top of page

Cheap Growth: Giờ là cơ hội cho startup phát triển với chi phí rẻ hơn

Anh Andrew Chen - General Partner của a16z đã từng chia sẻ trong bài viết của anh về thời kỳ tăng trưởng nóng của startup cách đây vài năm về trước. Khi đó, chi phí xây dựng sản phẩm có thể đã rẻ hơn, nhưng chi phí để tăng trưởng startup ngày càng trở nên đắt đỏ. Với hai lý do quan trọng anh chỉ ra, là do tăng chi phí nhân sự và phụ thuộc vào thu hút người dùng thông qua kênh quảng cáo trả tiền. Đó là thời của dòng tiền rẻ, startup liên tục gọi được vốn nhiều hơn qua mỗi vòng với áp lực phải tạo ra tăng trưởng lớn hơn bằng mọi giá. Các công ty được hậu thuẫn về vốn từ các “ông lớn” sẽ tham gia một cuộc chạy đua “đốt tiền” vô cùng đắt đỏ để thu hút khách hàng mới và giữ chân những khách hàng đó. Trong một cuộc đua mà với nhiều người tham gia bỏ nhiều tiền vào đó, thì kết quả hiển nhiên là mọi người phải chi nhiều tiền hơn để đạt được mong muốn của mình.


Nhưng thời của dòng tiền rẻ đó đã qua. Bây giờ, là thời của dòng tiền ngày càng trở nên đắt đỏ. Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, thắt chặt tín dụng, dẫn đến việc tiếp cận với dòng vốn của startup vốn đã khó khăn, giờ lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này buộc startup phải đối mặt với sự lựa chọn duy nhất để có thể tiếp tục sống sót - cắt giảm chi phí, tập trung vào hiệu suất, mài giũa sản phẩm phù hợp với đúng khách hàng mục tiêu hơn để từ đó là tạo ra doanh thu thực sự mang về dòng tiền cho startup. Như hai mặt của một đồng tiền xu. Nhìn vào mặt tích cực của nó, thì hiện nay, startup không còn phải trong một cuộc đua với nhiều đối thủ nhiều tiền khác nữa như thời tiền rẻ, mà họ đang trong một cuộc đua với chính bản thân mình, ưu tiên tồn tại và phát triển về chất hơn. Trong cuộc “độc hành” này, startup đang có lợi thế phát triển với chi phí rẻ hơn trước.


Cụ thể, startup với áp lực của việc cắt giảm chi phí, trong đó có cả chi phí chạy quảng cáo để thu hút người dùng, buộc startup phải sáng tạo ra những cách thu hút người dùng một cách hiệu quả hơn. Ví dụ như, tạo ra nội dung viral, truyền miệng, tìm ra kênh phân phân phối chiến lược với mức chi phí rẻ hơn,…Bên cạnh đó, khi các đối thủ cũng gặp khó khăn tương tự hoặc hơn mình, họ cũng không đủ sức để “gồng” chi phí quảng cáo trả tiền đắt đỏ như trước nữa, khiến số người tham gia và số tiền bỏ vào quảng cáo sẽ giảm. Đây cũng là lợi thế khiến startup của bạn vẫn có thể thực hiện chiến lược quảng cáo dù trả tiền, nhưng sẽ bị trả tiền ít hơn, và mang lại hiệu quả hơn trước.


Không dừng lại ở đó, hơn bao giờ hết, giờ là lúc startup tập trung vào điều quan trọng nhất: Sản phẩm. Họ cần liên tục mài giũa sản phẩm để tốt hơn và điều chỉnh để phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu hơn. Từ đó là tiền đề để thuyết phục người dùng trả tiền sử dụng và rồi ở lại, tiếp tục sử dụng sản phẩm một cách trung thành. Không còn trong cuộc chạy đua khốc liệt như trước, giờ đây có thể các bên tham gia đều đã phần nào “đuối sức”, thì cũng là cơ hội cho startup với sản phẩm thực sự tốt, có thể “toả sáng” giữ chân được khách hàng ở lại.


Mặt khác, trước áp lực cắt giảm chi phí hiện nay, chúng ta hẳn cũng đã chứng kiến làn sóng các công ty từ lớn tới nhỏ phải cắt giảm nhân sự. Có thể nói, đây là lúc sự dịch chuyển nhân sự diễn ra mạnh mẽ nhất. Nhìn vào mặt tích cực, là startup có thể “tranh thủ” thu hút được nhân tài với chi phí ít cạnh tranh hơn trước.


Cuối cùng, khi mọi thứ trở nên khan hiếm, đắt đỏ hơn, thì chúng ta sẽ càng trân trọng nó. Tiền và cơ hội cũng vậy. Startup sẽ trận trọng dòng tiền hơn, bằng thắt chặt kỷ luật chi tiêu. Những người ở lại startup, sẽ trân trọng cơ hội mình được làm việc và cống hiến hơn nữa. Các nhà sáng lập, có lẽ cũng đã cảm nhận được, tinh thần chiến đấu “keep fighting” của đồng đội mình trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong lúc này.


Thế đó, “trong nguy luôn có cơ”, điều quan trọng là chúng ta luôn cần phải giữ tinh thần chiến đấu tích cực, tìm ra “ánh sáng” trong “mùa đông u ám” của gọi vốn khó khăn hiện nay. Cơ hội để tồn tại, để phát triển tổ chức hoạt động tinh giản hiệu quả đồng lòng, cơ hội để thu hút nhân tài và thuyết phục khách hàng với chi phí rẻ hơn… và rất rất nhiều cơ hội nữa, nếu như chúng ta không ngừng tìm kiếm thêm. Yeah, keep fighting nhé các startup ơi!

bottom of page