top of page

Nghịch lý VC-driven Startup: Suy nghĩ về những điều quan trọng thực sự để startup phát triển bền vững

Trong bối cảnh gọi vốn nhiều khó khăn hiện nay, tôi được chứng kiến một nghịch lý là có nhiều trường hợp các nhà sáng lập đã nỗ lực để có thể gọi vốn được bằng mọi cách, trong đó có cách biến thành VC-driven startup. Cụ thể là startup có thể sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh, kế hoạch tài chính, kể cả những mục tiêu tham vọng đưa vào trong pitch deck, để phù hợp hơn với khẩu vị của nhà đầu tư mạo hiểm VC. Tôi cho rằng đây là một nghịch lý rất đáng tiếc, khi những thay đổi này lại không xuất phát từ những điều quan trọng thực sự với startup để phát triển. Điều này cuối cùng lại khiến startup không thể đi được đường dài. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết Daily Blog gần đây về Startup-Investor-Fit, với quan điểm thẳng thắn rằng, không phải startup nào cũng phù hợp với hình thức gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm VC. Nhìn chung VC sẽ luôn có những kì vọng lớn về tiềm năng mở rộng phát triển của startup khi đầu tư. Cụ thể, đó là startup cần chứng minh được sản phẩm của mình phù hợp với thị trường (Product Market Fit), cần tìm được mô hình tăng trưởng có thể tạo ra được lợi nhuận (Profitable Growth Model) và Quy trình vận hành có thể mở rộng (Scalable Operation) trong quá trình mở rộng phát triển để chiếm lĩnh thị trường của mình. Đây là những kì vọng cũng như điều kiện vô cùng khó khăn, hướng mục tiêu tài chính vô cùng tham vọng, nên chắc chắn đây không thể áp dụng với mọi công ty khởi nghiệp. Mọi sự cưỡng cầu, gượng ép để đưa vào khuôn mẫu kì vọng này sẽ chỉ để cố làm cho phù hợp với VC đầu tư, có thể khiến việc đồng hành với nhau, trở thành điều cả hai bên sẽ phải hối hận sau này.


Tôi đã từng được lắng nghe những chia sẻ đầy tiếc nuối của nhiều nhà sáng lập tới nay. Trong đó, có một nhà sáng lập chia sẻ rằng từ những ngày đầu của startup, để có thể nhận được vốn đầu tư của VC, nhà sáng lập và đội ngũ của mình đã cố gắng điều chỉnh mô hình kinh doanh, mục tiêu tài chính, chiến lược phát triển để phù hợp với kì vọng và lời khuyên của VC. Tuy nhiên, sau đó startup đã không phát triển được như kì vọng sau khi đã đốt hết tiền đầu tư, và rồi cũng không thể tiếp tục gọi vốn ở các vòng tiếp theo nữa. Những gì startup còn lại lúc này, là sản phẩm không phù hợp với thị trường khi khách hàng chưa trả tiền vì cũng không sử dụng nhiệt tình, chưa tìm ra được mô hình kinh doanh tạo ra doanh thu gia tăng bền vững, đội ngũ rơi rụng tinh thần chiến đấu với quy trình vận hành thiếu hiệu quả. Hơn hết đó là sự bế tắc, sự tiến thoái lưỡng nan, khi startup không có đủ sức mạnh và năng lực nội tại, cũng như khả năng huy động nguồn lực để tiếp tục phát triển.


Có lẽ nhà sáng lập đó nếu được chọn lại, chắc chắn sẽ muốn chọn hướng khác phù hợp hơn, làm những điều quan trọng thực sự với startup của mình hơn. Đó sẽ không phải là VC-driven startup, mà sẽ cần phải là Mission-driven, Customer-driven, Product-driven, Founder-driven, Team-driven startup. Cụ thể, startup luôn cần những kết nối mạnh mẽ với mục tiêu sứ mệnh của mình, có sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng của mình bằng những sản phẩm có giá trị, được xây dựng bởi những nhà sáng lập và đội ngũ bản lĩnh có năng lực, tầm nhìn. Nếu không startup sẽ không bao giờ có thể đi được đường xa. Mọi sự “điều chỉnh” chỉ để cố làm phù hợp, hướng tới những điều khác, như để hợp với quỹ đầu tư cho kêu gọi vốn, chỉ có tác dụng nhất thời, không thể thực sự kéo dài bền vững được.


Trên đây là một vài chia sẻ, là suy nghĩ đau đáu của tôi về những nghịch lý còn tồn tại ở hệ sinh thái khởi nghiệp chúng ta. Ở đó, để startup để đi được đường dài, phát triển bền vững được bằng nội lực của mình sau này, thì từ những ngày đầu tiên cần phải “driven” - có sự kết nối hướng tới những điều quan trọng nhất của mình. Đó là Mission, Customer, Product, Founder và Team. Để phát triển cần nhiều sự đánh đổi và hi sinh, nhưng tuyệt đối những điều này startup không thể thoả hiệp. Yeah, chúng ta cùng keep fighting giữ gìn và phát triển dựa trên những điều quan trọng này nhé!!

bottom of page