Vừa qua tại Nhật Bản, các thành viên trong quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi đã có dịp ngồi xuống, cùng nhau thảo luận về việc xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Từ đây, tôi đã nhận ra rằng thực sự với bất kỳ một tổ chức đoàn thể nào, trong đó có startup đặc biệt cũng cần thiết lập những hệ giá trị này để phát triển bền vững hơn. Do đó, nhân dịp này, tôi xin bắt đầu một chuỗi bài viết về đề tài xây dựng Core Values từ bài Daily Catchup hôm nay nhé!
Core Value - Giá trị cốt lõi là những hệ giá trị định hướng các hành vi trong tổ chức. Những giá trị này đi cùng với tầm nhìn của doanh nghiệp muốn hướng tới, là nền tảng hình thành văn hoá, và từ đó là phản ánh qua các hành động cũng như năng lực của mọi người trong doanh nghiệp đó. Theo thời gian, những điều này sẽ hình thành nên DNA của chính doanh nghiệp bạn, đóng vai trò nền tảng quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, phân bổ nguồn lực, đưa ra những quyết định trong lúc khó khăn, giảm đi những căng thẳng nội bộ, giúp mọi người cùng nhìn về một hướng nhất quan trong hành động. Thậm chí là còn có thể trở thành thương hiệu, là lợi thế cạnh tranh phân biệt doanh nghiệp bạn với các doanh nghiệp khác trong thị trường.
Core Value với vai trò nền móng vô cùng quan trọng như trên, rất cần được các nhà sáng lập và đội ngũ của mình dành tâm huyết thực sự để thiết kế xây dựng những giá trị này cho startup mình. Trước khi bắt đầu hành trình xây dựng này, tôi muốn chia sẻ 6 nguyên tắc quan trọng, là tiền đề cơ bản cần có để startup thực sự có thể đi tìm được những giá trị cốt lỗi của mình một cách hiệu quả và ý nghĩa nhất.
Để tìm ra đúng những giá trị cốt lõi của mình, thì startup cần phải hiểu rõ: Tầm nhìn, Mục tiêu, Ví trí cùng với các điểm mạnh của doanh nghiệp mình trong thị trường. Các giá trị cốt lõi sẽ cần được xây dựng trên những điểm này.
Những giá trị này cần được khám phá và xây dựng bởi các thành viên trong startup. Không nên gò bó, giới hạn các giá trị trong đó để mọi người lựa chọn. Do đó, startup có thể thiết kế các buổi thảo luận mở, để mọi người cùng “brainstorm” ra những giá trị này.
Các nhà sáng lập cần đóng vai trò dẫn dắt cần cho thấy sự nghiêm túc của mình. Nếu không, các nhân viên sẽ tâm lý “đối phó” - làm cho có trong suốt quá trình xây dựng lẫn cả sau khi đi vào thực hành sau này.
Hành trình xây dựng giá trị cốt lõi này không được vội vàng, qua loa, làm cho xong thật nhanh. Mà cần sự hào hứng và kiên nhẫn, các nhà sáng lập cũng cần nói trước với các thành viên trong startup về điều này, để điều chỉnh kỳ vọng của mọi người.
Những giá trị cốt lõi cần rõ ràng, dễ hình dung, dễ nhớ và truyền cảm hứng. Tránh dùng những từ nghe chung chung, sáo rỗng. Để mọi người có thể “thẩm thấu” nhớ được hết những giá trị cốt lõi đó, thì cần chọn lọc ra khoảng 5 tới 10 những giá trị tiêu biểu và quan trọng nhất với startup của bạn.
Những giá trị cốt lõi này là nền tảng bền vững, nhưng cũng sẽ “tiến hoá” theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Do đó, startup cũng sẽ cần “update” những giá trị cốt lõi của mình để đảm bảo nó luôn phù hợp và truyền cảm hứng tích cực nhất.
Trên đây là những nguyên tắc cơ bản ban đầu để mọi người có sự chuẩn bị cần thiết cho hành trình xây dựng Core Value của startup mình. Tiếp theo, tôi xin gửi các nhà sáng lập danh sách các câu hỏi cơ bản, là “bài tập về nhà” cho mỗi người suy nghĩ tìm câu trả lời cho riêng mình, và 9 core values của Netflix mà tôi luôn đặc biệt yêu thích, trước khi bước vào bài Catchup tiếp theo nhé! Yeah keep fighting!!!
Đâu là tầm nhìn và mục tiêu của startup bạn?
Đâu là những điểm mạnh của startup bạn?
Đâu là 3 điều quan trọng nhất bạn kỳ vọng có ở mỗi người trong startup mình?
Đâu là những giá trị và hành động cần được thực hiện một cách nhất quán tại công ty, cho dù có được ghi nhận khen thưởng hay không, cho dù lúc công ty gặp thuận lợi hay khó khăn?