top of page

Bài toán Đồng sáng lập #4: Làm gì khi năng lực của đồng sáng lập không còn phù hợp với startup?

Trong bài viết trước về 5 lý do quan trọng thường tìm thấy trong các mối quan hệ căng thẳng của các đồng sáng lập tại startup, tôi có đề cập tới vấn đề chênh lệch năng lực phát sinh ở các đồng sáng lập trong quá trình phát triển của startup. Có lẽ một trong những thử thách lớn của startup, đó là khi các đồng sáng lập nhận ra người đồng sáng lập kia không còn có năng lực phù hợp với yêu cầu tại startup nữa, khi họ phải đứng trước áp lực tuyển người quản lý có năng lực tốt hơn vào thay thế đồng sáng lập đó. Đây có thể là sự lựa chọn khó khăn, gây nhiều “tổn thương” cho các bên. Do đó câu hỏi đặt ra sẽ là, các đồng sáng lập startup nên làm thế nào trong hoàn cảnh này?


Ở những ngày đầu tiên đồng hành gây dựng startup, có thể các đồng sáng lập tìm thấy và chọn nhau chỉ vì có chung tầm nhìn, lý tưởng và mục tiêu sáng lập startup, nhưng theo thời gian, họ sẽ nhận ra những điều đó là chưa đủ. Họ cần ở đồng sáng lập của mình, có bộ năng lực bổ khuyết lẫn nhau, có khả năng lãnh đạo, sự nhanh nhạy giải quyết vấn đề, và tư duy học tập nhanh chóng các bộ kỹ năng cần thiết của mình để đưa startup cất cánh. Đặc biệt là khi startup phát triển hơn, đội ngũ được mở rộng, trong khi năng lực của đồng sáng lập không thể “scale” phát triển theo cùng tốc độ của startup, thì có thể các nhân viên có nhiều kinh nghiệm được tuyển vào sẽ nhận thấy đồng sáng lập không đủ giỏi và thuyết phục để họ lắng nghe, và làm việc cùng, thì đây thực sự có thể là “nút thắt cổ chai” cho sự phát triển của startup.


Điều đầu tiên trong việc tiếp cận xử lý hợp tình hợp lý, là giữa các đồng sáng lập cần thiết cập bộ nguyên tắc ứng xử làm nền tảng dựa trên sự tự nhận thức (Self Awareness) và thẳng thắn cởi mở vì startup chung. Đây là hai điều rất quan trọng làm tiền đề để các đồng sáng lập ngồi lại, hạ cái tôi xuống, thẳng nhắn nhìn nhận lại sự thiếu sót trong khả năng của mình. Từ đây, cùng đánh giá phân tích khả năng đồng sáng lập đó có thể hoàn thiện bằng việc trau dồi học tập để bắt kịp với yêu cầu của công ty hay không. Nếu là có thể, thì rất tuyệt vời! chúc mừng startup đã đồng sáng lập có growth mindset với năng lực học hỏi và hoàn thiện tốt. Tuy nhiên, nếu như là người đồng sáng lập đó không thể học tập bắt kịp được, thì rất tiếc đội ngũ sáng lập cần tính đến biện pháp tuyển người hoặc đề bạt người trong tổ chức có năng lực tốt hơn vào thay thế.


Trong trường hợp này, tiếp theo sẽ đòi hỏi đội ngũ sáng lập phải rất khéo léo và tinh tế, đó là xác định lại chức danh và vai trò nhiệm vụ của đồng sáng lập đó. Đây cũng là những quyết định rất khó khăn, gây ra nhiều “tổn thương” cho đối phương từng đồng cam cộng khổ với nhau từ những ngày đầu. Vì vậy một lần nữa, nguyên tắc ứng xử nền tảng cần có giữa mọi người đó là sự tự nhận thức (Self Awareness) và thẳng thắn cởi mở vì startup chung. Nếu không có những nền tảng này, thì cái tôi và sự ích kỉ sẽ xâm chiếm lấy người đồng sáng lập đó, khiến họ khó chấp nhận việc để người khác thay thế mình. Bên cạnh đó, để giảm tính “sát thương” và cũng là cách làm đơn giản nhất, đó là vẫn giữ tên chức vụ cho người đồng sáng lập đó, trong khi thu hẹp dần các vai trò nhiệm vụ mà họ có thể làm tốt, và trao chức danh gần tương đương cho người mới có năng lực hơn. Ví dụ như, đồng sáng lập làm CMO - Giám đốc Marketing, thì người mới thay thế có thể để chức danh là VP of Marketing hoặc Head of Marketing. Hoặc nếu người đồng sáng lập đó thực sự không có đủ năng lực làm về Marketing, trong khi họ lại có khả năng khác như giao tiếp bên ngoài tạo mối quan hệ kinh doanh cho công ty, thì có thể để chức danh CxO khác thay thế cho CMO.


Tuy nhiên, theo thời gian, dù sau nhiều nỗ lực giữ hoặc cập nhật chức danh cũng như thay đổi vai trò công việc của đồng sáng lập đó rồi mà thực sự họ vẫn không thể “scale” có đủ năng lực đáp đứng được yêu cầu của công ty, khiến mọi người trong công ty cũng không còn đủ tin tưởng vào khả năng thay đổi phát triển của người đó. Thêm nữa, chính bản thân người đồng sáng lập này cũng nhận ra mình thực sự không còn chỗ nào phù hợp ở startup nữa, họ mất dần động lực làm việc, dần dần tới tâm lý buông bỏ nhiệm vụ. Thì đây cũng là lúc mọi người cần ngồi lại để đi đến quyết định khó khăn hơn hơn, đó là để người đồng sáng lập đó ra đi. Đây cũng là quyết định gây ra rất nhiều tổn thương, không chỉ cho một và cả tổ chức, cả cổ đông, đối tác của startup đó. Tôi xin phép sẽ chia sẻ về đề tài khó này trong một bài Daily Catchup tiếp theo nhé!


Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách tiếp cận với tình huống thử thách khi đồng sáng lập không còn có năng lực phù hợp với startup. Thực sự trong vô vàn những thách thức luôn thường trực tại startup, thì đây vẫn luôn là một trong những thử thách kinh điển của sự tổn thương, dằn vặt, của sự hi vọng và sự mất lòng tin. Do đó, đòi hỏi các nhà đồng sáng lập cần có đủ sự thông cảm, sự tri ân, sự thẳng thắn cần thiết với đối phương để có cách xử lý hợp tình hợp lý nhất có thể. Yeah, Keep fighting nhé!

bottom of page