top of page

Bài toán Startup Governance #2: Giá trị có được từ sự kỉ luật trong quản trị startup

Xin chào các bạn! Nếu như ở bài viết trước tôi có đề cập về Bài toán Startup Governance #1: Suy nghĩ về cái giá phải trả cho sự thiếu kỉ luật trong quản trị startup, thì tiếp nối chuỗi bài viết trong series này, tôi muốn đào sâu chia sẻ về một cái “giá” đối nghịch - đó là giá trị startup có thể nhận được nếu như có sự quản trị doanh nghiệp tốt. Mà ở đó, tôi tin rằng, những giá trị này cần phải rất lớn, đủ lớn tới mức để tạo động lực mạnh mẽ cho startup thực hành kỉ luật quy trình quản trị trong doanh nghiệp mình. Xin mời mọi người đón đọc bài viết chia sẻ của tôi về những giá trị ý nghĩa này, trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Quản trị startup được hiểu chung là một hệ thống các quy định, cơ chế và quy trình công ty được điều hành và kiểm soát. Đi sâu vào tìm hiểu về hệ thống quản trị startup, tôi tìm thấy một bảng tổng hợp khoa học và dễ hiểu dưới đây. Trong đó, đề cập về 5 nguyên tắc cơ bản trong việc thực hành hiệu quả quản trị startup: Accountability (Trách nhiệm giải trình); Transparency (Sự minh bạch); Impartiality (Tính công bằng); Awareness (Sự nhận thức); Responsibility (Tinh thần trách nhiệm). Với mỗi nguyên tắc này, startup sẽ cần thực hành quản trị trên từng nhiệm vụ được đề cập chi tiết trong bảng dưới đây.




Có lẽ sẽ có người đọc xong những nhiệm vụ quản trị đề cập ở trên, cảm thấy phiền phức, tốn thời gian với những quy trình và cơ chế, tệ hơn khi nghĩ rằng đó có thể gây cản trở tới sự phát triển của startup. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, một khi những nhiệm vụ quản trị được đề cập ở trên được thực hành một cách kỉ luật và hiệu quả bên trong công ty, thì startup có thể nhận được rất nhiều những giá trị quan trọng, thúc đẩy sức mạnh nội tại và sự phát triển bền vững cho mình.


Giá trị đầu tiên là startup có thể duy trì được niềm tin của mọi người vào doanh nghiệp của mình. Niềm tin của nhân viên trong startup, là tiền đề cho sự thu hút nhân tài và tận hiến. Niềm tin của khách hàng và đối tác là tiền đề cho sự lựa chọn và đồng hành lâu dài với startup. Còn niềm tin của các nhà đầu tư, là tiền đề cho sự thu hút được nhiều dòng vốn từ bên ngoài, gia tăng được nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của startup.


Tiếp theo, startup có sự quản trị tốt, thường sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt, phân bổ nguồn lực minh bạch hiệu quả hơn, từ đó là liên tục cải thiện được kết quả kinh doanh và sức khoẻ tài chính cho mình một cách tích cực hơn.


Không dừng lại ở đó, sự kỉ luật với những nguyên tắc và nhiệm vụ ở trên còn giúp startup có thể quản trị hiệu quả được những thách thức, biến số rủi ro trong suốt hành trình của mình, từ đó giúp công ty có thể tiếp tục phát triển tiến về phía trước.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về những nguyên tắc nhiệm vụ và giá trị quan trọng mang tới cho startup với sự kỉ luật trong quản trị doanh nghiệp. Hi vọng, bài viết này sẽ là những gợi ý nho nhỏ có ý nghĩa, gửi tới các nhà sáng lập startup, những người muốn xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững dài hạn. Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!

bottom of page