Trong quá trình đồng hành với nhiều startup từ những ngày đầu ở giai đoạn Seed, đi qua series A rồi tới series B, tôi được lắng nghe nhiều chia sẻ từ các nhà sáng lập startup về thách thức “cải tiến” đội ngũ để có năng lực phù hợp hơn khi công ty bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trên thực tế có nhiều nhân viên đã từng phù hợp với công ty ở giai đoạn đầu, nhưng không phát triển kịp với tốc độ phát triển của công ty, để rồi họ đã trở thành nhân lực không còn phù hợp với công ty ở giai đoạn mới. Tuy nhiên có nhiều nhà sáng lập loay hoay trong quá trình “cải tiến” đội ngũ này, khiến mọi thứ càng trở trên khó khăn hơn cho cả cá nhân và tổ chức.
Fred Wilson - Đồng sáng lập của quỹ đầu tư Union Square Ventures đã từng chia sẻ rằng, startup trong quá trình phát triển mở rộng của mình, có thể phải trải qua việc “cải tiến” đội ngũ khoảng 3 lần. Có nghĩa là, đội ngũ từ những ngày đầu tiên sẽ bị thay thế bởi đội mới, rồi chính những đội mới này cũng có thể sẽ lại bị thay thế bởi đội ngũ mới, khi công ty bước sang những giai đoạn phát triển mới. Điều này nói lên một sự thật dù khó chấp nhận được đối với cả nhà sáng lập rằng, những người anh em đồng hành với mình những ngày đầu, có thể một ngày nào đó họ sẽ phải rời đi, vì không còn phù hợp nữa. Nhưng chỉ khi chấp nhận được sự thật này, thì nhà sáng lập mới có thể đối diện một cách dũng cảm hơn với việc “cải tiến” đội ngũ của mình.
Nói dễ hơn làm rất nhiều vì trên thực tế, có nhiều nhà sáng lập đã chần chừ, để những người quản lý, lãnh đạo gắn bó với mình từ những ngày đầu, ở lại công ty lâu hơn mức nên làm, trong khi năng lực của họ từ lâu đã không còn phù hợp với công ty nữa. Các nhà sáng lập có thể đã kỳ vọng họ có thể phát triển năng lực bản thân để phù hợp với sự phát của startup. Nhưng thực tế là không, startup có thể phát triển theo cấp số nhân, trong khi bản chất con người chỉ có thể phát triển tuyến tính theo thời gian. Việc họ tiếp tục ở lại sẽ có thể trở thành nút thắt cổ chai cho sự phát triển của startup. Đặc biệt, khi những người này vẫn giữ vị trí lãnh đạo hay quản lý cấp cao trong công ty. Trong bài viết trước, tôi có chia sẻ tâm lý của những người giỏi là muốn làm việc ở môi trường có nhiều người giỏi bằng hoặc hơn mình. Không ai giỏi thực sự mà chịu làm việc dưới người yếu kém hơn mình cả. Do đó, khi công ty muốn tuyển những A Player - nhân tài hạng A về đầu quân để tiếp tục đưa công ty phát triển trong giai đoạn mới, chắc chắn những nhân tài này sẽ không cảm thấy thoải mái nếu làm việc dưới những người quản lý lãnh đạo yếu kém cả.
Trong trường hợp này, nhà sáng lập sẽ phải đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là, họ sẽ phải sa thải người đó. Hai là, tuyển người giỏi hơn là A player mới vào làm “sếp” của người đó. Tất nhiên cả hai lựa chọn này, đều có thể gây ra nhiều tổn thương cho những người trong cuộc, cho văn hoá và năng lượng tích cực trong tổ chức. Do đó, có một cách làm vô cùng sáng tạo và hiệu quả, giúp giảm đi tính “sát thương” trong công cuộc “cải tiến” đội ngũ của startup trong giai đoạn mới. Đó là, nhà sáng lập cần chủ động nói chuyện với những ngân viên của mình, về ngày cuối cùng của họ tại công ty sớm nhất có thể, và tốt nhất là vào ngày đầu tiên họ vào công ty bắt đầu làm việc. Dưới đây là gợi ý nho nhỏ cách mở đầu câu chuyện này một cách hiệu quả.
Chào mừng bạn tới công ty làm việc ngày đầu tiên. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng thẳng thắng, nói về ngày làm việc cuối cùng của bạn tại đây. Như bạn cũng biết, công ty chúng ta là một công ty startup, có tốc độ phát triển mỗi năm trung bình là 5x. Nghĩa là nếu như năm trước chúng ta phục vụ 10,000 khách hàng, năm nay chúng ta có thể sẽ được phục vụ 50,000 khách hàng, năm tới sẽ là 250,000 người, và có thể hơn thế nữa. Có nhiều người đã phải ra đi vì không còn đủ năng lực phù hợp với tốc độ phát triển này của công ty. Tuy nhiên chúng ta cần cam kết với nhau là công ty sẽ tạo điều kiện để bạn phát triển nhanh nhất, để đi cùng với công ty lâu nhất có thể và bạn cũng sẽ nỗ lực để phát triển năng lực để giữ mình luôn phù hợp với công ty. Tuy nhiên khi tới thời điểm bạn không còn phát triển kịp nữa, thì chúng ta hứa với nhau sẽ cởi mở và chấp nhận cuộc nói chuyện khác về ngày cuối cùng của bạn ở công ty nhé!
Tôi tin rằng, cách tiếp cận trên đây rất độc đáo sáng tạo và cũng rất thẳng thắn, hiệu quả để triển khai với bất kỳ nhân tài nào được tuyển vào công ty. Nó giúp người đó hiểu được kỳ vọng của công ty vào sự phát triển không ngừng của mình, để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh qua mỗi giai đoạn của startup. Cũng như chuẩn bị trước tâm lý cho ngày mình có thể không còn phù hợp nữa để đón nhận nó một cách ít tổn thương nhất. Và đường nhiên, những lời nói này cũng là cách giúp họ lên tinh thần chiến đấu, luôn cố gắng làm việc hết mình để ngày đó đến lâu nhất có thể. Yeah, keep fighting!!