top of page

Financial Projection: Chia sẻ về phương pháp hiệu quả dự phóng tăng trưởng cho startup

Xin chào các bạn! Sau khi đọc bài viết gần đây của tôi về Làm sao để kế hoạch tài chính có ý nghĩa thực sự với startup ở giai đoạn sớm khi gọi vốn? có nhiều nhà sáng sáng lập đã rất đồng cảm và chia sẻ với tôi về thách thức của họ trong việc cân bằng giữa tham vọng và tính thực tế khi dự phóng tăng trưởng. Việc không cân bằng tốt được 2 yếu tố này, khiến các nhà sáng lập có thể bị nhìn nhận là “bay bay” thiếu thực tế, ngây thơ với những con số dự phóng quá lạc quan, hoặc bị coi là không có tư duy của một startup có thể mở rộng với những con số dự phóng quá khiêm tốn. Liệu có phương pháp dự phóng nào khắc phục được việc này không?


Nguyên tắc cho việc lập bảng dự phóng tăng trưởng, cần phải có sự cân bằng giữa tính thực tế và tính tham vọng, giữa tầm nhìn dài hạn và ngắn hạn, kết hợp của các yếu tố bên ngoài và bên trong, của ngoại lực và nội lực. Để có thể cân bằng được những yếu tố này, startup có thể tiếp cận phương pháp dự phóng Top-down (Từ trên xuống) và Bottom-up (Từ dưới lên) khi dự phóng tăng trưởng trong tầm nhìn dài ngắn - trung và dài hạn.


Đầu tiên là với phương pháp dự phóng Top-down (Từ trên xuống). Đây là cách tiếp cận đánh giá tiềm năng tăng trưởng quy mô của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dự phóng doanh thu đạt được của startup dựa trên số % thị phần mà startup có thể chiếm lĩnh được trong đó. Có lẽ các nhà sáng lập cũng khá quen thuộc với cách tính toán TAM-SAM-SOM của startup trong thị trường mục tiêu, theo thứ tự Total Addressable (Tổng quy mô lớn nhất có thể tiếp cận) - Serviceable Available (Quy mô thực tế có thể phục vụ) - Serviceable Obtainable (Quy mô có thể chiếm lĩnh trước các đối thủ). Startup sẽ đặt ra mục tiêu doanh thu của mình dựa trên chính quy mô thị trường mà startup có thể chiếm lĩnh được trong khoảng thời gian đó. Có thể nói cách dự phóng tài chính này khá dễ thở dành cho các nhà sáng lập tự tin và lạc quan, đơn giản vì chỉ cần thực hành khảo sát quy mô các thị trường mục tiêu, cùng với xác định % thị phần startup được kì vọng sẽ chiếm lĩnh được trong thị trường đó. Tuy nhiên, điểm yếu của cách tiếp cận dự phóng này có thể khiến cho việc dự phóng tăng trưởng có phần lạc quan quá so với thực tế. Đặc biệt là với startup ở giai đoạn sớm, khi đối mặt với nhiều biến số, trong khoảng thời gian ngắn sẽ khiến việc dự phóng này khó có thể chính xác được. Do đó, startup có thể áp dụng cách làm này cho việc dự phóng trong tương lai 3~5 năm với tầm nhìn dài hạn hơn.


Cùng với đó, để khắc phục được điểm yếu của phương pháp dự phóng Top-down và để tìm ra điểm cân bằng phù hợp hơn, startup có thể cùng lúc áp dụng phương pháp dự phóng Bottom-up (Từ dưới lên). Đây là cách tiếp cận ít phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài thị trường, mà phần chính sẽ dựa vào tính nội tại của startup. Cụ thể, là dựa trên các dữ liệu ghi nhận kết quả kinh doanh thực tế trước đó, cùng với đánh giá năng lực/nguồn lực hiện có của doanh nghiệp, để dự phóng doanh thu, lợi nhuận trong tương lai. Ví dụ, nếu như startup có tốc độ tăng trưởng doanh thu theo tháng trung bình là 20%, trong điều kiện không có sự thay đổi nhiều về nguồn lực bỏ vào, thì startup sẽ có xu hướng lấy mức tăng trưởng đó làm base để dự phóng tăng trưởng cho các tháng tiếp theo. Phương pháp này thường sẽ được dùng dự phóng tăng trưởng trong khoảng thời gian ngắn hạn hơn, theo tháng và thường là dưới 2 năm. Trong khi có ưu điểm là đảm bảo được việc bám sát vào sức mạnh nội tại và tình hình thực tế của startup, thì phương pháp dự phóng Bottom-up có một điểm yếu là, khiến các con số dự phóng có phần thận trọng, hơi khiêm tốn, nên không đủ làm các nhà đầu tư hào hứng để cân nhắc đầu tư. Đó là lý do vì sao, startup có thể linh hoạt kết hợp cả hai phương pháp Top-down (Từ trên xuống) và Bottom-up (Từ dưới lên) để tìm ra được điểm cân bằng phù hợp nhất khi dự phóng tăng trưởng cho startup trong mục tiêu từ ngắn tới dài hạn.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về phương pháp hiệu quả dùng để dự phóng tăng trưởng cho startup. Hi vọng đây là những gợi ý nho nhỏ có ích giúp các nhà sáng lập có thể chuẩn bị lập kế hoạch tăng trưởng phù hợp gia tăng được tính thuyết phục khi giao tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng nhé! Yeah, chúng ta cùng nhau just keep fighting vì điều này nhé!!

bottom of page