Xin chào các bạn! Trong suốt quá trình đầu tư và đồng hành với các startup tới nay, tôi dần dần nhìn ra được hành trình tiến hoá phát triển của startup. Nhiều lúc nhìn lại, tôi cũng vô cùng bất ngờ vì có nhiều startup đã thay đổi rất khác so với những suy nghĩ và dự đoán ban đầu của tôi khi cân nhắc đầu tư. Chính những điều này làm tôi chiêm nghiệm sâu sắc về một “điểm mù” mà các nhà đầu tư VC chúng tôi dễ gặp phải. Đó là từ chối những cơ hội đầu tư startup tốt, chỉ vì nghĩ rằng thị trường đó không đủ lớn, trong khi không nhìn ra được tiềm năng mở rộng quy mô thị trường mục tiêu của startup trong tương lai.
Tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện được chia sẻ lại bởi quỹ OVP Partners về lý do họ từ chối đầu tư vào Starbucks ở giai đoạn sớm. Khi đó, Starbucks theo đuổi ý tưởng bán đồ uống cafe chất lượng cao với giá thành cao hơn các quán cafe truyền thống khác có mặt trên thị trường. Điều này khiến thành viên quỹ OVP Partners nghĩ rằng, Starbucks kinh doanh chuỗi bán lẻ cafe, nơi mà khách hàng vốn chỉ cần 25 xu là có một cốc cafe thông thường, không có lý do gì để phải trả tới 2 đô la tại Starbuck. Họ tin rằng cà phê vốn là mặt hàng commodity, nên không tồn tại thị trường đủ lớn có thể mở rộng cho sản phẩm premium - chất lượng và giá thành cao như vậy cho Starbucks khi đó. Và kết quả là họ đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra lợi nhuận đầu tư 500 lần với Starbucks. Có thể nói OVP Partners đã gặp phải “điểm mù” khi không nhìn ra cơ hội trong thị trường chưa được đánh thức thực sự - Sleeper Market. Cụ thể, đây là đặc điểm thị trường có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được nhìn nhận đầy đủ về tiềm năng ở hiện tại. Thị trường này cần những cú “huých” từ thay đổi hành vi, hình thành nên xu hướng và thị hiếu, cùng với việc thay đổi bối cảnh của đời sống xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự cởi mở trong chính sách của chính phủ,…Với Starbucks thì đó là sự thay đổi trong nhu cầu thưởng thức cafe với trải nghiệm cao cấp, khi chất lượng đời sống gia tăng kéo theo khả năng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ đó của khách hàng, đã khiến cho chuỗi cafe này liên tục mở rộng quy mô toàn cầu, từ đó là tạo ra lợi nhuận lớn như chúng ta thấy ngày nay.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên cân nhắc đầu tư vào BuyMed hơn 4 năm về trước. Khi đó, có nhiều người quan ngại rằng quy mô thị trường phân phối dược phẩm dành cho nhà thuốc không lớn, chiếm thị phần nhỏ hơn kênh phân phối qua bệnh viện, trong tổng quy mô thị trường dược phẩm tại Việt Nam. Có thể nói, quan ngại này xuất phát từ “điểm mù” khi chưa nhìn ra được tiềm năng từng bước mở rộng quy mô thị trường của startup. Có thể ở giai đoạn đầu, startup cần đi vào thị trường ngách quy mô còn nhỏ, thuận lợi để làm bàn đạp mở rộng quy mô lớn hơn nữa sau đó. Thực tế BuyMed đã chứng minh việc startup này đã từng bước mở rộng phân khúc khách hàng cho dịch vụ phân phối của mình, từ nhà thuốc tiến tới phòng khám, bệnh viện. Rồi tiếp theo, từ nhà thuốc, BuyMed lại đang tiếp tục mở rộng xuống tới phân khúc B2C - với người tiêu dùng trực tiếp thông qua hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ toàn diện. Ở đó, khách hàng dùng cuối có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ mua thuốc, hẹn gặp bác sĩ, mua bảo hiểm sức khoẻ,... ngay trên chính nền tảng của BuyMed.
Do đó, để tránh bị rơi vào “điểm mù” khi đánh giá tiềm năng quy mô mở rộng thị trường mục tiêu của startup, tôi thường nhắc nhở chính bản thân mình rằng, cần đào sâu tìm hiểu, suy nghĩ, từ đó là hình dung về sự thay đổi của thị trường trong tương lai. Cụ thể, là cần đánh giá kết hợp với tiềm năng “tiến hoá” mở rộng phân khúc khách hàng, khả năng xây dựng sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường mở rộng. Đặc biệt hơn nữa là cần nhìn ra được tiềm năng phát triển, bản lĩnh kiên trì của chính nhà sáng lập và đội ngũ, để không ngừng “tiến hoá”, tối ưu các tiềm năng mở rộng quy mô thị trường mục tiêu của startup trong tương lai. Hi vọng, thông qua bài viết Daily Blog hôm nay, tôi có thể gửi gắm những gợi ý quan trọng tới mọi người, và lời nhắn nhủ tới chính tôi khi cân nhắc đầu tư startup, sẽ luôn sáng suốt, vượt qua được những “điểm mù” này, để không bỏ lỡ những cơ hội đầu tư startup tốt của mình! Yeah, chúng ta cùng nhau just keep fighting vì điều này nhé!