. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách chuyển hoá cụm từ cơ bản chung chung như “Dịch vụ chăm sóc khách hàng xuất sắc”, thành cụm từ mà đã trở thành biểu tượng của Zappos - nền tảng bán lẻ dày dép trực tuyến lớn nhất thế giới tới tận ngày nay. Đó là: “Deliver WOW Through Service” (Trực dịch: Mang tới cho khách hàng những trải nghiệm vượt xa mong đợi). Đây chính là một trong những giá trị cốt lõi quan trọng lấy khách hàng làm trung tâm, đã định hình một nhất quán văn hoá, chính sách, chiến lược, và hành động của Zappos trong hành trình chinh phục khách hàng của mình. Cụ thể, Zappos có chính sách đào tạo nhân sự mới vào ở bất kỳ vị trí nào, bằng việc để họ dành 5 tuần đầu tiên chỉ để trực điện thoại từ khách hàng để hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng làm tiền đề để bắt đầu chinh phục những “thượng đế” của mình. Hơn nữa, nếu khách hàng đặt mua giày trên Zappos, họ sẽ đinh ninh là mình sẽ nhận được hàng sau 3 - 7 ngày giống như nhiều bên khác, nhưng Zappos làm họ ngạc nhiên khi có thể nhận được hàng chỉ sau 1 ngày order. Không dừng ở đó, thậm chí khi khách hàng tìm mua nhưng hết hàng bán, Zappos còn sẵn sàng chỉ cho khách hàng mua sản phẩm đó ở các trang web của đối thủ, để khách hàng có thể mua được sản phẩm mà mình mong muốn.


Bước cuối cùng trong hành trình thiết kế Core value này, là kiểm tra độ phù hợp của những giá trị cốt lõi đã được chọn. Giống như bất kỳ những điều quan trọng nào, sẽ cần những giai đoạn test - kiểm tra. Tuỳ theo quy mô và tốc độ triển khai trong tổ chức, mà startup có thể chọn ra mục tiêu thời gian test phù hợp với mình. Đó có thể là trong 1 tháng, 3 tháng, hoặc có thể lên tới 6 tháng. Vậy đâu là những tiêu chuẩn để test những core value đó? Dưới đây là những câu hỏi gợi ý cho bạn:

  • Những giá trị này có đủ ấn tượng, truyền cảm hứng và đặc biệt là dễ nhớ để mọi người hưởng ứng không?

  • Những giá trị này có định hướng mọi người ra quyết định và hành động nhất quán không?

  • Bạn có cảm nhận được sự thay đổi tích cực của mọi người từ những giá trị cốt lõi đó không?

  • Bạn có sẵn sàng muốn duy trì những giá trị này đi qua cả những thăng - trầm trong thập kỉ tới nữa của startup không?


Trên đây là chia sẻ của tôi về 6 bước quan trọng, gợi ý startup thiết kế xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình. Startup thực sự là một hành trình với rất nhiều khó khăn thách thức, trầm nhiều hơn thăng, cần tinh thần sự bền bỉ vượt khó, đặc biệt rất cần niềm tin và sức mạnh nội tại. Sẽ có những lúc các nhà sáng lập, đồng đội tại startup gặp khủng hoảng, thất bại, sa sút tinh thần, nhưng những giá trị cốt lõi của startup bạn có thể sẽ là những “điểm tựa” quan trọng giúp bạn nuôi dưỡng sức mạnh nội tại để vượt qua. Yeah, keep fighting nhé!

bottom of page