top of page

Chiêm nghiệm về cách nhà sáng lập startup phản ứng khi nhận Feedback

Vừa qua, tôi có dịp được gửi feedback của mình tới 2 nhà sáng lập khác nhau. Nhìn từ cách 2 nhà sáng lập này phản ứng lại với feedback của tôi đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về Ego (cái tôi) và vài trò Self-reflection (sự tự nhìn nhận lại bản thân) và Self-awareness (sự tự nhận thức bản thân) đối với các nhà sáng lập trong việc phát triển startup.

Chắc hẳn trong quá trình vận hành startup mỗi ngày các nhà sáng lập đều được nhận rất nhiều feedback, có thể đến từ khách hàng, đối tác, đồng sáng lập và team, và cả từ các nhà đầu tư của mình nữa? Trước rất nhiều feedback như vậy, đòi hỏi các nhà sáng lập luôn phải tỉnh táo nhận diện được đâu là feedback đúng và đâu là feedback không đúng, từ đó là phản ứng hiệu quả với chúng. Đặc biệt, sẽ có những feedback “thật-đắng-đau” sẽ cần các nhà sáng lập phải đối mặt một cách hiệu quả, để chuyển hoá chúng thành động lực tích cực giúp mình hoàn thiện tốt hơn.


Vậy làm sao có thể nhận diện được các feedback đó, đâu là đúng, tốt và đâu là sai, không tốt cho các nhà sáng lập và startup của mình?


Đầu tiên là dựa vào nguồn của feedback, xem feedback đó đến từ ai, có thể tin tưởng được người đó không? người đó có những động lực/động cơ gì là lý do để họ đưa ra feedback như vậy? Tiếp theo là, cần tìm ra những Pattern - những điểm giống nhau trong các feedback đó mà mình đã được nhận từ trước tới nay. Nếu như nhà sáng lập được nhận cùng 1 feedback trên 3 lần, từ các nguồn có thể tin tưởng được thì họ cần phải nghiêm túc tự nhìn nhận lại bản thân mình.


Lý thuyết là vậy, nhưng tại sao trên thực tế các nhà sáng lập rất khó chấp nhận những feedback “thật-đắng-đau” từ người khác như vậy?


Đầu tiên là Ego - “cái tôi” khiến khó chấp nhận sự thật đó. “Cái tôi” này luôn có những kỳ vọng mọi thứ trở nên theo ý mình. Nên khi gặp những điều thu nhận được mà không theo ý mình, nó sẽ có “rào chắn” - tìm lý do bao biện cho việc chặn nó lại - để bảo vệ cho kỳ vọng của mình. Chính việc phản ứng bảo vệ “cái tôi” này, dễ dẫn đến hệ quả là đối phương cảm thấy khó có thể feedback tiếp, và từ đó là không còn muốn feedback cho nhà sáng lập nữa.


Đặc biệt, còn có những lý do nguy hiểm nữa, là trong quá trình hình thành văn hoá startup, và quá trình tuyển dụng mang nhiều “Network effect” (hiệu ứng của việc những người được tuyển vào tiếp theo sẽ có xu hướng giống và được phản chiếu từ chính những người được tuyển vào ban đầu và từ các nhà sáng lập), khiến văn hoá startup có xu hướng bị đồng hoá bởi những người giống nhau. Mặt khác, nếu startup theo đuổi phong cách tổ chức theo cấp bậc cao thấp, thì các nhà sáng lập sẽ khó nhận được các feedback một cách thẳng thắn từ bên dưới của mình. Đây chính là các nguyên nhân tạo ra “điểm mù” khiến nhà sáng lập khó nhận được những feedback phản ánh thực tế nhất hiện trạng của mình và startup một cách thường xuyên. Nên khi họ đột ngột nhận được feedback nào đó - khác với cái họ hay nhận được, họ sẽ có xu hướng “tự vệ” - tự bảo vệ mình trước những feedback đó bằng “lá chắn Ego” của mình.


Do đó, có lẽ dựa trên các nguyên nhân chỉ ra ở trên, mọi người có lẽ sẽ dễ dàng nhanh chóng kết luận rằng, vậy để các nhà sáng lập luôn sáng suốt đón nhận các feedback đúng từ những người tin tưởng xung quanh, họ sẽ cần hạ thấp “cái tôi” của mình xuống, sau đó là xây dựng văn hoá đa dạng, tổ chức “cởi mở” với các feedback? Đúng, nhưng đây là câu trả lời thiếu tính thực tế và khó có thể dễ dàng áp dụng được luôn. Tôi xin được gợi ý tới các nhà sáng lập cách làm thực tế hơn và có thể bắt đầu áp dụng luôn từ ngày hôm nay. Đó là, Daily reflection - thực hành chiêm nghiệm, nhìn lại bản thân mình mỗi ngày. Khi thực hành việc này, hãy thường xuyên tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng dưới đây:

  • Tôi còn thiếu những gì? đã làm những gì chưa tốt trong ngày hôm nay?

  • Nếu có 3 từ tôi muốn người khác miêu tả về mình, và về startup của mình, thì đó là những từ gì?

  • Tôi hoàn thiện những gì, làm thêm những điều gì để được như vậy?


Tôi tin rằng, trước khi phản ứng với mọi việc, mọi feedback, sẽ cần phải xuất phát từ cái gốc - Self-awareness - là sự tự nhận thức chính mình trong mỗi con người chúng ta. Việc hiểu sâu sắc bản thân mình, sẽ giúp ta luôn tỉnh táo trong mọi quyết định và hành động của mình, kể cả việc cách chúng ta phản ứng lại với các feedback từ mọi người, cách điều chỉnh “cái tôi”, hoàn thiện cá nhân và tổ chức của mình. Yeah, chúng ta cùng keep fighting nhé!

bottom of page