Vừa qua, điều làm tôi đặc biệt ấn tượng trong báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Grab đó là, cam kết Tăng tốc trở thành công ty có lãi (Accelerating path to profitability). Mục tiêu này của Grab có lẽ sẽ không còn xa nữa, với kết quả kinh doanh tích cực của năm 2022, sẽ là tiền đề giúp Grab có thể đạt được lợi nhuận sớm hơn theo kế hoạch, đó là vào quý 4 năm 2023, thay vì phải tới hết quý 2 năm 2024. Có lẽ cả Airbnb với kết quả có lãi lần đầu tiên trong lịch sử của startup này, Grab cũng đang cho thấy một bài học thực thế trong bối cảnh kinh tế suy thoái vốn như hiện nay, dành cho các founder, những người vẫn đang phân vân lựa chọn giữa lợi nhuận và tăng trưởng: Rủi ro là bất đối xứng. Nếu có lãi, bạn vẫn có thể sống để chiến đấu tiếp. Nếu bạn hết tiền, bạn sẽ chết và không còn cơ hội để tiếp tục cố gắng nữa!
Đúng vậy, trong mùa đông gọi vốn với dòng tiền đầu tư khan hiếm như hiện nay, đã buộc startup ở mọi quy mô, cần phải làm chủ vận mệnh của mình, duy trì huyết mạch là dòng tiền trong công ty của mình, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền từ bên ngoài như từ nhà đầu tư. Để làm được như vậy, startup cần ưu tiên tăng thu - giảm chi, cụ thể là vừa ưu tiên tăng doanh thu, vừa tập trung vào tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, hướng tới có lãi càng sớm càng tốt. Thực tế cũng cho thấy, những startup làm được điều này - tập trung cân bằng giữa tăng trưởng top-line và đạt được lợi nhuận bottom-line, rút cuộc lại có ưu thế hơn cả, khi họ có thể trở thành ngôi sao sáng nhất trong “màn đêm” ảm đạm của thị trường đầu tư hiện nay, giúp họ vẫn có thể tiếp tục tiếp cận được dòng vốn để bứt phá, chiếm lĩnh thị trường trong khi các đối thủ của mình thì không thể làm gì được cả.
Ai bảo startup không thể cân bằng phát triển được cả top-line và bottom-line? Airbnb đã làm được. Và Grab cũng đã làm được.
Cụ thể, doanh thu của Grab trong năm 2022 vừa qua đã tăng 112% đạt được 1.43 tỉ USD, với tổng giá trị giao dịch trên nền tảng tăng 24% là 19.9 tỉ USD. Bên cạnh đó, con số lỗ của công ty cho thấy được cải thiện 51% xuống còn 1.74 tỉ USD.
Dưới đây là 2 lý do chính giải thích vì sao Grab đã duy trì được đà tăng tưởng về top-line đồng thời cải thiện tích cực được bottom-line.
Đầu tiên là nhu cầu di chuyển của người dùng gia tăng sau đại dịch, kéo theo doanh thu ghi nhận trên nền tảng cho mảng đặt xe đã lấy lại đà hồi phục từ Q1 năm 2022 ở khắp các thị trường Grab hoạt động. Cụ thể, doanh thu mảng này đã tăng trưởng mạnh trong quý Q4 năm 2022, và tăng 78% so với năm trước đó. Cùng với đó, sự khởi sắc trong ngành du lịch cũng có tác động tích cực đến nhu cầu di chuyển với việc đưa đón sân bay tăng 244% theo năm và 14% theo quý.
Thứ hai, là Grab đã hoàn thiện, khéo léo kết hợp các sản phẩm và dịch vụ trong hệ sinh thái siêu ứng dụng của mình, bao gồm đặt xe, giao đồ ăn, dịch cụ tài chính, nhằm gia tăng “stickiness and engagement” - sự kết dính của người dùng với nền tảng này, từ đó là giúp gia tăng số lượng khách hàng sử dụng theo tháng ít nhất một dịch vụ của hãng này tăng lên 33.6 triệu trong Q4 2022, từ mức 26 triệu người trong Q4 năm 2021. Đây cũng chính là lợi thế giúp Grab bắt đầu tư tự tin làm 2 việc: Gia tăng take rate lên tới 10% trên tổng giá trị giao dịch trong quý vừa qua, so với với mức 2% của Q4 năm trước đó, và Cắt giảm các chương trình incentives - khuyến mãi dành cho khách hàng và đối tác của mình xuống còn 8.2% trên tổng GMV trong quý Q4 2022, thay vì 13% trong cùng quý đó năm 2021. Chính những điều này, giúp Grab gia tăng thêm biên lợi nhuận, khiến công ty đạt được kết quả tích cực cho bottom-line, từ đó là rút ngắn đường tới điểm có lãi cho công ty.
Thêm một lần nữa, Grab lại là niềm cảm hứng cho các startup chúng ta là cần tập trung vào điều quan trọng nhất, đó là cần sớm có lãi. Mùa đông gọi vốn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm nay, chỉ có startup nào có bản lĩnh, nhanh nhạy điều chỉnh chiến lược phù hợp, tìm thấy điểm có lãi cho mình, để tự làm chủ vận mệnh của mình trước tiên, thì sẽ có cơ hội để chiến đầu tiếp. Yeah, keep fighting nhé!!!