top of page

Hệ sinh thái startup Indonesia và 3 điều tôi ấn tượng nhất

Vừa qua các thành viên trong quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi đã có chuyến công tác đáng nhớ tại Indonesia. Chúng tôi đã tới thăm và có những buổi họp thảo luận sôi nổi với các nhà sáng lâp startup mà quỹ chúng tôi đã đầu tư và đồng hành tại đây. Trong quá trình tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập trong chuyến công tác này, tôi được học hỏi rất nhiều điều ý nghĩa để mang trở về, để chia sẻ lại với mọi người trong hệ sinh thái startup tại Việt Nam mình. Dựa trên những trải nghiệm, tìm hiểu và quan sát toàn bộ hệ sinh thái startup tại đây, tôi đã rút ra được 3 điều tôi đặc biệt ấn tượng nhất muốn chia sẻ tới mọi người dưới đây, thông qua bài blog Daily Catchup ngày hôm nay.

Nhắc đến Indonesia, chắc hẳn các bạn đều không cảm thấy xa lạ gì, vì đây là đất nước cùng ở trong khu vực Đông Nam Á, rất gần với Việt Nam, và chỉ cách chúng ta khoảng hơn 3 giờ bay từ thành phố Hồ Chí Minh tới thủ đô Jakarta. Nếu không tính Singapore - nơi mà rất nhiều startup trong khu vực bao gồm cả Việt Nam chọn là nơi để đăng ký trụ sở chính, thì Indonesia thực sự là đất nước có hệ sinh thái startup năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Google, Temasek, và Bain&Co vào năm 2019, thì thị trường Indonesia đã huy động được nhiều vốn đầu tư khởi nghiệp nhất trong khu vực, và xu hướng này dự báo vẫn sẽ còn tiếp diễn ít nhất là tới năm 2025. Dù năm 2022 vừa qua cũng được gọi là năm của “Mùa đông gọi vốn” đối với các startup tại Indonesia, nhưng thị trường này cũng đã huy động được tổng cộng hơn 4.2 tỉ USD. Bên cạnh đó, hiện nay Indonesia đang là cái nôi của 14 startup kỳ lân. Trong đó có một vài startup nổi bật có hoạt động tại Việt Nam, như là Gojek (thuộc Goto), Traveloka, Kredivo. Chỉ tính riêng năm ngoái 2022, mặc dù thị trường tài chính không thuận lợi, nhưng Indonesia cũng có đến 2 startup công nghệ thông báo lên sàn chứng khoán là GoTo (tháng 4) đã huy động được 1.1 tỉ USD và Blibli Ticket (tháng 11) đã huy động được hơn 510 triệu USD. Để chắp cánh cho hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và quy mô lớn như vậy, không thể không kể đến sự hậu thuẫn về dòng tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm cả nội và ngoại tại đây. Đây cũng là một thị trường phát triển có nội lực khi theo thống kê năm 2021, chỉ riêng các quỹ nội hoạt động trong hệ sinh thái startup tại đây, đã lên tới con số 129 quỹ đầu tư. Đặc biệt trong đó, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia vào tháng 12 năm 2021 đã thông báo ra mắt Quỹ Merah Putih (MPF) - là một quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ hậu thuẫn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các startup “soonicorn” với mức định giá hơn 200 triệu USD bằng cách cung cấp những khoản đầu tư lớn từ 10–50 triệu USD cho mỗi một công ty.


Có lẽ chính vì hoạt động trong một hệ sinh thái phát triển năng động và nhiều cơ hội về vốn như vậy, mà điều tôi ấn tượng đầu tiên là, các nhà sáng lập startup tại Indonesia giao tiếp tiếng Anh tương đối tốt, cùng với khả năng nhanh nhạy khéo khéo, giúp họ tự tin gây ấn tượng và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Việc lớn lên trong một đất nước với hơn 300 nhóm sắc tộc, văn hoá kết hợp hài hoà giữa nhiều văn hoá đến từ người gốc Mã Lai với tôn giáo chủ đạo là Đạo Hồi, người gốc Hoa,… đã giúp họ quen với việc tự tin tiếp xúc với nhiều người “lạ” với ngôn ngữ và văn hoá khác với mình. Bên cạnh đó, các nhà sáng lập startup tại đây phần đông là họ người ưu tú, đã từng du học và sinh sống ở nước ngoài, có mục tiêu lớn trở về đất nước để khởi nghiệp. Do đó, tiếng Anh không phải là rào cản cho họ tiếp xúc với các nhà đầu tư từ nước ngoài. Điều tôi có thể cảm nhận ở những nhà sáng lập này, là họ không cần phải “gồng” quá nhiều để giao tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài, mà với họ khá thoải mái và quen thuộc, và đây là tiền đề quan trọng để họ có được sự tự tin và gia tăng tính thuyết phục trong giao tiếp với đối phương.


Điều ấn tượng tiếp theo là, các nhà sáng lập startup tại Indonesia đã có sự thay đổi lớn về tư duy, ban đầu là từ tập trung vào Top-line, rồi tới Bottom-line, và giờ là tập trung vào Cashflow. Trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” hiện nay, với câu chuyện không phải của riêng Việt Nam chúng ta, mà cả Indonesia cũng vậy. Gần 1 năm “mùa đông” trôi qua, đã khiến các nhà sáng lập trở nên thận trọng và tỉnh táo hơn. Họ tập trung vào việc phát triển kinh doanh, sức mạnh nội tại, tính bền vững của mô hình kinh doanh hơn, không để mình phải phụ thuộc quá nhiều vào gọi vốn từ bên ngoài. Do đó, để làm được vậy, đòi hỏi họ phải tập trung nhiều hơn vào dòng tiền - Cashflow giúp họ có thể tự lực và tự cường được.


Cuối cùng, tôi có ấn tượng là Indonesia hiện nay đã bước vào giai đoạn 2.0 của của hệ sinh thái khởi nghiệp, với sự tích luỹ kinh nghiệm khi các nhà sáng lập thế hệ đầu đã gây dựng các startup siêu kỳ lân và kỳ lân, từng bước đưa startup phát triển và exit được. Để giờ đây các nhà sáng lập thế hệ mới, dựa trên những niềm cảm hứng và kinh nghiệm tích luỹ đó, họ có tư duy phát triển business có chiều sâu và có sự đổi mới sáng tạo bứt phát hơn về mặt sản phẩm, không chỉ đơn thuần tham gia phân phối sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh đó là ở mỗi nhà sáng lập tôi gặp tại đây, họ cho thấy mình có tham vọng lớn bước ra thị trường nước ngoài từ sớm, sau khi đã xây dựng được vị trí dẫn đầu nhất định tại quê hương mình. Tuy nhiên, việc bước ra thị trường nước ngoài vẫn còn nhiều thách thức với họ, vì để có thể thực sự thành công, còn phụ thuộc rất lớn vào việc các startup có được hậu thuẫn lớn về vốn từ các nhà đầu tư, và khả năng tuyển dụng được nhân tài đứng đầu tại mỗi thị trường startup này mở rộng.


Trên đây là những chia sẻ của tôi đúc kết từ chuyến đi công tác Indonesia vừa qua với đội ngũ trong quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi. Hi vọng, những chia sẻ này có giá trị nho nhỏ, là gợi ý, là sự cổ vũ các nhà sáng lập startup Việt Nam chúng ta hãy cùng tiếp tục học hỏi và cố gắng để đưa vị thế của hệ sinh thái startup Việt Nam mình ngày càng lớn mạnh hơn, không để mình bị bỏ sau quá nhiều so với Indonesia nhé! Yeah, let’s keep fighting together!!

bottom of page