top of page

Kamereo: Keep fighting trên hành trình xây dựng Food Supply Chain bền vững tại Việt Nam nhé!

Hôm nay tôi rất vui được tới tham dự sự kiện giới thiệu và trải nghiệm ẩm thực Nhật Bản, đánh dấu hợp tác chiến lược giữa Kamereo và Gyomu trong việc phân phối thực phẩm của Nhật tại Việt Nam. Gyomu là hệ thống chuỗi siêu thị bán sỉ và bán lẻ tại Nhật, nổi tiếng tập trung vào chất lượng, sản phẩm với khối lượng lớn, giá thành rẻ. Thực tế, tôi cũng có 4 năm tin dùng các sản phẩm bán tại hệ thống Gyomu khi còn là sinh viên đại học Osaka tại Nhật. Được chứng kiến hợp tác chiến lược hôm nay, khiến tôi rất vui vì từ nay mình có thể mua được những sản phẩm quen thuộc trước đây ngay tại Việt Nam, thông qua Kamereo. Đồng thời khiến tôi suy nghĩ sâu sắc về hành trình xây dựng Food Supply Chain của Kamereo tới nay.


Kamereo là nền tảng B2B cung cấp thực phẩm sỉ cho các nhà hàng quán ăn, khách sạn, quán cafe, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, và các cửa hàng thực phẩm tại Việt Nam. Chỉ giới thiệu tới đây thôi, chắc hẳn các bạn cũng có thể hình dung ra những thách thức lớn mà startup từ những ngày đầu phải đối mặt. Có thể nói bài toán chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam là bài toán lớn quá khó để giải, nhất là với những startup với nguồn lực hạn chế. Cụ thể, bài toán của giá thành, của chất lượng, của vận hành tối ưu hiệu quả - mà tất cả phải giải cùng một lúc. Cũng vì vậy, rất tiếc thực tế cũng đã có nhiều startup đã đến rồi phải rời khỏi thị trường.


Để giải được bài toán khó này, đòi hỏi startup phải có lợi thế chiến lược để tạo ra Flywheel - vòng quay tiếp nối của những việc quan trọng theo thứ tự sau: Chọn Cung (Supply) đặc biệt để thu hút Cầu (Demand) - là khách hàng mục tiêu ban đầu. Rồi từ từ tăng Cung để tăng và giữ chân Cầu. Từ đó, tiếp tục tạo lợi thế mở rộng chuỗi cung ứng tiến gần hơn về phía Cung, hợp tác với nhiều đối tác Cung để có được nguồn Cung khác biệt với giá thành tốt, để tiếp tục gia tăng Cầu hơn nữa. Thực tế, để thực thi được theo thứ tự này, cần startup phải rất kỉ luật trong lựa chọn đúng Cung và Cầu, đồng thời kiên nhẫn tìm đường, không ngừng tối ưu mọi lợi thế chiến lược mình có thể có.


Những ngày đầu tiên, Kamereo đã tận dụng lợi thế của nhà sáng lập người Nhật, có sự am hiểu và mối quan hệ rộng với các nhà hàng ẩm thực Nhật, do đó, startup này đã một cách chiến lược lựa chọn Cung thực phẩm phù hợp dành cho đối tượng “ngách” (Niche) - các nhà hàng ẩm thực Nhật Bản làm khách hàng mục tiêu ban đầu. Sau đó, Kamereo từ từ đa dạng hơn các nguồn Cung - đặc biệt là các sản phẩm có tần suất được khách hàng đặt mua cao, từng bước tăng được Cầu, cũng như tăng wallet share (phần trăm trong số tiền khách hàng sử dụng để mua sản phẩm từ một bên cung ứng) của mỗi khách hàng.


Bên cạnh đó, như tôi đã từng chia sẻ về Customer Retention - KSF với case study về Kamereo. Startup này đã có những cách tiếp cận hiệu quả, giúp startup này không ngừng gia tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng của mình, với mức trung bình hơn 80% khách hàng tiếp tục sử dụng mỗi tháng - tức là cứ 100 khách hàng bắt đầu sử dụng thì sẽ có hơn 80 khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ của Kamereo trong những tháng tiếp theo. Cụ thể, Kamereo đã nỗ lực tạo ra Stickiness - sự kết dính của khách hàng đối với dịch vụ và sản phẩm của mình, bằng việc mang tới chính những giá trị mà khách hàng cần và luôn nỗ lực khiến họ hài lòng với những giá trị đó. Theo nhà sáng lập & CEO Taku Tanaka chia sẻ, Kamereo từ những ngày đầu đã xác định rất rõ Value Proposition - những giá trị mà startup sẽ mang tới cho phân khúc khách hàng mục tiêu của mình. Trong đó, cụ thể là: Mức giá cạnh tranh; Chất lượng sản phẩm tốt, Chất lượng dịch vụ và vận hành tốt. Để tạo ra những giá trị kể trên, toàn bộ đội ngũ của Kamereo đã liên tục theo đuổi tinh thần Kaizen - một triết lý kinh doanh rất nổi tiếng của người Nhật - đó là tinh thần cải tiến, hoàn thiện liên tục dựa trên feedback góp ý từ khách hàng và dữ liệu data thực tế của startup. Đồng thời, việc tách riêng team Sales và team Customer Support (CS) với những skill set và ưu tiên focus khác nhau, ra để chăm sóc hiệu quả tập khách hàng mới và khách hàng cũ, đã giúp Kamereo này cải thiện được rất nhiều tỉ lệ giữ chân khách hàng của mình tới nay.


Có thể nói chính những nỗ lực Kaizen không ngừng nghỉ này một cách chiến lược của Kamereo, đã giúp startup này tiếp tục hành trình mở rộng chuỗi cung ứng Food Supply chain của mình tại Việt Nam. Và lần này, hợp tác chiến lược với đối tác Cung - Gyomu, đánh đấu bước tiến chiến lược của Kamereo, trong việc có được lợi thế tốt để tiền gần hơn với đầu Cung, hợp tác win-win trong việc phân phối nguồn Cung sản phẩm với chất lượng cao và giá thành tốt cho chính khách hàng - Cầu của Kamereo. Từ đây, flywheel lại tiếp tục được quay, giúp Kamereo càng dễ dàng thu hút và giữ chân khách hàng với nguồn Cung dồi dào đặc biệt của mình. Thực tế cho thấy, số lượng khách hàng của Kamereo ngày càng được mở rộng, vượt ra khỏi tập khách hàng ban đầu, bao gồm đa dạng các quán ăn, khách sạn, quán cafe, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, và các cửa hàng bán thực phẩm khác nhau tại Việt Nam.


Là quỹ đầu tư từ vòng hạt giống vào Kamereo, Genesia Ventures chúng tôi cảm thấy vô cùng vui, đánh giá cao sự quyết tâm, bản lĩnh, năng lực của nhà sáng lập và đội ngũ Kamereo, trong việc kiên trì từng bước đi tìm lời giải cho bài toán khó - xây dựng chuỗi cung ứng bền vững Food Supply Chain tại Việt Nam với tinh thần Kaizen của mình. Tham gia sự kiện hôm nay, bên cạnh gửi lời chúc mừng, tôi không quên gửi tặng lời cổ vũ dành cho nhà sáng lập & CEO Taku Tanaka: Yeah, just keep fighting, Kamereo!!

bottom of page