Vừa qua, tôi có dịp được ngồi họp thảo luận với một nhà đầu tư đến từ tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản. Không lấy làm ngạc nhiên, khi tôi nhận được câu hỏi về khả năng exit của startup tại Việt Nam. Tôi không ngạc nhiên, đơn giản vì tôi thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi như thế này từ nhiều nhà đầu tư ngước ngoài khác nhau trước đây. Và cũng vì là câu hỏi thường xuyên được nhận tới nay, cũng có thể tiếp tục sau này, và cũng là điều tôi thường xuyên đau đáu suy nghĩ tới, nên tôi quyết định ngồi xuống viết chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này, trong bài Daily Blog hôm nay.
Lý do vì sao Exit vẫn luôn là những câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong hầu hết các buổi họp với các quỹ đầu tư, với các startup, và trong đầu trong mỗi cá nhân chúng tôi trong hệ sinh thái, là vì thực sự Exit - sự kiện thoái vốn thành công của startup còn rất hạn chế, với số lượng case rất khiêm tốn tại Việt Nam tới nay. Hình thức thoái vốn chỉ được diễn ra khi có sự kiện thanh khoản (Liquidity event), cụ thể là thông qua hình thức bán lại cổ phần sở hữu cho bên thứ ba (Secondary Shares Sales), mua bán sáp nhập M&A, hoặc IPO. Hệ sinh thái chúng ta tới nay được đặt trong bối cảnh khan hiếm startup có thể đáp ứng với các điều kiện nghiêm khắc để IPO, cũng như khan hiếm dòng tiền lớn từ doanh nghiệp thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập chiến lược với startup tại Việt Nam. Với các quỹ đầu tư ở giai đoạn sớm, sự kiện thanh khoản này tới nay, đa số vẫn phụ thuộc nhiều vào hình thức bán lại cổ phần cho bên thứ ba, hoặc may mắn lắm thì có thể một hai lần exit được qua M&A. Thì với các nhà đầu tư ở giai đoạn muộn hơn, sự kiện Exit lại càng ít hơn vì khi đó định giá startup đã cao, không có nhiều bên muốn mua lại cổ phần của họ với mức giá đó, hay cũng không có bên có thể thực hiện M&A ít nhất là bằng với giá đó sau này. Mà bản chất mô hình kinh doanh của các quỹ đầu tư nói chung, là chỉ có thể tạo ra lợi nhuận, từ những hoạt động đầu tư có thể thoái vốn thành công được. Do đó, nếu các quỹ đầu tư không thể exit được thì hoạt động đầu tư của họ sau nhiều năm trời mà không tạo ra lợi nhuận thì họ sẽ mất đi niềm tin, động lực và đà để tiếp tục hoạt động đầu tư của mình.
Tôi cũng đã từng chia sẻ suy nghĩ của mình trong nhiều bài blog trước đây. Điều hệ sinh thái chúng ta đang thiếu không phải là những Unicorn - kỳ lân, mà là những sự kiện exit thành công của startup. Kỳ lân thực sự có ý nghĩa nếu không có lãi và không thấy cửa “exit” cho TẤT CẢ mọi người, trong đó có các nhà sáng lập, nhân viên công thần và các nhà đầu tư? Chúng ta rất cần những startup có thể phát triển với mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận bền vững hơn, và lộ trình exit rõ ràng hơn so với hiện nay. Điều này rất quan trọng, để giúp các nhà đầu tư có thêm niềm tin rằng hệ sinh thái startup Việt Nam tiềm năng thực sự, đồng thời để các thế hệ các nhà sáng lập tiếp theo có đủ niềm tin rằng có cơ hội thành công nếu họ khởi nghiệp. Nếu chúng ta không tạo ra được exit thành công, tôi e rằng chúng ta sẽ mãi tắc ở bài toán con gà - quả trứng cho hệ sinh thái startup. Cụ thể là, nếu không có những tấm gương thành công thực sự với khởi nghiệp, thì sẽ không có nhân tài dám dấn thân hết mình với khởi nghiệp, chúng ta sẽ không có những startup chất lượng với tiềm năng phát triển lớn, từ đó kết quả là sẽ không có niềm tin và dòng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư. Tiếp tục, nó sẽ tạo ra cái vòng luẩn quẩn, bế tắc không thoát ra được.
Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về exit của startup tại Việt Nam. Hi vọng, các nhà sáng lập đọc tới đây có thể hiểu được phần nào kì vọng của các nhà đầu tư, cũng như nhận ra được vai trò dẫn dắt niềm tin to lớn của mình, trong việc tạo ra những case exit thành công cho sự phát triển tuần hoàn của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mình. Yeah, keep fighting vì điều này nhé, các nhà sáng lập ơi!!