Xin chào các bạn! Vừa qua, tại sự kiện khai trương Genesia Orbit HCMC, chúng tôi có kết hợp tổ chức 2 buổi toạ đàm. Trong đó, với phiên toạ đàm đầu tiên, từ góc nhìn của nhà đầu tư và người đứng giữa doanh nghiệp - nhà đầu tư để hỗ trợ kết nối thu xếp vốn, với sự tham gia của anh Phan Minh Tâm - Founder của nền tảng 24hMoney, chị Lê Hoàng Uyên Vy - GP quỹ Do Ventures và anh Nguyễn Mạnh Khôi – Co-founder & CEO của Koru Capital, đã chia sẻ nhiều góc nhìn ý nghĩa về các thách thức khiến “mùa đông gọi vốn” kéo dài, trong đó có vấn đề exit. P/s: Xin cám ơn quý báo CafeF đã chia sẻ lại key takeaways nội dung buổi toạ đàm này của chúng tôi nhé! Keep fighting!!
Xin mời các bạn quan tâm có thể đọc trọn vẹn bài báo trên CafeF và nội dung key takeaways dưới đây nhé!
Anh Nguyễn Mạnh Khôi đã chia sẻ về một vài góc nhìn về tình hình diễn biến kéo dài của “mùa đông gọi vốn”:
"Có rất nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn rót vào thị trường Việt Nam trở nên nhỏ giọt trong vài năm trở lại đây. Đầu tiên là nhiều công ty Việt Nam không có thói quen và nhu cầu gọi vốn, họ muốn phát triển từ tốn, chậm mà chắc. Thứ hai, như đã nói ở trên, doanh nghiệp tốt có thể gọi được vốn thì không có nhu cầu, còn doanh nghiệp có nhu cầu thì không đủ tốt. Thứ ba, nhiều startup sau khi gọi được vốn khủng thì 'đốt tiền' vô tội vạ và xem tiền của nhà đầu tư chẳng khác nào cỏ rác. Cuối cùng và quan trọng nhất, là không có bất cứ thương vụ đầu tư mạo hiểm nào thật sự exit thành công trong 5 năm gần đây"
CEO Koru Capital nhấn mạnh, kể từ sau những thương vụ thoái vốn thành công lớn khỏi Masan, Yeah1, Thế Giới Di Động hay FPT Retail của các quỹ đầu tư kỳ cựu như VinaCapital hay Mekong Capital, thì thị trường Việt Nam không đón nhận thêm bất cứ tin vui nào nữa. Điều này đã khiến các quỹ đầu tư trong và ngoài nước trở nên chùn tay hơn khi xuống tiền cho các startup Việt Nam, đặc biệt là ở trong các vòng gọi vốn C hoặc D.
"Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của các thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư cũng đang 'sa lầy' ở thị trường Indonesia, chứ không riêng gì Việt Nam". Anh Khôi chia sẻ thêm.
Tiếp theo là phần chia sẻ từ nhà sáng lập Phan Minh Tâm của 24hMoney:
"Tôi không nhớ là mình đã đầu tư và hỗ trợ vận hành bao nhiêu startup, chắc cũng phải trên 10. Vì sợ không exit được, nên trong những ngày đầu đầu tư vào khởi nghiệp, tôi đã tìm đủ mọi cách để hỗ trợ các Nhà sáng lập và CEO vận hành doanh nghiệp. Theo quan điểm của tôi, không phải văn hóa doanh nghiệp hay việc thiếu nhân tài, mà chính khả năng vận hành doanh nghiệp yếu kém của lãnh đạo startup đã khiến các dự án đi chậm và thiếu hiệu quả. Với những gì tôi thấy, thường thì Nhà sáng lập gần tới tuổi 40 mới chín chắn đủ để đảm đương. Vậy nên, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thật sự kiên nhẫn với các Nhà sáng lập và startup"
"Tôi mong, trong tương lai, Chính phủ có những chính sách đặc biệt để các 'kỳ lân' hoặc startup công nghệ trưởng thành có thể IPO, giúp các Nhà đầu tư trong và ngoài nước thoái vốn thành công. Có như vậy, thì các startup Việt mới có thể hấp dẫn các nhà/quỹ đầu tư, lớn mạnh nhanh chóng và tạo ra được nhiều tác động tốt cho xã hội", anh Tâm đề xuất
Không thể thông nhắc tới phần chia sẻ ý nghĩa tích cực từ phía chị Lê Hoàng Uyên Vy:
"Khi gặp bất cứ startup nào, Do Ventures cũng nhìn vào mô hình kinh doanh, tiềm năng thị trường và Ban lãnh đạo trước khi quyết định có xuống tiền hay không. Tôi rất đồng cảm với anh Khôi, đúng là Việt Nam có tình trạng startup cần tiền thì không đủ hấp dẫn nhà đầu tư và ngược lại. Còn để phòng ngừa việc các Nhà sáng lập 'đốt tiền' của nhà đầu tư, chúng tôi thường khuyên các startup giai đoạn đầu không nên gọi vốn quá nhiều. Nếu không có nhiều tiền thì không thể 'đốt' được!"
Còn về vấn đề exit, ngoài IPO, các Quỹ đầu tư có thể tìm các giải pháp khác như M&A hay bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác. "Rất nhiều Nhà đầu tư tốt của Nhật Bản đã đến Việt Nam, nên nếu muốn exit khỏi startup tiềm năng nào đó, các Nhà/Quỹ đầu tư có thể tìm đến họ"