top of page

Sức mạnh của đặt những câu hỏi đúng

Các bạn có biết nghề nào mà khi nói chuyện với đối phương, thường khiến người làm nghề dễ tự ti nhất về sự kém hiểu biết của mình không? Có lẽ một trong những nghề đó, có nghề đầu tư, cũng chính là công việc hiện nay của tôi. Ở đó, các nhà đầu tư thường xuyên phải tương tác nói chuyện nhiều nhất với các nhà sáng lập, những người trong ban giám đốc và cấp quản lý trong công ty.

Có thể nói, những đối tác đó đều ít nhiều là những người giỏi, bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó - mà đó lại chắc hẳn không phải là chuyên môn sâu của hầu hết các nhà đầu tư. Do đó, khi nói chuyện với các những đội ngũ lãnh đạo của những công ty đó, những nhà đầu tư như tôi, thường dễ gặp phải áp lực. Áp lực mình kém cỏi không đủ hiểu biết và kinh nghiệm bằng họ. Những ngày đầu làm nghề, tôi thường mang theo những áp lực này. Tôi vẫn còn nhớ trong những buổi nói chuyện với các nhà sáng lập, tôi thường gặp một vấn đề lớn đó là không thể tập trung để nghe hiểu hết tới cuối, vì trong đầu còn phải nghĩ điều tiếp theo mình nên tiếp lời là gì, vì đó là lĩnh vực mình không am hiểu, nên tôi lo sợ mình sẽ nói sai.


Tuy nhiên theo thời gian, tôi nhận ra rằng đây là cách làm không hiểu quả. Thứ nhất, việc không tập trung lắng nghe để hiểu trọn vẹn thông tin của những người có kinh nghiệm trong ngành như nhà sáng lập startup sẽ khiến mình mất đi cơ hội được học hỏi từ họ. Tiếp theo, việc chỉ chăm chăm nghĩ trước các câu nói nhận định mình nên tiếp lời sau đó là gì, cũng không khiến cho xác suất đưa ra nhận định của mình đúng tăng lên đáng kể, vì vốn dĩ mình không phải là người am hiểu lĩnh vực đó bằng nhà sáng lập. Trong những trường hợp thế này, điều tôi nhận ra được là, việc lắng nghe trọn vẹn rồi tiếp tục đặt thêm các câu hỏi đúng sau đó, còn giá trị hơn rất nhiều việc đưa ra những nhận định chủ quan thiếu hiểu biết của bản thân, và chắc chắn cũng hơn rất nhiều việc để bầu không khí sau đó đi vào trầm lắng. Đúng vậy, có thể nói việc đặt các câu hỏi đúng đắn, luôn là vũ khí mà bất kỳ ai nói chung và các nhà đầu tư khởi nghiệp nói riêng cần tận dụng và mài dũa. Một vũ khí này giúp bạn sẽ đánh trúng được ít nhất “ba cái đích”:


Đầu tiên, là cơ hội để bạn được học hỏi sâu thêm từ việc tạo thêm cớ để đối phương chia sẻ thông tin bổ sung. Thứ hai, là cơ hội để bạn hiểu được năng lực, chiều sâu tư duy của đối phương thông qua việc trả lời các câu hỏi của mình. Cuối cùng, là khả năng những câu hỏi tốt của bạn có thể trở thành lời gợi ý, khiến đối phương phải suy nghĩ thêm, từ đó tự mình tìm ra câu trả lời cho mình. Đây chính là hướng tiếp cận Coaching - mà năm ngoái tôi có cơ hội được học từ các chuyên gia từ bên Nhật - đây là hướng tiếp cận không vội đặt ra những nhận định chủ quan của mình, mà thay vào đó để đặt ra những câu hỏi đúng đắn cho đối phương, giúp đối phương đủ thông minh để tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.


Do đó, tôi luôn nhắc nhở bản thân mình, cần phải lắng nghe sâu hơn, phải liên tục duy trì trí tò mò không giới hạn của mình, để có thể đặt ra những câu hỏi hay đúng lúc, để giúp cả mình và đối phương gia tăng được nhiều nhất giá trị từ mỗi buổi nói chuyện. Hình ảnh dưới bài viết này chính là email tôi nhận được từ 1 nhà sáng lập startup sau buổi họp với tôi gần đây, anh có chia sẻ là nhờ nhận được những câu hỏi hay của tôi, mà anh và đội ngũ đã ngồi lại để bàn bạc và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh tốt hơn. Tôi luôn tin vào sức mạnh của những câu hỏi đúng và sẽ tiếp tục không ngừng trau dồi kỹ năng này hơn nữa.




bottom of page