top of page

Vulnerable Leadership: Bài học về lãnh đạo vào thời điểm “dễ vụn vỡ” của cá nhân và startup

Xin chào các bạn! Hôm nay, tôi đã có một buổi thảo luận vô cùng ý nghĩa với GP Takahiro Suzuki về một phong cách lãnh đạo gọi là Vulnerable Leadership. Đây là phong cách lãnh đạo khi mới nghe lần đầu, có thể khiến các bạn đặt ra nhiều câu hỏi hoặc né tránh. Tôi ban đầu cũng vậy. Là một người luôn dương cao tinh thần “Keep fighting”, để luôn trong trạng thái chiến đấu, bản thân tôi không cho phép mình yếu đuối. Nhưng hôm nay tôi đã học được bài học quan trọng để hiểu sâu sắc hơn về phong cách lãnh đạo đặc biệt này. Tôi xin phép được chia sẻ những bài học của mình tới các nhà sáng lập, qua bài Daily Blog hôm nay nhé!


Các nhà sáng lập chắc hẳn có thể tìm thấy mình đâu đó trong đây. Bạn nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ. Bạn hi sinh hầu như mọi thứ xung quanh để dành trọn thời gian và tâm trí của mình “All-in” vào startup của mình. Bạn gánh trách nhiệm gồng gánh đưa startup phát triển, dưới áp lực căng thẳng và guồng quay công việc không tưởng mỗi ngày. Nhiều lúc, bạn không có đủ thời gian để ăn, để nghỉ ngơi, thậm chí là không có một khoảng lặng có giá trị để suy nghĩ và để hít thở đủ sâu. Bạn luôn phải thể hiện mình là người mạnh mẽ nhất, tự tin nhất, và biết hết câu trả lời cho mọi bài toán phát triển của startup mình. Rồi một ngày, bạn nhận ra mình bị đuối sức, hụt hơi. Khi mọi thứ đều đến cùng một lúc với cường độ mạnh gấp nhiều lần: công việc chồng chất, khách hàng la ó, chậm deadline giao sản phẩm, nhân viên bất mãn, gia đình trách mắng, sức khoẻ cả thể chất và tinh thần bị đi xuống.


Đúng vậy, đây chính là những khoảnh khắc chân thực nhất về sự vụn vỡ, dễ tổn thương, yếu đuối nhất của bất kỳ một nhà sáng lập nào. Luôn đặt trong bối cảnh vận hành một startup với nhiều hạn chế về nguồn lực và thời gian, với nhiều áp lực và kỳ vọng tăng trưởng từ nhiều phía, cùng với đó là nhiều thách thức và biến số là sức cản startup tiến về phía trước, hỏi làm sao các nhà sáng lập có thể “gồng” mãi được trong vai người mạnh mẽ? Các nhà sáng lập cũng là con người. Đặc biệt, là người leo lên con tàu lượn mang tên startup, với nhiều thăng - trầm mà trầm thì tưởng chừng luôn nhiều hơn thăng, thì việc nhà sáng lập có những khoảnh khắc vụn vỡ, yếu đuối là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ngược lại nếu không có, thì mới là điều đáng phải lo.


Những lúc đối mặt với sự vụn vỡ này, các nhà sáng lập sẽ thường làm gì? Giấu đi chúng vì không muốn ai nhìn thấy mình yếu đuối, chịu rủi ro bị người khác đánh giá mình? Hay là đối mặt và tận dụng những lợi ích của chúng? Đọc tới đây, chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc rằng, “Ồ, chúng cũng có những lợi ích?”. Đúng vậy!! Thật ra, đây cũng là một phạm trù nằm trong EQ - trí tuệ cảm xúc - yếu tố cần có một một nhà lãnh đạo bản lĩnh thu phục lòng người. Việc các nhà sáng lập thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ về những thách thức khó khăn vụn vỡ, một cách có chọn lọc, với các cộng sự của mình có thể tạo ra sự cảm thông, từ đó là sự gắn kết, và sự đồng lòng hỗ trợ từ mọi người. Đây cũng là chất xúc tác quan trọng để tạo ra môi trường làm việc cởi mở, chân thành và tin tưởng lẫn nhau. Bản thân nhà sáng lập khi chia sẻ ra, nhận lại được sự ủng hộ, cũng sẽ giúp phần nào họ vơi bớt đi gánh nặng tinh thần của mình. Các cộng sự thì có cơ hội được hiểu hơn về nhà sáng lập, cảm thấy đồng điệu và cảm thông hơn, từ đó là sự gắn kết và muốn đồng hành giúp đỡ nhà sáng lập của mình hơn nữa.


