Tôi thường suy nghĩ về những yếu tố gì giúp cuộc sống của một con người trở nên tốt đẹp, thuận lợi, giàu có hơn trong khi người khác thì không, đó sẽ không chỉ đơn giản là câu chuyện của số phận an bài. Tôi cũng thường suy nghĩ về những yếu tố gì giúp một công ty ngày càng trở nên phát triển hơn trong khi những công thi khác thì không, đó sẽ không chỉ đơn giản là câu chuyện của thiên thời địa lợi nhân hoà. Mà sâu sắc hơn đó, chính là nằm ở chất lượng của những quyết định được đưa ra trong cuộc đời mỗi cá nhân và hoạt động doanh nghiệp. Có những quyết định có thể đảo ngược được, nhưng có những quyết định không thể đảo ngược được, nhưng lại khiến cho hướng đi của mỗi con người của doanh nghiệp thay đổi mãi mãi, tốt đẹp hơn hoặc tệ hơn. Do đó, tôi đã đào sâu vào tìm hiểu về 8 cái bẫy thường gặp, khiến chúng ta không thể ra được quyết định đúng đắn, từ đó là xây dựng 5 thói quen duy trì mỗi ngày giúp chúng ta trau đồi được năng lực ra quyết định sáng suốt hơn, để chúng ta luôn có được những quyết định chất lượng cao, giúp “điều hành “cuộc sống cá nhân và doanh nghiệp tốt hơn.
8 cái bẫy thường gặp khi ra quyết định
Theo bài nghiên cứu kinh điển được đăng trên Harvard Business Review cách đây đúng 25 năm về trước, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, tâm lý hành vi của con người, để đúc kết ra 8 cái bẫy dưới đây mà con người chúng ta thường gặp mỗi khi ra quyết định của mình. Do đó, đòi hỏi chúng ta luôn cần nhận thức sâu sắc 8 cái bẫy mình có thể “va” vào này, để luôn giữ cái đầu tỉnh táo, có cái nhìn quan sát sâu sắc tỏ tường, trước khi bắt đầu quá trình ra quyết định.
Bẫy mỏ neo (anchoring trap) khiến chúng ta bị ảnh hưởng khi ra quyết định dựa trên thông tin ban đầu là "mồi nhử" được cài cắm có dụng ý.
Bẫy nguyên trạng (statusquo trap) khiến chúng ta luôn muốn duy trì thái hiện tại, ngại thay đổi, ngay cả khi xuất hiện những phương án thay thế tốt hơn.
Bẫy chi phí chìm (sunk-cost trap) sẽ khiến chúng ta lún sâu vào thực hiện tới cùng lựa chọn sai lầm, do đã đổ nhiều nguồn lực vào sự lựa chọn đó rồi.
Bẫy củng cố chứng cứ (confirming evidence trap) khiến chúng ta chỉ tìm kiếm thông tin ủng hộ cho một quan điểm hiện tại và xem nhẹ thông tin có quan điểm trái chiều.
Bẫy đóng khung tâm lý (framing trap) khiến chúng ta bị đóng khung tâm lý, ra quết định dựa trên cách thông tin được trình bày.
Bẫy tự tin thái quá (overconfidence trap) khiến chúng ta đánh giá quá cao độ chính xác và khả năng phán đoán từ các thông tin mình có được.
Bẫy thận trọng (prudence trap) khiến chúng ta thận trọng quá mức khi ra quyết định trước sự rủi ro, thiếu chắc chắn của thông tin, từ đó làm cản trở việc quyết định đúng đắn.
Bẫy gợi nhớ (recallability trap) khiến chúng ta đánh giá quá mức sự lập lại về những sự kiện đã diễn ra trước đó.
5 thói quen quan trọng giúp nâng cao năng lực ra quyết định
Thói quen xác định và giữ vững những nguyên tắc về các giá trị và mục tiêu mình theo đuổi. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng, là North Star giúp chúng ta luôn tỉnh táo “bám vào”, tránh bị “đánh dạt” bởi bất kỳ cái bẫy nào trong 8 cái bẫy đã kể ở trên, trước việc quá nhiều thông tin, quá nhiều “tiếng ồn” trong hoàn cảnh có nhiều tác động bên ngoài, với nhiều thay đổi nhanh chóng xung quanh. Để từ đó, đảm bảo mọi quyết định của chúng ta cần phải được nhất quán với những hệ giá trị và kết nối sâu sắc với mục tiêu của mình.
