Gần đây, có nhiều người sau khi đã đọc hơn 10 bài viết liên tiếp trong chuyên mục Daily Catchup with Zun của tôi, đã quan tâm và hỏi tôi rằng, công việc của tôi rảnh lắm sao mà có thể ngồi viết và chia sẻ bài viết mới đều đặn mỗi ngày như vậy? Thực sự, ngược lại là tôi không hề rảnh một chút nào, thậm chí tôi còn đang tập trung làm deal đầu tư nên mỗi ngày đều rất bận. Nhưng tôi vẫn cố gắng kỷ luật ngồi viết 30 phút trước khi đi ngủ mỗi ngày. Vì sao ư? Có rất nhiều lý do cho nỗ lực này của tôi, nhưng quan trọng một trong số đó là, tôi không cho phép mình sống hời hợt qua ngày. Bạn thử nghĩ xem, tôi sẽ có thể viết chia sẻ được điều gì nếu sống hời hợt trong ngày hôm đó? Thay vào đó, tôi phải sống và suy nghĩ thật sâu, để luôn có những quan sát, tìm ra bài học ý nghĩa, là tư liệu quan trọng để tôi nâng niu, chiêm nghiệm cuối ngày và từ đó là đúc kết ra những chia sẻ ý nghĩa mỗi ngày để gửi tới mọi người quan tâm, và thậm chí là cho cả chính bản thân tôi của nhiều năm về sau đọc lại.
Tôi có một nguyên tắc khi họp với các nhà sáng lập startup, dù là công ty mới gặp hay là các startup chúng tôi đã đầu tư và đồng hành. Đó là luôn dành thời gian chuẩn bị chu đáo trước buổi họp, bằng việc đọc trước các tài liệu, và tìm hiểu trước các thông tin liên quan. Vì đây là cách duy nhất để tôi không phải bước ra khỏi phòng họp trong trạng thái có lỗi vì đã hời hợt với thời gian nhà sáng lập đã dành với tôi. Tôi tôn trọng thời gian và công sức của nhà sáng lập. Tôi luôn muốn tối ưu hiệu suất thời gian họ dành với tôi.
Hôm nay, như mọi ngày, như mọi buổi họp với startup, tôi cũng kỉ luật chuẩn bị kỹ trước khi bước vào phòng họp. Trong buổi họp, có đoạn tôi đã chia sẻ thẳng thắn góc nhìn của mình, thì nhà sáng lập đó bỗng thốt lên rằng: “Góc nhìn của em đúng quá! Nó thực sự làm anh sởn cả da gà lên!”. Có lẽ cái cảm giác bất ngờ, phấn khích tự nhiên này sẽ không dễ dàng xảy ra với bất kì ai, nó chỉ xảy ra khi được đối phương thấu hiểu điều không dễ ai thấu hiểu, và được nói lên đúng điều mà mình luôn muốn được mọi người lắng nghe.
Và điều đó thật ra, chính là sự hiểu tường tận của tôi về từng tầng tầng lớp lớp của các chuỗi giá trị trong thị trường mục tiêu mà startup đang hướng đến. Nhà sáng lập khi đó không cần phải dành thời gian nhẫn nại giải thích cho tôi hiểu những điều cơ bản, mà tôi đã tìm hiểu trước đó, để có thể bắt đầu tung hứng trao đổi có ý nghĩa và chiều sâu với nhà sáng lập startup đó. Việc đặt ra nguyên tắc chuẩn bị chu đáo trước mỗi buổi họp với các nhà sáng lập startup, chính là một trong những cách giúp tôi không hời hợt trong những buổi họp như vậy.
Chính vì tôi luôn muốn tránh xa sự hời hợt, để theo đuổi chiều sâu của cuộc hội thoại thảo luận, nên thú thực là những buổi sự kiện hội thảo hay networking đông người không thể đi theo đúng nguyên tắc này của tôi. Tôi không thể “ngồi yên” trong 45 phút mà không có một thông tin mới và đủ chiều sâu nào xuất hiện. Hay tôi không thể “tung hứng” trao đổi thông tin với đối phương, trong khi xung quanh âm nhạc ồn ào, và mỗi người chỉ đi lướt qua nhau, chào nhau cái vội, để đi tới chỗ người khác để làm quen. Mọi cuộc hội thoại trong bối cảnh đó, chỉ dừng lại ở trên bền nổi, không đi sâu vào nội dung được. Đó là lý do vì sao có lẽ mọi người thường hay nói vui là những sự kiện thế này, thường là để đi tìm leads - đối tác tiềm năng, còn sau đó, có thể convert - chuyển đổi leads này sang đối tác thực sự hay không, thì tất cả sẽ phụ thuộc vào việc follow-up sau buổi đó.
Tôi cũng có nguyên tắc là không hời hợt trong đầu tư và đồng hành với startup mình dẫn dắt. Trong bài viết Daily Catchup gần đây của tôi về Suy nghĩ về trách nhiệm làm nghề đầu tư VC, tôi có chia sẻ về việc chính thiết kế chính sách thưởng - phạt khéo léo và rõ ràng, cùng với tầm nhìn ý nghĩa và tư duy đầu tư dài hạn của quỹ chúng tôi, luôn là động lực mạnh mẽ để tôi nói không với đầu tư hời hợt, đầu tư cho có tên trên cap table. Thay vào đó, chúng tôi luôn đầu tư có chọn lọc. Đã đầu tư rồi, thì trung thành đồng hành lâu dài. Khi startup cần mình, tôi sẽ luôn cố gắng bằng cách này hay cách khác, đóng góp giá trị, đồng hành hỗ trợ startup phát triển một cách bền vững.
Còn các nhà sáng lập startup thì sao? Có ai đang đọc tới đây cảm thấy “chột dạ” vì mình đã từng hời hợt không? Có thể là hời hợt với khách hàng của mình bằng những giải pháp sản phẩm, dịch vụ thiếu chiều sâu? Có thể là hời hợt với nhân viên của mình vì sự bận rộn với nhiều ưu tiên khác? Có thể là hời hợt với các nhà đầu tư, cổ đông của mình vì dù gì họ cũng đã rót vốn như “ván đã đóng thuyền” rồi? Tôi đã từng sống vội và hời hợt. Thực sự, điều còn lại duy nhất khi đó là cảm giác trống rỗng. Startup cũng vậy, tôi tin rằng, sống hời hợt với những điều đề cập ở trên, cuối cùng startup cũng sẽ khó phát triển với trọn vẹn và ý nghĩa được. Hi vọng thông qua bài viết ngắn này của tôi, tôi đã có thể chia sẻ một chút suy nghĩ nho nhỏ của mình, về mong muốn và ý nghĩa của việc theo đuổi cách sống có chiều sâu, không hời hợt từ góc nhìn cá nhân và startup.