top of page

Suy nghĩ về việc xây dựng văn hoá Feedback tại startup

Trong quá trình thảo luận với tôi, có rất nhiều nhà sáng lập cả trong và ngoài startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư, đều cảm thấy bất ngờ vì sự thẳng thắn chia sẻ ý kiến và góp ý của tôi. Và từ chính những phản ứng khác nhau của mỗi nhà nhà sáng lập trước các feedback của tôi, có thể nói lên rất nhiều về tính cách, bản lĩnh của cá nhân nhà sáng lập, cũng như phản ánh văn hoá của startup họ đang xây dựng. Trong bài Daily Blog hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ về việc ý nghĩa và cách xây dựng văn hoá Feedback, xuất phát từ gốc bên trong mỗi startup.


Trong bài Daily Blog “Chiêm nghiệm về cách nhà sáng lập startup phản ứng khi nhận Feedback” trước đây của tôi, tôi tin rằng, bên cạnh “Ego” cái tôi của nhà sáng lập là nguyên nhân khiến họ khó chấp nhận việc nhận Feedback từ đối phương, thì còn tồn tại những lý do khác đến từ văn hoá tổ chức trong startup. Cụ thể, trong quá trình hình thành văn hoá startup, và quá trình tuyển dụng mang nhiều “Network effect” (hiệu ứng của việc những người được tuyển vào tiếp theo sẽ có xu hướng giống và được phản chiếu từ chính những người được tuyển vào ban đầu và từ các nhà sáng lập), khiến văn hoá startup có xu hướng bị đồng hoá bởi những người giống nhau, khó nuôi dưỡng được văn hoá với nhiều góc nhìn đa dạng, để phản biện xây dựng. Mặt khác, khi startup theo đuổi phong cách tổ chức theo cấp bậc cao thấp, không tạo ra môi trường khuyến khích thoải mái chia sẻ feedback, dẫn đến việc các nhà sáng lập cũng sẽ khó nhận được các feedback một cách thẳng thắn từ bên dưới của mình. Tôi tin rằng, một công ty không nuôi dưỡng văn hoá góp ý feedback, thì bản thân từng cá nhân trong đó, sẽ sợ hãi không dám nói những điều mình nghĩ và đi ngược lại với ý kiến của cấp trên. Nhìn xa ra, sẽ khiến tổ chức nói chung và mỗi con người ở đó không dám thách thức bản thân và mọi người cùng tốt hơn. Mọi thứ sẽ có xu hướng trì trệ hơn, khiến những nhân tài thực sự cảm thấy mình khó có cơ hội phát triển hơn, từ đó dẫn đến việc họ rời tổ chức.


Do đó, việc thúc đẩy xây dựng văn hoá cởi mở, ở đó mọi người thẳng thắn chia sẻ feedback xây dựng, và luôn đi tìm kiếm feedback để hoàn thiện hơn nữa là điều vô cùng quan trọng với startup nói chung và mỗi người trong tổ chức nói riêng. Để làm được điều đó, đầu tiên cơ bản nhất là bản thân mỗi người, bao gồm cả nhà sáng lập cần giữ trong mình growth mindset, với tư duy mong muốn tiến bộ hơn để hạ cái tôi luôn cầu thị và chủ động tìm kiếm feedback góp ý để hoàn thiện. Dựa trên tiền đề đã có được đúng mindset rồi, các nhà sáng lập có thể xây dựng văn hoá feedback cho startup của mình, với sự tham gia của tất cả các thành viên trong công ty, thông qua thiết lập những bộ quy tắc ứng xử, giao tiếp cơ bản khi góp ý để “góp ý thực sự là góp ý”. Cụ thể, là đặt ra những kỳ vọng cơ bản về cách feedback nên được chia sẻ và ghi nhận, để tối ưu được hiệu suất trên từng feedback, dựa trên tinh thần trân trọng, cầu thị và muốn phát triển. Bên cạnh đó, startup cũng sẽ cần kỉ luật định kỳ thường xuyên tiến hành feedback, theo tuần và tháng, thay vì chờ tới quý hay nửa năm mới thực hiện mội lần, với mục đích tạo thói quen, và duy trì môi trường cởi mở chia sẻ và tiếp nhận feedback trong nội bộ công ty.


Tôi đã từng rất bất ngờ khi xem đoạn video ghi lại cách Vietcetera - startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư tại Việt Nam đã tổ chức một buổi Feedback công khai từ các nhân viên, trực tiếp gửi với các sếp của mình - là 3 anh chị lãnh đạo, thành viên quản trị tại Vietcetera. Bình thường, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn những buổi chia sẻ Feedback từ sếp tới nhân viên, nhưng cách làm đặc biệt của Vietcetera cho thấy nỗ lực của mình trong việc tạo ra môi trường cởi mở, thoải mái, khuyến khích góp ý tới các sếp, qua đó là xây dựng văn hoá Feedback để mọi người cùng chia sẻ góp ý, cùng nhau tốt hơn.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi nói về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá Feedback cùng phát triển tại startup, và cách tiếp cận để làm được điều đó. Tôi tin rằng, xuất phát từ gốc, từ growth mindset, định hình nên văn hoá, hành động một cách nhất quán đề cao việc chia sẻ và ghi nhận feedback sẽ giúp công ty và các nhân viên của mình ở đó không ngừng tìm kiếm tự tiến bộ, phát triển. Và đã là một công ty startup, luôn khao khát sự phát triển, thì chắc chắn Feedback nên và luôn là một phần trong văn hoá của startup. Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!!

bottom of page