top of page

Bài toán tăng Bottom-line #7: Startup làm sao để tối ưu chi phí nhân sự mà không làm giảm tinh thần chiến đấu của team? - bài học ý nghĩa từ case Selly

Xin chào các bạn! Đau đáu suy nghĩ đi tìm lời giải cho bài toán tăng Bottom-line cho startup, thông qua mỗi bài viết trong chuỗi series này, tôi luôn cố gắng đào sâu từng thành tố quan trọng - KSF, để tìm ra cách tăng doanh thu - giảm chi một cách hiệu quả thực sự, mà không những không làm mất đi động lực phát triển cho startup. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi nhắc tới giảm chi, nhất là cắt giảm chi phí nhân sự, các nhà sáng lập thường mang trong mình cảm giác không mấy tích cực, khi phải đối mặt nhiều sự lựa chọn khó khăn và lo lắng về suy giảm tinh thần chiến đấu của team. Do đó, tôi xin phép được chia sẻ một vài quan sát của mình về cách tiếp cận hiệu quả cho thử thách này trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết Fighting spirit: Giữ lửa tinh thần chiến đấu của đội ngũ startup, về hình ảnh đoàn tàu startup trong giai đoạn gập ghềnh khó khăn, nguồn lực là “nhiên liệu” bị suy giảm, các nhà sáng lập phải đối mặt với những quyết định đau đớn - là cắt giảm chi phí nhân sự. Cụ thể, sẽ có những người phải “xuống xe”, sẽ có những người ở lại cũng bị cắt giảm lương. Điều này có thể giúp startup cắt giảm chi phí burn, kéo dài thêm runway để đưa công ty tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên thách thức lớn vẫn chưa thực sự kết thúc. Vì hệ luỵ của việc này, là các nhân viên ở lại có thể bị giảm đi tinh thần chiến đấu, khi thấy công ty đang đi chậm lại, loay hoay tìm đường đi sáng sủa phía trước trong khi nhiên liệu không còn nhiều, khi thấy đồng đội của mình phải “xuống xe”. Chắc hẳn hơn ai hết và hơn bao giờ hết, các nhà sáng lập đọc tới đây, đều có thể đồng cảm và tìm thấy mình trong thách thức này. Vậy làm sao để cắt giảm chi phí nhân sự mà không làm giảm tinh thần chiến đấu của người ở lại? Thậm chí có cách làm ưu việt nào mà còn có thể làm tăng tinh thần chiến đấu cho họ hơn nữa để cùng đưa đoàn tàu startup đi qua hết đoạn đường khó khăn này?


Tôi đã tìm thấy cách làm ưu việt này từ Selly - startup quỹ chúng tôi đầu tư và đồng hành tại Việt Nam. Giống như nhiều startup khác trong giai đoạn khó khăn chung hiện nay, nhà sáng lập Selly cũng đã phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong việc cắt giảm chi phí nhân sự. Cụ thể, startup đã tiến hành cắt giảm 30% chi phí nhân sự, nhưng không theo cách thông thường.


Đầu tiên, tiền đề là những người ở lại cần có đủ niềm tin - conviction mạnh mẽ với công ty. Nhà sáng lập đã gợi nhắc mọi người về tầm nhìn, sứ mệnh startup, và chia sẻ về bản kế hoạch tồn tại, phát triển của công ty với các nhân viên của mình. Đặc biệt trong đó, với các nhân viên ở lại từ cấp bậc quản lý trở lên, họ cần có niềm tin mạnh mẽ tới mức, để tin tưởng vào tiềm năng phát triển của công ty và để vẫn muốn lăn xả cống hiến cho sự phát triển đó. Niềm tin đó cũng cần mạnh mẽ tới mức, họ cần giữ được lửa chiến đấu dù khi lương thưởng bị cắt giảm.


Tiếp theo, dựa trên niềm tin mạnh mẽ có được đó, để bù đắp cho cắt giảm lương, họ có thể nhận được quyền mua ESOP đặc biệt từ công ty. Đây chính là cách, không những không giảm đi - không chỉ giữ được - mà còn gia tăng được động lực chiến đấu của những thành viên cốt cán ở lại của startup này. Một khi có đủ niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng phát triển trong tương lai của công ty, họ sẽ hiểu được giá trị ESOP của doanh nghiệp. Khi hiểu và có được ESOP, họ sẽ càng chủ động, tích cực lăn xả cống hiến hơn nữa để đưa công ty tiến về phía trước, góp phần làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp, từ đó là giá trị của ESOP họ được nhận sau này.


Tuy nhiên, trên thực tế, ở các hệ sinh thái startup đang phát triển khác tại khu vực nói chung và tại Việt Nam nói riêng, rất ít người có thể hiểu và có đủ niềm tin về giá trị ESOP của startup. Do đó, nhà sáng lập Selly đã suy nghĩ thấu đáo để các nhân sự cảm thấy an toàn và tin tưởng ở lại tiếp tục phân đấu bằng những cam kết cụ thể. Đầu tiên, là họ có thể lựa chọn ngừng mua ESOP mà nhận full toàn bộ lương thưởng khi công ty đạt được lợi nhuận dương ở một mức tối thiểu, liên tiếp trong 3 tháng. Tiếp theo, là họ có thể yêu cầu công ty mua lại ESOP của mình sau khi công ty hoàn thành gọi vốn xong ở vòng tiếp theo. Có thể nói chính cách làm này của Selly đã trở thành một “phép thử” vô cùng quan trọng với những người ở lại, ở niềm tin, sự hi sinh và sự lăn xả chiến đấu cần có của họ. Những người ở lại với niềm tin mạnh mẽ, nguồn năng lượng tích cực, tinh thần “keep fighting!” chính là động lực vô cùng quan trọng để đưa công ty tiếp tục tiến về phía trước, tối ưu lợi nhuận, phát huy được hết tiềm năng phát triển của startup này.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về cách một startup chúng tôi đầu tư và đồng hành, đã tìm thấy cách làm hiệu quả trong việc tối ưu chi phí nhân sự trong khi vẫn đảm bảo tinh thần chiến đấu, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho doanh nghiệp của mình. Hi vọng bài viết có ý nghĩa tham khảo và gửi gắm thông điệp cổ vũ nho nhỏ tới các nhà sáng lập startup, những người cũng đang đau đáu đi tìm lời giải cho bài toán khó mang tên Cắt giảm chi phí nhân sự này nhé! Yeah, just keep fighting!!

bottom of page