top of page

SAFE: Tại sao đây không phải là hình thức huy động vốn “an toàn” được lựa chọn trong giai đoạn gọi vốn khó khăn hiện nay?

Vừa qua sau bài viết “Convertible Notes: Những điều quan trọng cần lưu ý ở hình thức gọi vốn này của startup”, tôi nhận được nhiều sự quan tâm đón đọc và nhận xét của mọi người. Trong số đó, có ý kiến nhận ra rằng, SAFE cũng là hình thức huy động vốn hay, bên cạnh Convertible Notes, đồng thời bày tỏ mong muốn tôi viết chia sẻ tiếp về SAFE. Tôi nghĩ rằng, nói SAFE là hình thức hay, là đúng nhưng chưa đủ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn gọi vốn hiện nay. Vì sao lại như vậy? Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình trong bài Daily Blog của mình hôm nay nhé!


Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điều cơ bản về SAFE nhé! SAFE được viết tắt từ Simple Agreement for Future Equity, trực dịch ra tiếng Việt là Thỏa thuận sơ lược cho vốn cổ phần tương lai. Đây là hình thức huy động vốn của startup, cho phép nhà đầu tư góp vốn có được quyền nhận cổ phần trong tương lai, dựa trên những điều kiện thoả thuận giữa 2 bên. Điều kiện cụ thể sẽ có thể bao gồm: mức trần định giá (Valuation Cap), mức % giảm giá (Discount rate), sự kiện kích hoạt chuyển đổi (conversion trigger). Sự kiện kích hoạt chuyển đổi sang sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư SAFE có thể là vòng gọi vốn chính thức có định giá (Priced round) tiếp theo hoặc sự kiện thanh khoản (liquidity event) như M&A hoặc IPO. Điều này có nghĩa là số tiền đầu tư của nhà đầu tư SAFE chỉ được chuyển đổi sang cổ phần khi sự kiện kích hoạt chuyển đổi kể trên được diễn ra. Bên cạnh đó, không giống hình thức Convertible Notes (Khoản vay Chuyển đổi), SAFE vốn không phải là khoản vay. Do đó, nhà đầu tư SAFE sẽ không được hoàn trả số tiền đã đầu tư, chưa nói đến việc không có kèm theo bất kỳ mức lãi suất cụ thể, trong một khoảng thời gian đáo hạn nào đó giống như Convertible Notes.


Hình thức SAFE được phát triển ở Thung lũng Silicon bởi Y Combinator từ năm 2013, như một cách để các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể nhanh chóng đầu tư vào một công ty startup tiềm năng “hot” nào đó, đảm bảo tiết kiệm thời gian và công sức cho các bên, đặc biệt là startup trong việc phải đàm phán hợp đồng và hoàn tất các thủ tục phức tạp. Trong trường hợp này, SAFE thường được đặt trong bối cảnh thị trường gọi vốn thuận lợi. Ở đó, với các quỹ đầu tư điều quan trọng hơn cả, là có được cơ hội đầu tư và được sở hữu cổ phần trong tương lai của startup. Đặc biệt, trong điều kiện thuận lợi đó, các công ty startup tiềm năng được kì vọng sẽ phát triển nhanh chóng. Từ đó là thu hút được các nhà đầu tư mới cho vòng gọi vốn tiếp theo, kích hoạt chuyển đổi cổ phần cho các nhà đầu tư SAFE.


Tôi vẫn còn nhớ, cách đây 2 năm thôi - năm 2021 là thời kỳ đỉnh cao bùng nổ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, với rất nhiều thương vụ đầu tư startup được diễn ra. Khi đó, SAFE là hình thức vô cùng được ưa chuộng sử dụng, đặc biệt là với các công ty startup ở giai đoạn sớm. Họ đều là những công ty “hot”, thu hút được nhiều sự quan tâm mong muốn đầu tư từ các bên. Cả startup và nhà đầu tư khi đó có xu hướng lựa chọn SAFE hơn, đơn giản không chỉ vì tính tiện lợi của SAFE, mà còn để tăng tính cạnh tranh khi các nhà đầu tư mạo hiểm đều mong muốn có được cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng đó một cách nhanh chóng hơn cả.


Tuy nhiên, 2 năm sau kể từ đó, 2023 lúc này hệ sinh thái startup lại đang ở trong một trạng thái đối nghịch - mọi thứ trở nên thận trọng và khó khăn hơn. Dòng tiền trở nên khan hiếm và các nhà đầu tư trở nên “kỉ luật”, đầu tư có chọn lọc hơn, dẫn đến việc khó đảm bảo startup nhanh chóng thuận lợi có được vòng gọi vốn priced round tiếp theo hay các sự kiện thanh khoản tốt để các nhà đầu tư SAFE có thể được kích hoạt chuyển đổi cổ phần. Việc không đảm bảo có sự kiện kích hoạt chuyển đổi cổ phần cho các nhà đầu tư, cộng với với yếu tố “không phải là khoản vay” của SAFE, sẽ khiến khoản đầu tư SAFE của các nhà đầu tư có thể bị mất trắng hoàn toàn. Bản thân Uỷ Ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cũng từng cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn thận với hình thức huy động vốn SAFE này, áp dụng riêng cho gọi vốn cộng đồng, nhưng cũng có thể áp dụng cho gọi vốn startup nói chung. Đó là lý do vì sao, tôi tin rằng rằng, so với Convertible Notes, SAFE không phải là sự lựa chọn “an toàn" theo cái tên, cho nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn gọi vốn khó khăn của startup hiện nay.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về hình thức huy động vốn SAFE - tưởng hay mà chưa phải là hay, nhất là trong giai đoạn khó khăn đặc thù hiện nay. Hi vọng, đây sẽ là những gợi ý quan trọng giúp các nhà sáng lập startup và nhà đầu tư khởi nghiệp cân nhắc để chọn ra hình thức huy động vốn phù hợp với tình hình của startup và thị trường nhé! Yeah, keep fighting!!!

bottom of page