top of page

Fooled By Randomness: Một vài suy nghĩ liên tưởng tới hoạt động đầu tư startup từ cuốn sách này

Cuối tuần vừa qua, tôi dành thời gian đọc cuốn sách Fooled By Randomness. Đây là cuốn sách được viết bởi Nassim Nicholas Taleb - ông chính là tác giả của cuốn sách Thiên Nga Đen vô cùng nổi tiếng. Tôi tìm đến cuốn sách này sau những tháng ngày đau đáu suy nghĩ về những “biến số” trong hoạt động đầu tư mạo hiểm của mình. Cũng bởi vì tác giả Taleb cũng xuất thân là một nhà đầu tư, ông đã có những phân tích sắc sảo về rủi ro, may mắn và xác suất thành công trong hoạt động đầu tư. Ở đó, giúp tôi tìm ra được một vài chia sẻ thú vị, là lời gợi ý cho tôi đi tìm lời giải cho những bài toán trong nghề mà tôi đau đáu suy nghĩ tới nay.


Most decisions are not risk-based, they are uncertainty-based and you either know you are ignorant or you have no idea you are ignorant. There is a big distinction between the two. Trust me, you’d rather know you are ignorant.

(Trực dịch: Phần lớn các quyết định không dựa trên rủi ro, mà dựa trên sự không chắc chắn. Bạn hoặc là biết rằng mình không biết hoặc là không biết mình không biết về điều này. Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Tin tôi đi, bạn thà biết rõ mình không biết vẫn hơn)


Các bạn có biết tại sao VC đầu tư vào startup lại được gọi là nghề đầu tư mạo hiểm không? Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về điều này. Câu trả lời đơn giản không phải là nằm ở con số 75% tỉ lệ thất bại của startup mà các VC đầu tư. Mà vì bản chất của nghề đầu tư tài chính nói chung và của nghề đầu tư vào startup nói riêng, đặc biệt vào giai đoạn sớm hoạt động còn thiếu ổn định, thiếu thông tin xác thực, với quá nhiều vấn đề thông tin bất đối xứng (Asymmetric information), tạo ra nhiều sự bất lợi cho các đầu tư có thể nắm đủ và đúng thông tin startup trong quá trình đầu tư và đồng hành với nhau. Đây chính là điều không chắc chắn, là “biến số” lớn nhất khiến các nhà đầu tư startup khó có thể kiểm soát được kết quả đầu tư của họ một cách hiệu quả được. Dựa trên sự nhận thức rõ ràng về “biến số” này, tôi luôn tin rằng, cách làm hiệu quả nhất để vượt qua được “sự mạo hiểm thực sự” này, đó là ngay từ đầu phải lựa chọn đúng nhà sáng lập có đạo đức và có năng lực có thể biến tầm nhìn lớn của mình thành hiện thực tới cùng. Việc lựa chọn đúng luôn là cách tránh sai tốt nhất. Tuy nhiên, giống như mọi thứ đều có thể thay đổi, và người mình chọn cũng có thể thay đổi. Do đó, sẽ luôn cần chúng tôi phải nỗ lực để giữ sự lựa chọn đúng đó, là đúng thực sự, bằng việc duy trì niềm tin giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư, thông qua giao tiếp trung thực và hiệu quả trong quá trình đồng hành phát triển với nhau.


Both risk detection and risk avoidance are not mediated in the “thinking” part of the brain but largely in the emotional one. The consequences are not trivial: It means that rational thinking has little, very little, to do with risk avoidance. Much of what rational thinking seems to do is rationalize one’s actions by fitting some logic to them.

(Trực dịch: Cả việc phát hiện rủi ro và tránh rủi ro không được điều chỉnh trong phần "suy nghĩ" của não, mà chủ yếu nằm trong phần cảm xúc. Hậu quả không đơn giản: Điều này có nghĩa là suy nghĩ hợp lý ít, rất ít liên quan đến việc tránh rủi ro. Rất nhiều điều mà suy nghĩ hợp lý dường như là hợp lý hóa hành động của một người bằng cách lý giải một số logic cho chúng)


Which came with the help of luck could be taken away by luck (and often rapidly and unexpectedly at that). The flipside, which deserves to be considered as well (in fact it is even more of our concern), is that things that come with little help from luck are more resistant to randomness.

