top of page

Zunzun Brainstorming: Đi tìm cơ hội cho startup tham gia thị trường sách ở Việt Nam

Xin chào các bạn! Trong những ngày nghỉ vừa qua, tôi có ghé thăm một vài hiệu sách ở Sài Gòn. Nhận thức được vai trò to lớn trong việc truyền tải trí thức của sách, từ đây, với “bệnh nghề nghiệp” của mình, tôi liên tục đặt cho mình những câu hỏi, làm thế nào để tăng được quy mô thị trường sách, làm sao để tăng Cung, tăng Cầu, giúp cho thị trường sách phát triển hơn nữa tại Việt Nam. Do đó, tôi xin phép được chia sẻ một vài khảo sát của mình về cơ hội và vai trò tham gia của startup trong thị trường này, qua bài Daily Blog hôm nay nhé!


Đầu tiên, chúng ta hãy cùng dạo qua một vài vòng tìm hiểu thông tin khái quát của thị trường sách của Việt Nam mình nhé! Trong năm 2022, Việt Nam có tất cả 57 nhà xuất bản, xuất bản gần 600 triệu bản sách. Trong đó, có gần 540 triệu bản là ấn phẩm in, 32 triệu bản ở dạng điện tử. Với sự tham gia của 2000 đơn vị phát hành trên 519 triệu cuốn sách, tại thời điểm đó, tính trên bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam đọc khoảng 6 cuốn 1 năm. Đây là một con số rất đáng khích lệ, là mục tiêu lâu năm của ngành Xuất bản lần đầu tiên đạt được. Khi nhìn sang thị trường khác, người Mỹ trung bình đọc 12.6 cuốn trong năm 2021, hay người Nhật đọc trung bình 12~13 cuốn trong 1 năm, thì nhận thấy chúng ta vẫn cần phải cố gắng hơn nữa. Không dừng lại ở đó, tổng quy mô thị trường xuất bản sách của Mỹ đạt được 27.6 tỉ USD, còn của Nhật là 11.1 tỉ USD trong năm 2022, thì của chúng ta thực sự còn rất khiêm tốn. Tổng doanh thu toàn ngành này của Việt Nam chỉ đạt gần 4000 tỉ đồng (khoảng 166 triệu USD). Từ thông tin khảo sát này, với đầu bài là làm sao tăng được số lượng sách đọc mỗi người Việt đọc và từ đó là quy mô thị trường sách hơn nữa, về nguyên tắc chung lời giải sẽ cần được tiếp cận song song 2 cách: Tăng Cung (đầu sách) chất lượng cao với nhiều lựa chọn; Phân phối Cung đó một cách hiệu quả nhất để mọi người dễ tiếp cận.


Với bài toán tăng Cung, về cơ bản sẽ có 2 lời giải chính: Tích cực nhập khẩu - dịch ra tiếng Việt các đầu sách chất lượng cao ở nước ngoài; Khuyến khích tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao được viết trong nước bởi người Việt. Chúng ta hãy cùng xem cách nước Nhật và Hàn, đã tăng Cung đầu sách, bằng cách đầu tiên như thế nào nhé! Từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước, hầu hết những tác phẩm kinh điển quan trọng từ tiếng Đức đã được người Hàn dịch sang tiếng Hàn. Còn ở Nhật, những tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới hầu như lập tức được dịch sang tiếng Nhật. Với lời giải thứ hai, là khuyến khích nhiều tác phẩm chất lượng trong nước. Thì đây là lời giải cần nhiều thời gian hơn để giải thách thức Con Gà - Quả Trứng của việc Cung - Cầu, còn ít số lượng tác giả viết sách vì… sợ viết không nhiều người mua đọc, hay thu nhập chưa đủ để người viết chuyên tâm tạo ra tác phẩm chất lượng cao.


Do đó, trong khi cần thời gian để gỡ thách thức Con Gà - Quả Trứng này, thì chúng ta có thể tiến hành song song “bắc cầu” đưa Cung (sách) tìm tới nhiều Cầu (người đọc), để tăng Cầu hơn nữa, thông qua chiến lược phân phối hiệu quả. Chiến lược phân phối ở đây cần theo nguyên tắc: Đa dạng hoá và dễ tiếp cận. Bên cạnh sách giấy truyền thống, tin mừng là các nhà xuất bản đã quan tâm tới việc xuất bản sách điện tử hơn khi có 19/57 nhà xuất bản trong cả nước tham gia đăng ký xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử, tăng 72,7% so với năm 2021. Số xuất bản phẩm điện tử cũng theo đó tăng lên 45,6% trong năm 2022. Bên cạnh đó, mảng sách tinh gọn và sách thường thức cũng được các nhà xuất bản đẩy mạnh, giúp người đọc tiếp cận với sách một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, trong chiến lược phân phối, chúng ta sẽ cần đẩy mạnh nhận thức (awareness) từ đó tạo ra quan tâm hứng thú của người đọc thông qua chiến lược truyền thông phù hợp với những cuốn sách mới chất lượng cao được xuất bản. Tôi thường xuyên theo dõi chương trình Have a Sip của Vietcetera, với những khách mời là người “nhiều chữ” đa phần là người viết sách, họ tới chia sẻ và giới thiệu về những cuốn sách họ viết để mang sách tới gần độc giả hơn. Tôi tin rằng, trong khi chờ kết quả ra trái từ nỗ lực nhiều năm phát triển văn hoá đọc kích Cầu đọc sách, cách tạo Cung (sách) và phân phối Cung đó tới Cầu một cách hiệu quả là lời giải chúng ta có thể thực hiện từng bước được luôn.


