top of page

Bài toán xây dựng MOAT #2: Suy nghĩ về việc xây dựng văn hoá startup từ giai đoạn sớm

Khi nhắc về MOAT - con hào kinh tế tạo khoảng cách cạnh tranh để chiến thắng mọi đối thủ của startup, mọi người thường nhắc về những “big word” như Network Effects (Hiệu ứng mạng), Branding (Thương hiệu), Switching Costs (Chi phí chuyển đổi), Economies of Scale (Tính kinh tế theo quy mô),…là những khái niệm thường sẽ chỉ dành cho startup ở giai đoạn trưởng thành và đã đạt được quy mô lớn. Vậy còn startup ở giai đoạn sớm thì sao? Là nhà đầu tư khởi nghiệp đồng hành với startup ở giai đoạn hạt giống, tôi luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để startup có thể từng bước vững chắc xây dựng được lợi thế MOAT, là tiền đề để doanh nghiệp phát triển bứt phá và bền vững sau này. Nối tiếp bài viết trong series về Bài toán xây dựng MOAT, hôm nay tôi xin phép được chia sẻ về việc xây dựng văn hoá startup từ giai đoạn sớm nhé!


Tôi tin rằng, nếu như so sánh một tổ chức như là cơ thể một con người, thì văn hoá tổ chức được cọi như là linh hồn của con người. Ở đó bao gồm nhận thức, niềm tin, giá trị cốt lõi và mục tiêu mà tổ chức muốn hướng đến. Đây được coi là cái gốc quan trọng có khả năng chi phối quyết định, hình thành thói quen và hành động mỗi ngày của mỗi người làm việc ở trong đó.


Tôi đặc biệt ấn tượng với những dòng chia sẻ trong bức thư gửi các cổ đông của Berkshire Hathaway của Warren Buffett vào năm 2005, như dưới đây:


💡 Every day, in countless ways, the competitive position of each of our businesses grows either weaker or stronger. If we are delighting customers, eliminating unnecessary costs and improving our products and services, we gain strength. But if we treat customers with indifference or tolerate bloat, our businesses will wither. On a daily basis, the effects of our actions are imperceptible; cumulatively, though, their consequences are enormous. When our long-term competitive position improves as a result of these almost unnoticeable actions, we describe the phenomenon as “widening the moat.”

(Tạm dịch: Mỗi ngày, theo vô số cách khác nhau, vị thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp của chúng ta trở nên yếu đi hoặc mạnh hơn. Nếu chúng ta làm hài lòng khách hàng, loại bỏ các chi phí không cần thiết và cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng nếu chúng ta đối xử với khách hàng một cách thờ ơ hoặc chấp nhận sự lãng phí, doanh nghiệp của chúng ta sẽ suy tàn. Hàng ngày, tác động của hành động của chúng ta là không thể nhận thấy được; nhưng tích lũy lại, hậu quả của chúng là rất lớn. Khi vị thế cạnh tranh dài hạn của chúng ta cải thiện nhờ những hành động gần như không thể nhận thấy này, chúng ta gọi đó là hiện tượng "Mở rộng MOAT".

Do đó, tôi có niềm tin rằng, một văn hoá startup tốt sẽ tạo ra những quyết định và hành động tốt của mỗi người trong doanh nghiệp đó, từ nhỏ tới lớn, được tích luỹ mỗi ngày, từ đó tạo nên lợi thế canh tranh dài hạn thực sự của startup)


Trong bài viết Daily Blog trước đây về xây dựng Core Values (giá trị cốt lõi) của startup, tôi có chia sẻ về Case study của Zappos - là nền tảng bán lẻ dày dép trực tuyến lớn nhất thế giới. Một trong những giá trị cốt lõi của Zappos theo đuổi từ những ngày đầu tiên của mình, đó là: “Deliver WOW Through Service” (Trực dịch: Mang tới cho khách hàng những trải nghiệm vượt xa mong đợi). Đây chính là một trong những giá trị cốt lõi quan trọng lấy khách hàng làm trung tâm, đã định hình một cách nhất quán trong văn hoá tổ chức của startup này. Từ đó đã phản ánh toàn bộ chính sách, chiến lược, và hành động của toàn bộ nhân viên Zappos trong hành trình chinh phục khách hàng của mình. Cụ thể, Zappos có chính sách đào tạo nhân sự mới vào ở bất kỳ vị trí nào, bằng việc để họ dành 5 tuần đầu tiên chỉ để trực điện thoại từ khách hàng để hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng làm tiền đề để bắt đầu chinh phục những “thượng đế” của mình. Hơn nữa, nếu khách hàng đặt mua giày trên Zappos, họ sẽ đinh ninh là mình sẽ nhận được hàng sau 3 - 7 ngày giống như nhiều bên khác, nhưng Zappos làm họ ngạc nhiên khi có thể nhận được hàng chỉ sau 1 ngày order. Không dừng ở đó, thậm chí khi khách hàng tìm mua nhưng hết hàng bán, Zappos còn sẵn sàng chỉ cho khách hàng mua sản phẩm đó ở các trang web của đối thủ, để khách hàng có thể mua được sản phẩm mà mình mong muốn.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về vai trò xây dựng văn hoá, là cái gốc quan trọng tạo nên MOAT của startup. Đây chắc chắn là lợi thế cạnh tranh dài hạn, cần được xây dựng một cách bền bỉ từ những ngày đầu tiên, và là cơ hội công bằng cho mọi startup nếu chú tâm xây dựng từ những ngày đầu tiên của mình. Hi vọng các nhà sáng lập không bị cuốn trong bài toán tồn tại mang tên “cơm áo gạo tiền”, mà quên mất cái gốc “linh hồn” quan trọng này của doanh nghiệp mình. Yeah, chúng ta cùng keep fighting xây dựng MOAT này cho startup của mình nhé!

bottom of page