(Trực dịch: Những thứ đến với sự may mắn có thể bị mất đi bởi sự may mắn (và thường xảy ra nhanh chóng và đột ngột). Mặt khác, điều đáng được xem xét là những thứ đến với ít sự giúp đỡ từ sự may mắn, sẽ kháng lại sự ngẫu nhiên hơn)


Tôi thường hay đặt những câu hỏi những nhà đầu tư thân thiết của mình, về lý do khiến những startup họ đầu tư thành công, hoặc thất bại là gì? Có những người có thể trả lời vô cùng chi tiết và có vẻ thuyết phục về những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công hay thất bại của startup họ đầu tư. Mặc khác, có những người sau khi suy nghĩ hồi lâu, khi không thể kể ra một lý do thuyết phục nào khác, là may mắn. Dù là ai trong hai trường hợp này thì có một thực tế là, việc cắt nghĩa đầy đủ, chính xác hoàn toàn về lý do thành công hoặc thất bại của startup luôn là thách thức của bất kỳ một nhà đầu tư nào.

Những chia sẻ ở trên của tác giả Taleb nghe có vẻ khó hiểu khi đọc một lần, nhưng càng đọc thì lại càng thấy thấm, đặc biệt khi chúng ta có sự liên tưởng sâu sắc tới hoạt động đầu tư startup. Trên thực tế là có nhiều quyết định đầu tư được đưa ra, khi các nhà đầu tư không thể nhìn thấy hết được những “biến số” rủi ro đi cùng sau đó, để rồi khi startup thất bại thì chúng ta sẽ cố gắng “hợp lý hoá” quyết định của mình, cũng như lý do khách quan vì sao startup không thành công. Đây là một thực tế đáng tiếc khi những suy nghĩ này khiến chúng ta “né tránh” cơ hội được rút ra những bài học quan trọng giúp mình đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt hơn, và có những hành động cần thiết để giảm đi các “biến số” khiến startup thất bại sau này.

Quay trở lại với case thứ hai, khi nhà đầu tư trả lời là may mắn, tôi đã đặt ra câu hỏi tiếp theo cho họ rằng: “Vậy làm sao để tiếp tục may mắn như vậy trong những thương vụ đầu tư startup tiếp theo?”. Nhà đầu tư đó, im lặng và không có câu trả lời nào. Đúng vậy, thừa nhận rằng như mọi bất kỳ hoạt động đầu tư nào nói chung, thành công không thể không kể đến yếu tố may mắn, nhưng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố này, mà không hiểu được bản chất vì sao mình đầu tư thành công, thì chắc chắn bạn không thể tiếp tục thành công mãi với hoạt động đầu tư của mình. Đó không khác gì là hành động “đánh bạc” - phụ thuộc vào may rủi - may thì thắng, rủi thì thua. Do đó, trong hoạt động đầu tư startup, nói thẳng ra là chúng ta cần phải hiểu được cách chơi, nắm rõ được những yếu tố cần thiết, kiểm soát được thế trận để thắng, để liên tục thắng. Đó là lý do vì sao, tôi luôn muốn đồng hành ở cự ly gần với startup, liên tục đào sâu suy nghĩ, phân tích chia sẻ từng case startup. Cụ thể để cắt nghĩa thành công của họ, bằng việc tìm ra những yếu tố quan trọng về việc họ đã tiếp cận, giải những bài toán khó của mình như thế nào để từng bước tiến gần hơn tới thành công của mình.


Trên đây là chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi sau khi đọc cuốn sách Fooled By Randomness. Đây là cuốn sách vô cùng sâu sắc, khiến bạn dù là ai cũng có thể tìm thấy mình và liên tưởng tới hoạt động của mình trong đó, giống như tôi. Chắc chắn đây cũng là cuốn sách mà tôi phải đọc lại nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời, với những trải nghiệm khác nhau, để tìm ra những bài học ý nghĩa cho riêng mình. Hi vọng bài viết này của tôi có ý nghĩa tham khảo cho các bạn nhé! Yeah, just keep fighting!!!

bottom of page