Dù hiểu được lợi ích của việc đối mặt với những khoảnh khắc “vulnerable” như vậy của bản thân, nhưng thực sự việc chia sẻ nó ra với cộng sự của mình vẫn là điều thách thức với bất kỳ lãnh đạo nào. Sự yếu đuối vẫn là sự yếu đuối, nhưng khi chia sẻ ra sự yếu đuối đó lại là một sự dũng cảm rất lớn. Mà sự tinh thần dũng cảm không phải là một trong những đức tính luôn có ở các lãnh đạo hay sao?


Các nhà sáng lập sẽ cần dũng cảm hơn để chia sẻ về những thách thức trong cuộc sống cũng như trong công việc tại startup mình. Tất nhiên, nội dung chia sẻ và đối tượng để sẻ chia, cũng cần được chọn lọc phù hợp và cần có ranh giới, để đảm bảo được hiệu quả của việc chia sẻ đó.


Các nhà sáng lập sẽ cần dũng cảm hơn để thừa nhận lỗi sai của mình. Không có ai là hoàn hảo, luôn đúng cả. Việc chân thành nhận ra lỗi sai, xin lỗi, và chia sẻ bài học của mình sẽ khiến nhà sáng lập nhận được sự cảm thông, ủng hộ hơn nữa từ các cộng sự của mình.


Các nhà sáng lập cũng sẽ cần dũng cảm hơn để nhận ra mình không phải là người “biết tuốt”, có mọi câu trả lời, để từ đó là cởi mở đón nhận góp ý của những người quan trọng xung quanh, và những ý tưởng đóng góp của đồng đội mình.


Các nhà sáng lập sẽ cần dũng cảm và khéo léo, khi chia sẻ về thách thức, không quên kết nối với mục tiêu hướng đến của cá nhân và tổ chức. Để từ đó, có thể nhận được nhiều sự đồng lòng tham gia giúp đỡ của mọi người, để hiện thực hoá mục tiêu đó, cùng với nhau một cách mạnh mẽ hơn.


Những khó khăn trước mặt, những khoảnh khắc “dễ vụ vỡ” nếu được sử dụng một cách đúng đắn hiệu quả, thì có thể giúp bạn và tổ chức của mình vượt qua mạnh mẽ hơn. Hi vọng những chia sẻ trên đây của tôi sẽ là những gợi ý nho nhỏ giúp các nhà sáng lập đối mặt và quản trị những thách thức của mình. Yeah, chúng ta hãy cùng Keep fighting nhé, và bắt đầu từ những lời chia sẻ nhỏ bé làm ví dụ dưới đây, gửi tới cộng sự của mình nhé!!

Chúng ta đều đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, tôi biết các bạn đang có nhiều lo lắng, bản thân tôi cũng vậy. Mấy ngày vừa qua tôi không thể nào ngủ được, ăn không ngon, và thấy trong người bắt đầu đuối sức. Nhưng tôi cứ nghĩ suốt làm sao chúng có thể đưa sản phẩm này ra thị trường một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn nữa hay không. Tôi cần các bạn giúp đỡ. Chúng ta cùng nhau thảo luận tìm cách nhé!

bottom of page