top of page

Bài toán Đồng sáng lập #3: 5 lý do thường tìm thấy trong các mối quan hệ căng thẳng giữa các đồng sáng lập tại startup

Đặt trong một guồng quay làm việc nhiều áp lực về thời gian, nhiều hạn chế về nguồn lực, cùng với rất nhiều tranh luận mỗi ngày, tưởng chừng như không bao giờ kết thúc tại startup, khiến mối quan hệ giữa các đồng sáng lập lại càng bị thử thách hơn bao giờ hết. Chúng ta hiểu được rằng chọn được đồng sáng lập mới chỉ là bước đầu, tiếp theo là cần nuôi dưỡng mối quan hệ này bền vững nhất. Trong quá trình đó, mối quan hệ giữa các đồng sáng lập chắc chắn sẽ gặp nhiều ma xát dẫn đến căng thẳng. Để có thể nhanh chóng kịp thời xử lý căng thẳng leo thang, điều quan trọng là chúng ta cần đủ cởi mở để chấp nhận và ngồi xuống phân tích các nguyên nhân. Trong bài Daily Catchup hôm nay, tôi xin được chia sẻ 5 nguyên nhân chính thường tìm thấy trong các mối quan hệ đồng sáng lập căng thẳng.


1/Phân chia quyền lực


Nguyên nhân đầu tiên đến từ vấn đề phân chia quyền lực giữa các đồng sáng lập tại startup. Đây được coi là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra việc căng thẳng giữa các đồng sáng lập - khi mà câu hỏi “Ai quan trọng hơn?, Ai cần ai nhiều hơn?” liên tục được đặt ra. Cụ thể, ai là người ra quyết định cuối cùng trong công ty? Từ đó, xác định địa vị của họ cũng như mức lương thưởng, cổ phần họ nhận được. Nếu việc này không được xác lập một cách công bằng, và thuyết phục thì sẽ là nguyên nhân rất lớn gây ra sự bức xúc, từ đó là dẫn đến tâm lý “đối kháng", với xu hướng hạ thấp đối phương để nâng cao bản thân, để duy trì củng cố quyền lực và quyền kiểm soát của họ tại công ty.


2/ Thiếu sự quan tâm và giao tiếp


Tiếp theo, đó là việc thiếu quan tâm và giao tiếp kết nối nữa các đồng sáng lập tại startup. Bản chất của vấn đề này, đó là những người đồng sáng lập muốn cảm thấy rằng họ quan trọng và được quan tâm. Những dấu hiệu như, một trong những đồng sáng lập cảm thấy mình bị “loại trừ” trong một công ty có nhiều đồng sáng lập, những ý kiến của mình không được lắng nghe bởi những người khác. Theo thời gian, khi công ty đối mặt với áp lực tăng trưởng, mở rộng nhân sự và quy mô hoạt động, các nhà đồng sáng lập dễ bị cuốn vào khối lượng công việc khổng lồ với nhịp công việc bận rộn, mà quên dành thời gian cho nhau, để thực sự quan tâm, kiên nhẫn chia sẻ và lắng nghe từ nhau. Từ đó, theo thời gian điều này tạo ra sự xa cách, khoảng cách giữa họ ngày càng lớn hơn.


3/ Thiếu sự tôn trọng và công nhận


Bên cạnh đó, là việc các nhà đồng sáng lập cảm thấy mình không được tôn trọng và công nhận tại startup. Những câu hỏi xoay quanh vấn đề này, thường trực trong mỗi căng thẳng giữa các đồng sáng lập, có lẽ là: “Tôi có được coi trọng tại công ty này không? Tôi làm việc chăm chỉ từ những ngày đầu tiên như vậy, nhưng những đóng góp của tôi có được ghi nhận và đánh giá cao không? Bạn có đang nhận hết công lao về mình không?”. Bản thân tôi, cũng đã từng ít nhiều tò mò về cảm giác của những đồng sáng lập còn lại, khi thấy báo chí đưa tin nhiều về startup của mình. Khi đó, một trong số những người đồng sáng lập sẽ có thể nhận được nhiều hoặc thậm chí là tất cả sự chú ý của truyền thông, trong khi những người còn lại thì không hoặc ít xuất hiện. Mặt khác, về bản chất, trong chính startup và giữa những đồng sáng lập nếu không có sự chân thành ghi nhận sự đóng góp của nhau, thì sớm hay muộn cũng sẽ có những xung đột, bất mãn xuất hiện giữa họ.


4/ Vai trò của các đồng sáng lập chưa rõ ràng


Nguyên nhân tiếp theo nữa là việc phân chia vai trò của các đồng sáng lập không rõ ràng tại startup. Một trong những dấu hiệu cơ bản thường thấy, giữa những đồng sáng lập hay rơi vào tình cảnh lúc nào cũng phải đấu tranh về mọi thứ trong startup, điều đó có nghĩa là vai trò cá nhân của họ không đủ rõ ràng. Việc này có thể dẫn đến, tất cả những nguyên nhân kể trên - khi đó có người làm ít hoặc không, có người ôm hết làm mãi không hết việc, có người quá bận rộn, có người “nhàn cư vi bất thiện", có người bất mãn, có người thấy mình không được coi trọng, có người không còn cảm thấy giá trị tồn tại của mình tại công ty.


5/ Chênh lệch năng lực


Cuối cùng, sau một thời gian làm việc với nhau, các đồng sáng lập nhận ra năng lực của đối phương chưa đủ, từ đó gây ra sự thất vọng, đổ vỡ niềm tin với nhau. Ở những ngày đầu tiên đồng hành gây dựng startup, có thể các đồng sáng lập chỉ tìm thấy và chọn nhau vì có chung tầm nhìn, lý tưởng, mục tiêu sáng lập startup, nhưng theo thời gian, những điều đó là chưa đủ. Họ cần ở đồng sáng lập của mình, có bộ năng lực bổ khuyết lẫn nhau, khả năng nhanh nhạy giải quyết vấn đề, và tư duy học tập nhanh chóng các bộ kỹ năng cần thiết của mình để đưa startup cất cánh. Đặc biệt là khi startup phát triển hơn một chút, đội ngũ được mở rộng, nhiều nhân viên mới được tuyển vào cũng nhận thấy đồng sáng lập không đủ giỏi và thuyết phục để họ lắng nghe, và làm việc cùng, thì sẽ khiến mọi thứ trở trên rất “nhạy cảm” cho sự căng thẳng leo thang. Tôi sẽ chia sẻ thêm trong bài Daily Catchup tiếp theo về đề tài khó mà quan trọng này.


Trên đây là 5 lý do quan trọng thường tìm thấy trong các mối quan hệ căng thẳng của các đồng sáng lập tại startup. Đọc đến đây, các nhà sáng lập có tìm thấy mình trong những lý do này không? Nếu có, thì hi vọng mọi người có thể có những hành động thay đổi kịp thời để gìn giữ mối quan hệ tin tưởng ban đầu giữa các đồng sáng lập của mình nhé! Yeah, Keep fighting!!

bottom of page