top of page

Deep Thinking Muscles: Bài học về rèn luyện năng lực tư duy sâu

Trong cuộc sống hối hả bận rộn với vô vàn thông tin đến rồi đi, với nhiều phương tiện truyền thông nền tảng số, giúp chúng ta có thể hấp thụ thông tin như “mì ăn liền” một cách nhanh chóng. Nhưng cũng giống như mọi đồ ăn nhanh, đó là con dao hai lưỡi, mà hại lại nhiều hơn lợi. Cái hại đó là theo thời gian chúng ta sẽ mất đi khả năng bình tĩnh, chủ động để tư duy sâu.


Hãy thành thực đi: Bạn đã bao giờ khi lướt newsfeed Facebook, né tránh những bài post dài nhiều chữ, mà thay vào đó sẽ ưa thích những bài post cô đọng, tóm tắt nội dung chỉ trong vài dòng? Là người viết nội dung chia sẻ về startup, thú thực nhiều lần tôi không khỏi chạnh lòng khi những bài viết dài tâm huyết của mình được nung nấu và hoàn thành viết trong 10 tiếng, lại không có nhiều người đọc và tương tác bằng những bài post với những ảnh selfie chụp trong 10 giây, hay với những nội dung chia sẻ ngắn chỉ đăng trong 10 phút. Việc lướt lướt đọc nội dung qua loa, nhanh chóng một cách thụ động tiếp nhận nội dung, theo thời gian, sẽ làm chúng ta dễ bị thui chột khả năng tư duy sâu của bản thân mình.


Kỹ năng tư suy sâu là một những kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống nhiều “tiếng ồn” như hiện nay, nó giúp chúng ta có những suy nghĩ thấu đáo, và từ đó là đưa ra những quyết định sáng suốt trong công việc và cuộc sống cá nhân. Dưới đây là những cách rèn luyện khả năng tư duy sâu mà bản thân tôi đã bền bỉ, kỷ luật rèn luyện trong thời gian vừa qua thấy vô cùng hiệu quả.


Đầu tiên, đó là hạn chế “tiêu thụ mỳ ăn liền” - là những nội dung ngắn hời hợt mà chúng ta chỉ mất vài phút hay thậm chí vài giây nhanh chóng có thể có được. Những nội dung ở hình thức từ hình ảnh, âm thanh, tới mặt chữ. Chúng ta không nên đánh đổi sự tiện lợi có được nhanh chóng, đổ lỗi cho sự bận rộn, để né tránh việc kiên nhẫn dành thời gian để đọc sâu, xem sâu từ đó là suy nghĩ sâu những nội dung đó.


Tiếp theo, đó là luôn mang theo trí tò mò bất tận với 2 câu hỏi: Làm sao để làm được một điều gì đó? và Tại Sao lại như thế? Từ đây, chúng ta cần chủ động liên tục đưa các các câu trả lời có thể có càng nhiều càng tốt. Việc dành thời gian đặt ra các giả thiết, rồi tự đi tìm các câu trả lời, từ các nguồn thông tin khác nhau sẽ giúp bạn gia tăng khả năng tư duy đào sâu vào các vấn đề.


Cuối cùng, đó là “output” - chia sẻ những điều mình học được qua hình thức viết hoặc hình thức nói. Để làm được vậy, chúng ta cần sắp xếp thông tin tiếp thu được một cách có hệ thống, logic, chọn lọc từ ngữ biểu đạt một cách dễ hiểu. Đây là cả một chu trình rất “painful” và vất vả, nhưng là cách hiệu quả nhất để tôi luyện cho chúng ta khả năng kiên nhẫn, tư duy có chiều sâu theo thời gian.


Thực tế những cách kể trên, đã được tôi thực hiện qua một cách nhất quán thông qua hoạt động chia sẻ nội dung về startup zunzunblogs trong hơn 3 năm vừa qua. Hành trình này thực sự rất vất vả, nhưng vô cùng xứng đáng. Tôi thấy mình trưởng thành hơn, tự tin hơn với những suy nghĩ có chiều sâu của mình hơn theo thời gian. Sống trong thời đại thông tin “mỳ ăn liền” đang chiếm sóng hiện nay, những bài viết của tôi dễ dàng bị “lạc trôi”, bị né tránh khi ai đó lướt qua post của tôi, nhưng những giá trị tích luỹ của các bài viết đối với tôi thực sự rất lớn theo thời gian. Nên tôi vẫn sẽ luôn kiên trì bền bỉ với hoạt động này. Hi vọng, các bài viết của tôi có thể nhận được nhiều sự ủng hộ và feedback từ các những người quan tâm tới mảng nội dung về startup này. Yeah, keep fighting!!!


Discuss with me on Facebook:



Discuss with me on Linkedin:




bottom of page