top of page

Bài toán Distribution #3: Xây dựng chiến lược tạo nam châm hút lead cho startup ở giai đoạn sớm

Xin chào các bạn! Đến hẹn lại lên, tiếp nối chuỗi hành trình đi tìm lời giải cho bài toán Distribution - phân phối sản phẩm tới đúng tay khách hàng một cách hiệu quả dành cho startup, hôm nay tôi xin phép được chia sẻ về cơ chế tạo phễu thu hút khách hàng mục tiêu. Từ đó là xây dựng chiến lược tạo Lead Magnet - nam châm hút lead về cho startup, một cách hiệu quả, có thể áp dụng cho nhiều startup dù ở giai đoạn sớm, khi nguồn lực còn nhiều hạn chế. Xin mời mọi người đón đọc chi tiết trong bài bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Với hướng tiếp cận nền tảng làm tiền đề, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về 5 giai đoạn tạo phễu thu hút lead khách hàng mục tiêu (Lead generation funnel) nhé! Đầu tiên là giai đoạn Awareness - thu hút sự chú ý quan tâm từ khách hàng mục tiêu. Tiếp theo là giai đoạn Interest - tạo sự hứng thú của khách hàng bằng việc cho thấy giá trị đến từ sản phẩm dịch vụ của startup trong việc giải quyết “Công việc cần hoàn thành - JTBD” của khách hàng. Từ đó nối tiếp là giai đoạn Appraisal/Desire - khiến khách hàng cân nhắc mong muốn sử dụng sản phầm dịch vụ của startup, dẫn đến giai đoạn tiếp theo là Action/Confirmation - kích hoạt việc khách hàng ra quyết định mua sản phẩm dịch vụ. Cuối cùng là giai đoạn Conversion - chuyển đổi thành đơn hàng thực tế khi khách hàng trả tiền. Nguyên tắc áp dụng ở đây là, nguyên tắc KAIZEN - không ngừng thử nghiệm những cách tiếp cận và chiến lược mới để tìm ra hướng tối ưu tốt nhất, giúp tăng hiệu quả từng bước trong phễu thu hút khách hàng tiềm năng này.


<Source>

Dựa trên nguyên tắc này, trong khuôn khổ bài viết hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cách tối ưu Awareness - thu hút sự chú ý quan tâm từ khách hàng mục tiêu, bằng chiến lược xây dựng Lead Magnets- thỏi nam châm thu hút lead khách hàng tiềm năng nhé!


Với startup, đặc biệt là startup ở giai đoạn đầu gặp nhiều hạn chế về nguồn lực, không thể có nhiều ngân sách chạy quảng cáo hay chiến dịch truyền thông rầm rộ để tạo sự chú ý trong thị trường, mà cần có những chiến lược thông minh hiệu quả thu hút được đúng khách hàng mục tiêu của mình. Mặt khác, với startup ở giai đoạn sớm khi mới thâm nhập thị trường, chưa có nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình, startup cần có cách tiếp cận khéo léo xây dựng niềm tin, kích hoạt mong muốn khám phá trải nghiệm và sử dụng ở khách hàng tiềm năng. Mục tiêu của chiến lược tạo ra Lead Magnet - nam châm thu hút lead nằm ở việc tiếp cận và chia sẻ tới khách hàng tiềm năng của mình những giá trị miễn phí nhưng có giá trị, để đổi lấy thông tin liên lạc, và hơn hết là sự tin tưởng và quan tâm của họ. Cơ chế nam châm thu hút lead này cần là quick win- giúp khách hàng nhận ra được giá trị nhanh chóng ở startup, đáp ứng được một phần đầu của nhu cầu khách hàng.


Ví dụ, nếu như startup bạn cung cấp dịch vụ giảm cân cho khách hàng mục tiêu, thì thỏi nam châm hút lead khách hàng có thể là đề xuất nội dung chương trình ăn uống tập luyện trong 1 tháng đầu dành cho khách hàng đó. Thỏi nam châm hút lead này có thể có nhiều hình thức khách nhau phụ thuộc vào nhu cầu và đặc tính của khách hàng cũng như nguồn lực trong khả năng cho phép của startup. Nhưng nguyên tắc chung là cần ít rào cản tiếp cận, nhanh chóng thu nạp nội dung ngắn gọn có giá trị. Đó có thể là eBook, khoá học ngắn, phiên bản giới hạn sử dụng miễn phí (freemium), video nội dung hướng dẫn sử dụng dịch vụ,… Mục đích chính của thỏi nam châm lead này, là nền tảng để xây dựng niềm tin về tính chuyên môn của startup, giúp tập khách hàng được educate - đào tạo trước ban đầu, đồng thời thu hút được sự quan tâm đăng ký sử dụng trả phí sau đó.


Chiến lược xây dựng thỏi nam châm hút Lead này cho startup sẽ có 3 yếu tố quan trọng sau:


  • Startup cần tạo ra thỏi nam châm tạo lead có giá trị và khác biệt cho thấy tính chuyên môn cũng như tạo ra sự tin tưởng và sự hứng thú từ khách hàng. Do đó, startup cần tránh sa đà vào những nội dung chung chung, nhàm chán mà khách hang tiềm năng của bạn có thể dễ dàng tìm kiếm ở nhiều nơi khác.

  • Thỏi nam châm hút Lead này cần tạo ra sự tò mò và tính khẩn cấp để khuyến khích khách hàng tiềm năng ra quyết định nhanh chóng. Do đó, startup sẽ cần thực thi một cách chiến lược cách xây dựng nội dung cho thỏi nam châm này, cũng như tạo ra tính khan hiếm, gấp gáp về thời gian. Ví dụ như startup có thể cung cấp sản phẩm phiên bản giới hạn, trong một khung thơi gian giới hạn, cho một số lượng khách hàng giới hạn để thu hút sự chú ý, cũng như kích hoạt kêu gọi việc ra quyết định sử dụng nhanh chóng từ khách hàng mục tiêu.



  • Thỏi nam châm hút Leads này phải có tính kết nối. Đầu tiên là kết nối giá trị nhất quán với sản phẩm cốt lõi của startup. Tiếp theo là tính kết nối trong hành trình mua sắm của khách hàng, ở đó một khi thu hút được leads khách hàng tiềm năng đi vào phễu bán hàng (Sales funnel), startup sẽ cần phải có quy trình bán hàng hiệu quả, nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ tiếp nối với các lead khách hàng này, mang lại giá trị nhất quán, tiến tới việc conversion - chuyển đổi thành đơn hàng đặt mua từ khách hàng của mình.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về cơ chế tạo phễu thu hút khách hàng mục tiêu và những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chiến lược tạo Lead Magnet - thỏi nam châm hút lead về cho startup một cách hiệu quả. Hi vọng bài viết này sẽ có giá trị tham khảo ý nghĩa tới các nhà sáng lập trong hành trình đi lời giải cho bài toán phân phối sản phẩm tới tay khách hàng mục tiêu của mình hiệu quả nhé! Yeah, just keep fighting!!

bottom of page