

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua việc bản thân bị hụt hơi, mất đà và động lực tiến về phía trước? Đúng vậy, hiện tượng này có thể xảy ra với bất kể ai, với cá nhân và cả với tổ chức. Trong thế giới khởi nghiệp, chúng tôi thường hay dùng từ Momentum, với nghĩa bao hàm là đà tiến, động lực, xu hướng phát triển. Hành trình khởi nghiệp cũng như hành trình cuộc đời, không phải khi nào cũng là một đường thẳng tiến lên liên tục, mà sẽ có những khúc giảm sóc, khúc cua, đạp phanh, khiến Momentum này bị ảnh hưởng. Trong bài viết hôm nay, tôi muốn chia sẻ về những chiêm nghiệm của bản thân về cách lấy lại đà tiến, từ trải nghiệm cá nhân, tới startup từ góc nhìn của nhà đầu tư khởi nghiệp.
Trong cuộc sống cá nhân, tôi là người luôn có tầm nhìn dài hạn và mục tiêu rõ ràng. Đó như là tấm bản đồ giúp tôi không đi lạc. Tôi hiểu được rằng, sẽ không thể có được một bước nhảy vọt, hay con đường tắt nào mà lâu bền, để tới được những tầm nhìn dài hạn và mục tiêu lớn đó của mình. Vì vậy, tôi đã chia nhỏ những mục tiêu lớn, thành các kế hoạch hành động nhỏ hơn, đều đặn theo năm, quý, tháng, tuần và ngày. Để từ đó mỗi ngày, tôi sẽ tập trung vào thực hiện từng chút một bằng những hành động nhất quán, tạo ra Momentum từng bước hướng tới những điều mình mong muốn. Khi tôi nhận ra các dấu hiệu Momentum của bản thân mình bị chững lại, mất đà khiến đi chậm lại, thì tôi sẽ nhanh chóng kết nối lại với tầm nhìn dài hạn và mục tiêu lớn mình cần hướng tới. Rồi rà soát lại các chuỗi hành động gần nhất của mình, phân tích tìm ra nguyên nhân “Root Cause” gây mất đà. Từ đó là nhanh chóng điều chỉnh lại các hành động một cách phù hợp hơn, để lấy lại Momentum của mình. Để tạo ra và duy trì được Momentum, sẽ cần rất nhiều sự kỉ luật, sự tỉnh thức, sự quyết liệt và cả niềm tin nữa. Sự kỉ luật giúp mình tập trung tuyệt đối, đều đặn thực hiện mỗi ngày, dù việc lặp đi lặp lại này có thể gây tẻ nhạt, nhàm chán tới đâu. Sự tỉnh thức này giúp mình luôn tỉnh táo và nhận thức ra được điều gì đang được thực hiện hiệu quả, còn điều gì thì không, từ đó nhanh chóng quyết liệt hành động, có sự điều chỉnh để đi lại đúng quỹ đạo. Khi mình vẫn chỉ đang trên tiến trình tạo ra Momentum nhưng chưa nhìn thấy kết quả cụ thể, mình sẽ cần phải giữ niềm tin ở bản thân, lắng nghe ý kiến xung quanh một cách có chọn lọc, để có thể tiếp tục vững tin, kiên trì tiếp bước tiến về phía trước.
Còn với startup, Momentum cho thấy được đà phát triển của một doanh nghiệp, thể hiện ở quá trình hoàn thiện sản phẩm dịch vụ, gia tăng về số lượng khách hàng, từ đó là tăng doanh thu, lợi nhuận, và khả năng mở rộng thị trường. Các dấu hiệu cho thấy Momentum này chính là tiền đề tạo ra niềm tin vào tiềm năng phát triển của startup, từ đó giúp thu hút nhân tài và nguồn vốn về cho startup đó. Trong quỹ đạo quay nhanh chóng mặt với nhiều hỗn loạn - Chaos đặc trưng của thế giới startup, việc đi chật quỹ đạo, mất Momentum có thể nói là điều khá thường thấy ở startup. Cụ thể, đó là khi startup nhìn thấy số lượng khách hàng mới và doanh thu gia tăng chậm lại do các kênh thu hút khách hàng hiện nay đã bị “bão hoà”, tỉ lệ khách hàng rời nền tảng, không sử dụng dịch vụ sản phẩm ra tăng, liên tục nhận các lời từ chối đầu tư từ các nhà đầu tư khiến vòng gọi vốn khó diễn ra theo kỳ vọng của startup, nhuệ khí chiến đấu của các thành viên giảm đi…Đây đều là những dấu hiệu khiến startup dễ bị “hụt hơi”, mất Momentum để tiếp tục phát triển hướng về phía trước. Do đó, điều quan trọng đầu tiên startup cần thực hiện là kết nối lại một cách sâu sắc với tầm nhìn và mục tiêu phát triển của mình. Sau đó là nhanh chóng rà soát nhìn lại, phân tích tìm ra các nguyên nhân quan trọng gây ra sự “hụt hơi” mất đà đó. Tiếp theo, startup sẽ cần lên kế hoạch cải tiến (Improvement Plan) để điều chỉnh lấy lại Momentum. Nếu như kế hoạch này sau 3-6 tháng thử nghiệm thực thi mà Momentum vẫn không quay lại, startup sẽ có thể phải cân nhắc quyết liệt Pivot - Chuyển hướng bằng mọi cách để tạo ra được Momentum tích cực. Là nhà đầu tư khởi nghiệp quan sát và đồng hành trên thực tế với nhiều startup khác nhau tới nay, với tôi, thì việc startup “hụt hơi” không đạt được KPI đề ra trong một hai tháng, hay mất đà trong một khoảng thời gian ngắn là điều bình thường, chưa phải là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng là việc các nhà sáng lập startup phản ứng với việc mất đà Momentum đó như thế nào. Có thể nói điều tạo ra sự khác biệt lớn giữa startup có thể lấy lại được Momentum và startup không thể lấy lại được Momentum, nằm ở việc nhà sáng lập thẳng thắn đối mặt tìm ra vấn đề, nhanh chóng có được kế hoạch cải tiến, và việc quyết liệt thực thi các điều chỉnh cần thiết đó để lấy lại Momentum của startup. Quá trình này cần được các nhà sáng lập minh bạch giao tiếp với đội ngũ và nhà đầu tư của mình để mọi người cùng chung tay hỗ trợ, để kịp thời lấy lại Momentum cho startup.
Trên đây là một vài chiêm nghiệm suy nghĩ được đúc rút từ chính trải nghiệm bản thân và quan sát của mình tại startup từ góc nhìn của nhà đầu tư khởi nghiệp. Hi vọng đây là những chia sẻ có ý nghĩa tham khảo dành cho các nhà sáng lập và rộng ra là tất cả mọi người, những ai đang phải đối mặt với việc mất Momentum trong startup và cả trong cuộc sống cá nhân của mình. Việc hụt hơi mất Momentum thực sự là điều vô cùng bình thường, nhưng cách chúng ta bản lĩnh đối diện, phản ứng với việc mất đà này mới tạo ra điều khác biệt, giúp chúng ta và tổ chức trở nên mạnh mẽ, “tăng sức đề kháng” để có thể luôn giữ được đà tích cực để tiếp tục tiến bước tới tầm nhìn và mục tiêu của mình. Yeah, chúng ta cùng nhau just keep fighting vì điều này nhé!!
P/s: Các nhà sáng lập hãy Book Meeting với tôi để cùng thảo luận về Momentum của startup mình nhé! Xin cám ơn rất nhiều!