Dựa trên thông tin khảo sát tìm ra lời giải để phát triển thị trường sách tại Việt Nam, câu hỏi tiếp theo tôi đặt ra là startup có những cơ hội nào, với vai trò tham gia ra sao để góp phần phát triển thị trường này? Góp phần mang tới gợi ý cho những nhà sáng lập nhạy bén tại Việt Nam, tôi đã thử khảo sát một vài startup có sự phát triển ấn tượng ý nghĩa nhất trên thế giới, khu vực, và tại Việt Nam.


Perlego là công ty đến từ Anh, cung cấp thư viện trực tuyến, dành cho sinh viên quyền truy cập không giới hạn đến hơn 650.000 sách học thuật với các công cụ học tập tích hợp. Startup này theo đuổi mô hình tạo doanh thu từ subscription, ở đó người dùng trung bình sẽ đăng kí gói sử dụng theo tháng, hoặc năm, với trung bình 8 USD một tháng. Startup này đã huy động được tổng cộng 65,7 triệu USD tới nay. Perlego tham gia với vai trò phân phối Cung (sách học thuật) tới Cầu (học sinh, sinh viên).


Wattpad là công ty đến từ Canada, cung cấp nền tảng kết nối người đọc và người viết, tập trung vào nội dung phi học thuật. Cụ thể, nền tảng này khuyến khích người viết sáng tạo ra nội dung và xuất bản sách của mình, từ đó hỗ trợ họ phân phối những cuốn sách đó tới hơn 85 triệu thành viên đăng kí sử dụng trên toàn cầu. Startup cũng theo đuổi mô hình tạo doanh thu chính từ subscription, ở đó người dùng sẽ trả theo các gói sử dụng theo tháng, với mức phí bắt đầu tư gần 5 USD/tháng. Startup này đã huy động tổng cộng 117.8 triệu USD tới nay. Wattpad tham gia với vai trò tạo Cung và phân phối Cung (tăng người viết - tăng đầu sách) tới Cầu (người đọc) trên nền tảng của mình.


Ở Việt Nam, chúng ta cũng có nền tảng Waka với hơn 3.5 triệu thành viên sử dụng để đọc và nghe nội dung sách từ hơn 20,000 kho nội dung điện tử đa dạng phong phú, trên nền tảng của mình. Tôi ấn tượng với cách Waka thiết kế chính sách thu phí khá linh hoạt cho người đọc, khi cung cấp gói đọc theo ngày chỉ từ 2,000 vnd, tới đọc theo tuần, theo tháng, theo quý và theo năm. Waka cũng có cộng đồng những người viết nội dung, và hỗ trợ phân phối những cuốn sách chất lượng cao họ tạo ra. Có thể nói Waka đã tham gia với với vai trò Phân phối Cung (sách) tới Cầu (người đọc) và góp phần kiến tạo thêm Cung (tạo ra cộng đồng, sân chơi cho người đam mê viết sách) tại Việt Nam.


Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng nhất với Storial. Đây là startup đến từ đất nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia. Startup này cung cấp nền tảng sáng tạo nội dung sách, và phân phối nội dung sách đó tới người đọc của mình. Hiện nay, startup này có ít nhất 500,000 người dùng với hơn 130,000 đầu sách khác nhau. Trung bình mỗi ngày, nền tảng này tạo ra thêm 50~70 đầu sách mới. Indonesia cũng có quy mô thị trường sách còn khiêm tốn khoảng 659 triệu USD. Với quy mô dân số gấp khoảng 2.7 lần Việt Nam, tính trên đầu người chi trả khoảng 2.4 USD cho tiền sách mỗi năm, trong khi Việt Nam là khoảng 1.6 USD. Nói vui thì đều bằng… khoảng 1 cốc trà sữa, tuỳ từng quán ngồi uống. Storial mong muốn tạo ra nền tảng giúp người dân Indonesia của mình, đặc biệt ở các vùng đảo xa, khó kết nối với các trung tâm thành phố chính, có thể dễ dàng tiếp cận sách với chi phí phải chăng hơn. Startup này theo đuổi mô hình kinh doanh tạo doanh thu chính từ subscription trả phí, nhưng theo một cách sáng tạo hơn, để phù hợp với đặc tính thị trường đang phát triển như Indonesia. Cụ thể, bên cạnh nội dung freemium miễn phí, startup này thu phí với phần nội dung premium, cho mỗi chương, người đọc sẽ chỉ cần trả khoảng 0.13 USD (khoảng 3,250 vnd). Thay vì phải bỏ tiền mua cả cuốn sách để đọc, mà hầu như khó đọc hết trọn vẹn, thì người đọc chỉ cần chia ra trả một số tiền nhỏ, để đọc những chương mình muốn đọc. Để tạo thêm doanh thu cho nền tảng, họ cũng bán trọn vẹn cả sách vật lý, hay bán bản quyền tác giả (IP) và chia sẻ lại lợi nhuận (50%) trên mỗi doanh thu có được cho chính tác giả. Nhà sáng lập này cũng chia sẻ kế hoạch mở rộng Storial sang Malaysia, Singapore, Thailand và Philippines trong thời gian sắp tới.


Trên đây là một vài khảo sát chia sẻ của tôi, xuất phát từ chuyến đi thăm hiệu sách của mình trong kì nghỉ vừa qua. Hi vọng, những chia sẻ này sẽ là những gợi ý nho nhỏ gửi tới các nhà sáng lập bản lĩnh có mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này, để tham gia đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường sách tại Việt Nam sắp tới. Yeah, hãy cùng Keep Fighting với Zunzun nhé!

bottom of page