top of page

Startup-Investor-Fit: Chia sẻ về kỳ vọng của VC; đặc điểm ở startup và nhà sáng lập phù hợp mà tôi tìm kiếm để đầu tư đồng hành

Tôi là một nhà đầu tư luôn coi trọng Founder - Investor - Fit, mong muốn đồng hành có ý nghĩa trên hành trình phát triển của startup. Tuy nhiên, không ít lần tôi gặp phải tình huống “lệch pha” về kì vọng từ phía các nhà sáng lập startup. Cụ thể là từ những nhà sáng lập muốn gọi vốn vì đơn giản muốn được sự “Validation” từ phía quỹ đầu tư VC, hay muốn startup có thêm nguồn lực dồi dào sau vòng gọi vốn để mở rộng trong khi sản phẩm chưa đạt được PMF, hay thậm chí là gọi vốn từ VC vì nhà sáng lập chỉ nhìn ra đó là sự lựa chọn duy nhất của startup. Để giảm bớt những kì vọng “lệch pha” này, tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình để các nhà sáng lập hiểu rõ hơn về kỳ vọng của nhau, để chúng ta có thể tìm thấy Startup-Investor-Fit, trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Ngày nay, thời đại thông tin nở rộ, các nhà sáng lập startup chúng ta, đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên Internet, khi muốn tìm hiểu về hình thức gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm - VC. Tôi tin rằng việc chủ động tìm kiếm thông tin từ cơ bản tới nâng cao, là điều kiện cần thiết giúp các nhà sáng lập tìm ra được hình thức huy động vốn cũng như quỹ đầu tư phù hợp cho startup của mình. Do đó, trong khuôn khổ bài Daily Blog, tôi xin phép chia sẻ một vài thông tin cơ bản về cách hoạt động và kỳ vọng của một quỹ VC nói chung nhé!


Thông thường, trong vòng đời hoạt động 10 năm của một quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thường sẽ kì vọng các thương vụ đầu tư được thoái vốn (exit) trong khoảng 6~8 năm kể từ lúc đầu tư. Hình thức thoái vốn chỉ được diễn ra khi có sự kiện thanh khoản (Liquidity event), cụ thể là thông qua hình thức bán lại cổ phần sở hữu cho bên thứ ba (Secondary Shares Sales), mua bán sáp nhập M&A, hoặc IPO. Do đó, khi cân nhắc đầu tư vào bất kì một startup, bên cạnh đánh giá tổng quát các các yêu tố về tiềm năng thị trường, năng lực đội ngũ sáng lập và mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận, các quỹ đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc tới khả năng startup có thể có được những sự kiện thanh khoản kể trên trong khung thời gian cho phép để có thể thoái vốn có lợi nhuận hay không. Đây chính là điều cơ bản trong mô hình kinh doanh đầu tư của các quỹ VC, đòi hỏi các nhà sáng lập startup cần phải tìm hiểu kỹ khi tiếp cận với bất kỳ một quỹ đầu tư nào. Cụ thể, các nhà sáng lập cần hiểu thời gian bắt đầu vận hành của một quỹ, để tính ngược lại quỹ còn bao nhiêu năm hoạt động trong vòng đời của quỹ, thời điểm họ kỳ vọng có thể được thoái vốn và ở mức nào. Dựa trên đó, các nhà sáng lập cần nghiêm túc trả lời câu hỏi, rằng định hướng và mục tiêu phát triển của startup mình liệu có phù hợp với kì vọng của quỹ đầu tư đó hay không?


