top of page

Chia sẻ về Risk Money trong sự phát triển của hệ sinh thái startup

Xin chào các bạn! Vừa qua tôi có dịp được ngồi xuống trò chuyện sâu sắc với một đồng nghiệp cùng làm đầu tư mạo hiểm VC. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ quan điểm về bài toán thiếu nguồn Cung startup đủ tiêu chuẩn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, có thể mọi người sẽ nghĩ là cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của startup? Thật ra điều này đúng nhưng chưa đủ. Vì để tăng về chất, chúng ta cần có đủ về lượng. Từ lượng sẽ chuyển hoá sang chất. Do đó, một trong những chìa khóa để giải bài toán này nên là tăng nguồn Cung của vốn mạo hiểm - Risk Money. Làm thế nào để Risk Money đổ vào hệ sinh thái startup nhiều hơn? Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình, trong bài viết ngày hôm nay nhé!


Trong quá trình đồng hành với nhiều startup từ giai đoạn sớm, tôi nhận ra một điều vô cùng quan trọng rằng, sẽ không có con đường cất cánh thẳng tiến tới PMF - Product Market Fit từ ngày đầu, mà đó là hành trình dò đường đi, bằng những thử nghiệm liên tục, để thấy cái cái gì “work” còn cái gì thì không. Và để tiến hành những thử nghiệm đó, startup sẽ cần “nhiên liệu” để có thể đi được lâu và xa nhất với hành trình thử nghiệm này, cho tới khi tìm thấy con đường giúp startup cất cánh, tăng tốc, tới được “trạm sạc nhiên liệu” tiếp theo hoặc tự cường phát triển được. Như tôi đã từng chia sẻ về “phép cộng của những thử nghiệm” trong bài blog trước đây, khi tiếp cận với các startup ở giai đoạn sớm, tôi thường đặt câu hỏi cho nhà sáng lập rằng: “Với số tiền huy động trong vòng gọi vốn này, ở giai đoạn hiện nay, startup có thể thực hiện được bao nhiêu “phép cộng” của thử nghiệm? Đó sẽ là những thử nghiệm gì? Và startup xây dựng quy trình tiến hành các thử nghiệm hiệu quả đó ra sao?” Do đó, việc startup từ giai đoạn sớm có thêm “nhiên liệu” thông qua huy động vốn, đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp startup có thể tiến hành nhiều thử nghiệm, dò đường, giúp startup từng bước giảm được rủi ro để phát triển. Đó chính là ý nghĩa vô cùng to lớn của Risk Money - tên gọi khác của Vốn Đầu Tư Mạo Hiểm.


Từ chính câu chuyện khởi nguồn của ngành đầu tư mạo hiểm - thông qua tài trợ tàu thám hiểm đánh bắt cá voi vào thế kỷ 19, chúng ta hiểu được sằng mọi sự khởi đầu của hành trình khám phá những cơ hội mới, con đường mới, tất yếu đều sẽ đầy rẫy rủi ro, đầy sự nghi hoặc từ xung quanh. Tuy nhiên, chỉ cần có một vài người có niềm tin, hỗ trợ tiếp “nhiên liệu” bằng nguồn lực tài chính - Risk Money từ những ngày đầu, có thể giúp “con tàu thám hiểm” đủ nguồn lực để tiếp tục tiến về phía trước. Càng đi xa, thì con đường cùng cơ hội mới càng được tạo ra.


Với khởi nghiệp cũng vậy. Thế giới startup tới nay luôn được nhắc tới là thế giới với quá nhiều rủi ro thất bại. Không phải ngẫu nhiên VC - đầu tư khởi nghiệp - đầu tư startup, còn được gọi một cái tên thân thuộc là “đầu tư mạo hiểm”. Thực sự nhiều lúc chúng tôi thường hay nói vui rằng, nếu có ai quá sợ rủi ro thất bại, thì chắc khó có thể theo nổi được nghề này. Mặt khác, có một thực tế rằng, các đất nước mưu cầu sự phát triển trên thế giới đều có nhiều chính sách ý nghĩa, khuyến khích sự ra tăng hoạt động đầu tư mạo hiểm này, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, từ đó là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.


Ví dụ như tại Mỹ, thì từ năm 1979, đất nước này đã có sự thay đổi chính sách to lớn tạo ra động lực cho ngành đầu tư mạo hiểm. Cụ thể là chính sách này cho phép các quỹ hưu trí có thể phân bổ tới 10% vốn của họ để đầu tư vào các quỹ mạo hiểm. Từ đó tới nay, các quỹ hưu trí tiếp tục là nguồn vốn dài hạn chủ yếu cho các công ty đầu tư mạo hiểm.


Trong khi đó tại Nhật Bản, các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia đóng góp Risk Money một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào các công ty startup, đổi lại được hưởng ưu đãi về thuế, thông qua chương trình Open Innovation Promotion Tax System. Cụ thể, chính sách này cho phép các công ty khi thực hiện hoạt động đầu tư vào các công ty với mục đích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có thể được khấu trừ lên tới 25% của tổng số tiền đầu tư, từ tổng thu nhập của doanh nghiệp. Hơn nữa, từ ngày 1/4/2023, chính sách này còn được áp dụng mở rộng ra cho cả hoạt động M&A thông qua việc mua quá bán số cổ phần doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Có thể nói, chính sách này mang tại 2 giá trị to lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Đầu tiên là mở ra cánh cửa rộng hơn cho các startup nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực thúc đẩy hoạt động M&A tạo ra cửa “Exit” có ý nghĩa cho các startup tại đất nước này.


Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới đóng góp to lớn của chính phủ Hàn Quốc trong việc nỗ lực thúc đẩy nguồn cung vốn đầu tư Risk Money vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông qua chương trình Fund of Fund bắt đầu khởi xướng từ năm 2005. Cụ thể, vào đầu những năm 2000, không có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào startup với quá nhiều rủi ro, đặc biệt đặt trong bối cảnh nền kinh tế bị chi phối lớn bởi các tập đoàn chaebol lớn. Khi đó, chính phủ Hàn Quốc đã tích cực góp vốn đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm được vận hành bởi những nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp, để gián tiếp thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các công ty startup non trẻ. Theo thống kê, từ 2014 tới 2019 chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư tới 20% tổng số quỹ đầu tư mạo hiểm VC tại đất nước này.


Vừa qua, tôi rất vui khi đọc được tin tức về Đề xuất quy định mới về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cho thấy được sự cởi mở, và nỗ lực to lớn của Chính Phủ trong việc định hướng gia tăng hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Từ chia sẻ ở trên của tôi, chúng ta có thể nhận thấy vai trò vô cùng to lớn của Chính Phủ, là chất xúc tác, là cầu nối quan trọng trong việc lấp đầy khoảng cách Cung - Cầu vốn đầu tư khởi nghiệp tại các quốc gia. Tôi rất hi vọng, với tinh thần tích cực này, trong thời gian sắp tới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, sẽ đón nhận nhiều chính sách tích cực, đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy Risk Money - dòng vốn mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp startup. Từ đó, là tạo ra đòn bẩy để thúc đẩy ra tăng về Lượng, tiếp đến là chuyển hoá về Chất - bằng việc tạo ra nhiều startup chất lượng cao, đạt được thành công vượt bậc tại Việt Nam. Yeah, tôi rất hi vọng mọi người trong hệ sinh thái startup nước nhà cùng nhau “keep fighting” để hiện thực hoá được điều này trong tương lai gần nhé!!

bottom of page