Thói quen hình dung bản thân mình trong tương lai, có thể là 1 năm sau, 5 năm sau, thậm chí là 10 năm sau trước những quyết định này. Đây là thói quen quan trọng giúp chúng ta có năng lực đánh giá consequence - kết quả có thể xảy ra trong một khoảng thời gian đủ xa, để giữ mình sáng suốt ra quyết định không bị chi phối bởi cảm xúc bồng bột và với “phần thưởng” trước mắt. Mỗi một quyết định dù lớn hay nhỏ, đều sẽ có tác động ít nhiều tới cuộc sống của chúng ta. Do đó, trước mỗi quyết định đó, chúng ta cần phải đánh giá các khả năng có thể xảy ra trong tương lai với tầm nhìn đủ xa.
Thói quen dành thời gian để chiêm nghiệm rút ra bài học dựa trên kinh nghiệm có cả thất bại lẫn thành công. Mỗi một hành động đầu vào (input) của chúng ta đều sẽ cho ra kết quả (output), quá trình này sẽ mang lại những bài học quan trọng. Dù kết quả output không tốt, không thành công, thì ít nhất nó cũng “thành công” mang lại cho chúng ta những bài học, nếu chúng ta biết reflect - chiêm nghiệm. Tôi đã xây dựng thói quen cho mình dành mỗi ngày ít nhất 30 phút vào cuối ngày để chiêm nghiệm những bài học mình có được trong ngày. Tôi thường bắt đầu bằng những câu hỏi: Tôi đã học được gì? Có những điều gì chưa làm tốt? Nếu được chọn lại tôi sẽ làm cách nào khác đi mà có thể mang lại kết quả tốt hơn không? Đây chính là những câu hỏi giúp tôi nâng cao được năng lực ra quyết định, bằng việc tránh lập lại những quyết định sai lầm, cũng như gia tăng được sự “dẻo dai” linh hoạt trong tư duy khi luôn đi tìm những sự lựa chọn khác thay thế tốt hơn khi ra quyết định.
Thói quen luôn nhận thức được trạng thái tự tin của bản thân. Như đã đề cập ở trên 1 trong 8 cái bẫy thường gặp khi ra quyết định là Bẫy tự tin thái quá, khiến chúng ta không thể ra được quyết định đúng đắn. Con người chúng ta không thể nào đã biết hết mọi thứ trên đời, có nhiều thứ chúng ta không biết, và thậm chí chúng ta còn không biết những điều chúng ta không biết. Do đó, tôi luôn nhắc nhở chính bản thân mình, cố gắng giữ mình khiêm nhường, đặt ra những câu hỏi quan trọng, và lắng nghe chia sẻ từ người có kiến thức và kinh nghiệm hơn mình trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, là luôn cần liên tục chủ động đi tìm kiếm thông tin ở nhiều nguồn, trên nhiều hình thức. Để từ đó, dựa trên những thông tin mình đã biết và vừa có được, tôi cố gắng hình thành thói quen tìm kiếm ít nhất 4 sự lựa chọn khác nhau, để cân nhắc chọn ra điều tốt nhất cho mỗi quyết định quan trọng của mình.
Thói quen luôn duy trì cuộc sống khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần. Vì tôi tin rằng, con người chúng ta khó có thể liên tục ra được quyết định sáng suốt, đúng đắn trong một cơ thể và tinh thần “ôm yếu” được. Do đó, trong bài chia sẻ gần đây của tôi về cách tôi quản lý năng lượng để chạy “marathon” đường dài với startup, tôi có đề cập tới thói quen chạy bộ mỗi ngày để duy trì sức khoẻ và sức bền. Mỗi ngày, dù bận có bận tới mấy, tôi đều kỷ luật đều đặn dành ra 30 phút chạy bộ. Tôi thường chạy bộ vào buổi tối, sau khi kết thúc công việc của mình. Chạy bộ giờ đây đã thực sự trở thành sở thích của tôi mỗi ngày, khi đã giúp tôi có một sức khoẻ thể chất bền bỉ và một tinh thần tích cực. Đây cũng là điều quan trọng, giúp tôi luôn dồi dào năng lượng, làm việc với hiệu suất cao, và ra quyết định sang suốt trong mọi hoàn cảnh.
Trên đây là những chia sẻ tâm huyết của tôi về những điều mình học hỏi và chiêm nghiệm hơn 30 năm cuộc đời mình, từ các quyết định của bản thân, và của những người xung quanh tôi. Tôi luôn tin rằng, một khi mình có thể làm chủ các quyết định sáng suốt của mình, thì mình có thể làm chủ được vận mệnh và cuộc đời của mình. Do đó, hi vọng những chia sẻ về 8 cái bẫy thường gặp khi ra quyết định, và 5 thói quen duy trì mỗi ngày giúp chúng ta trau đồi được năng lực ra quyết định sáng suốt hơn, sẽ là những gợi ý nho nhỏ giúp chúng ta luôn có được những quyết định chất lượng cao trong cuộc sống cá nhân và công việc nhé! Yeah, just keep fighting!!!