Sau khi tìm hiểu và suy nghĩ câu trả lời nghiêm túc, có thể có nhiều nhà sáng lập sẽ nhận ra giống tôi rằng, không phải startup nào cũng phù hợp với quỹ đầu tư mạo hiểm. Vốn là một nhà đầu tư tin tưởng vào tư duy phát triển bền vững, dựa trên tầm nhìn lớn, nền móng chắc chắn, chiến lược sắc sảo và năng lực thực thi hiệu quả, tôi cũng đau đáu nhận ra mình thật ra không có nhiều sự lựa chọn startup phù hợp mà mình muốn và có thể đồng hành, trong sự bó hẹp khuôn mẫu đầu tư của VC và kì vọng của nhà sáng lập. Thực sự, tôi chỉ có thể đầu tư vào startup có khả năng mở rộng, của các nhà sáng lập mà từ những ngày đầu tiên đã có tầm nhìn lớn thiết kế công ty trở thành công ty lớn trong một thập kỉ tới.


Tôi đã từng viết chia sẻ những điều kiện quan trọng của một startup có thể mở rộng (Scalable startup) trong bài blog SCALE và nguyên lý Cái rổ thủng: Đừng vội khi Startup chưa đủ "chín"! của mình. Ở đó startup cần kiểm chứng được sản phẩm phù hợp với thị trường (Product Market Fit: PMF), cần tìm được mô hình tăng trưởng có thể tạo ra lợi nhuận bền vững và tạo ra được quy trình vận hành có thể mở rộng.


Scalable startup= Product Market Fit + Profitable Growth Model + Scalable Operation

Tôi luôn muốn tìm kiếm những startup có thể phát triển nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng ra tăng của thị trường, mang sản phẩm tới khách hàng mục tiêu theo cấp số nhân với chi phí cận biên giảm dần. Ở đó, doanh thu liên tục gia tăng khi startup mở rộng hoạt động kinh doanh, mà không gia tăng thêm quá nhiều nguồn lực, do chi phí sản xuất và vận hành trên từng đơn vị sản phẩm liên tục được tối ưu. Điều này sẽ cho phép các công ty mở rộng quy mô nhanh hơn, hiệu quả hơn trong khi vẫn đảm bảo phát triển lợi nhuận bền vững cần có một công ty phát triển.


Các nhà sáng lập của những Scalable startup này, từ những ngày đầu tiên luôn cần có một tư duy sắc sảo và tầm nhìn rõ ràng về định hướng phát triển mở rộng startup theo từng giai đoạn của mình. Từ đây, các nhà sáng lập cần sáng suốt chọn ra nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm phù hợp thực sự có thể đồng hành với mình trong mỗi giai đoạn đó, để hiện thực hoá tầm nhìn và mục tiêu kinh doanh của mình. Đây cũng chính là điều cần có, luôn trong 8 điểm chung nhất quán thường tìm thấy ở các nhà sáng lập startup thành công mà tôi muốn đầu tư và đồng hành. Với đặc thù vòng đời và kỳ vọng exit của quỹ đầu tư mạo hiểm nói chung, tôi luôn muốn tối ưu giá trị đóng góp cho sự phát triển của startup một cách ý nghĩa nhất có thể trong thời gian đồng hành. Một khi hiểu được rõ mục tiêu hướng đến của startup trong từng giai đoạn, tôi có thể biết được mình cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả nhất cho nhà sáng lập startup mình đồng hành. Đó là lý do vì sao, tôi luôn coi trọng Startup - Investor - Fit dựa trên sự phù hợp, sự tin tưởng, và sự giao tiếp hiệu quả về mục tiêu cụ thể qua từng giai đoạn của startup.


Hi vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp các nhà sáng lập hiểu hơn về kỳ vọng của tôi trong quá trình tìm hiểu quỹ đầu tư đồng hành phù hợp cho startup của mình. Tôi tin rằng, sự lựa chọn đúng luôn là cách tránh sai hiệu quả nhất. Để có được sự lựa chọn đúng đòi hỏi nhiều nỗ lực tìm hiểu. Trước hết là hiểu mình về mục tiêu hướng đến và sau đó là hiểu đối phương ở kỳ vọng dành cho mình. Khi cả bên có sự phù hợp thực sự, thì việc còn lại chỉ là làm sao tập trung vào hiện thực hoá mục tiêu đó cùng với nhau khi đồng hành. Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!

bottom of page